Chiều 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018.
Đoàn giám sát của UBTVQH đề nghị bãi bỏ ngay sáu loại quỹ nhà nước ngoài ngân sách, trong đó có quỹ bảo trì đường bộ; xác định rõ lộ trình bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Chi không hết, gửi ngân hàng lấy lãi
Công bố báo cáo của đoàn giám sát, chủ nhiệm UB Tài chính-ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết việc thành lập và hoạt động của các quỹ trong thời gian qua góp phần thúc đẩy xã hội hóa, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thành lập và hoạt động của các quỹ còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách. Một số quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Các khoản đóng góp được tính theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hoặc trên thu nhập của người lao động.
“Đây có thể được coi là một khoản thuế doanh thu đánh trên các sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoặc giá trị tài sản mà người sử dụng, người mua phải trả tạo thêm khoản đóng góp cho người dân và doanh nghiệp” - ông Hải nói.
Cạnh đó, hiệu quả hoạt động của một số quỹ còn hạn chế, chưa có hiệu quả hoặc căn cứ để đánh giá hiệu quả không rõ ràng, chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý. Nhiều quỹ tại địa phương làm phát sinh chi phí quản lý và tổ chức biên chế.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét mục đích của các quỹ ngoài ngân sách là dùng vốn ngân sách làm “vốn mồi”, từ đó huy động các nguồn xã hội. Tuy nhiên, mục đích này không thực hiện được trên thực tế. “Cơ bản vẫn là bố trí ngân sách nhà nước, còn việc huy động, thu hút các nguồn lực theo báo cáo của đoàn giám sát là rất hạn chế” - ông Thanh thông tin.
Ông Thanh cũng đồng tình với nhận định của đoàn giám sát, việc chi của quỹ có nhiều bất cập. “Chi cho những hoạt động không phải của quỹ mà chi cho chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước ở chính quyền địa phương, chi cho tuyên truyền, quảng cáo, chi cho tổ chức bộ máy… Có quỹ chi không hết còn gửi ngân hàng” - ông nói và đề nghị cần rà soát, chấn chỉnh việc này.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ thực tế chưa có cơ quan thống nhất quản lý các quỹ. “Tôi nhớ có hình tượng sông thì cạn nước nhưng có nhiều hồ nhỏ vẫn còn chứa nước. Ngân sách nhà nước là một dòng sông chảy luân chuyển đã cạn nước nhưng hồ lớn, hồ nhỏ xung quanh thì giữ nước lại. Như vậy là phân tán nguồn lực” - bà ví von…
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, thay mặt đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ hàng loạt quỹ. Ảnh: TN
Đề nghị bãi bỏ hàng loạt quỹ
Từ thực tiễn trên, đoàn giám sát kiến nghị tăng cường quản lý, sử dụng các quỹ; bãi bỏ một số quỹ không cần thiết, hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn.
Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ ngay sáu loại quỹ.
Theo đó, bỏ quỹ bảo trì đường bộ ở trung ương và ở địa phương, vì toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp hằng năm; bỏ quỹ phòng, chống thiên tai vì việc chi thực hiện phòng, chống thiên tai được cấp từ ngân sách, thông qua dự phòng ngân sách hằng năm.
Đề nghị xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, quỹ bình ổn giá xăng dầu, quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
Đối với các quỹ về an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm thất nghiệp), đoàn giám sát đề nghị sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan phù hợp với tinh thần về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách bảo hiểm y tế.
Chủ tịch QH cũng đề nghị phải rà soát, đánh giá lại quỹ nào hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích, mang lại hiệu quả, còn quỹ nào cần dẹp bỏ. Bà nói: Quỹ phòng, chống thiên tai theo báo cáo chi rất ít, cứ thiên tai xảy ra, chúng ta lại đóng góp, cơ quan nào cũng đóng góp, các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể cũng đóng góp, rồi ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, dự phòng ngân sách... “Đã thế còn tồn tại quỹ này thì phải xem lại” - bà Ngân nói.
48 quỹ nhà nước ngoài ngân sách (trung ương 28, địa phương 20), phần lớn được thành lập trước khi có Luật Ngân sách nhà nước 2015. Có hơn 100 văn bản cho phép thành lập và việc quản lý, sử dụng các quỹ phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch, không rõ ràng, không phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn. |
Không cần quỹ bình ổn
Giải trình sau đó về quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay bộ này đã hai lần báo cáo Thủ tướng đề nghị bỏ quỹ này và Thủ tướng đã đồng ý, giao Bộ GTVT đề xuất chỉnh sửa nghị định và quyết định liên quan. Ông cũng thông tin là quỹ này thành lập theo luật nhưng năm năm qua không còn tồn tại vì đã đưa hết vào ngân sách.
Liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo ông Dũng, năng lực sản xuất xăng dầu trong nước đã đáp ứng được gần 80% nhu cầu, còn 20% phải nhập khẩu. Tuy nhiên, nguyên liệu sản xuất phần lớn vẫn phải nhập khẩu nên tác động của giá xăng dầu thế giới tới tình hình trong nước vẫn rất lớn… “Trong điều hành chung, tay này chúng ta phải kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, tay kia thả ra thị trường. Nếu có cú sốc của thị trường sẽ dễ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát” - ông giải thích và cho rằng nếu bỏ thời hạn điều chỉnh giá 15 ngày hiện nay, để giá xăng dầu biến động hằng ngày thì lúc đó không cần quỹ nữa.
“Việc này chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ sửa đổi các quy định liên quan trong thời gian tới” - bộ trưởng Tài chính nói.