Đề nghị bãi bỏ quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bình ổn giá xăng dầu

Chiều 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018.

Công bố báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết việc thành lập và hoạt động của các quỹ trong thời gian qua góp phần thúc đẩy xã hội hóa, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Tuy nhiên, theo ông, việc thành lập và hoạt động của các quỹ cũng còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách. Một số quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các DN, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Các khoản đóng góp được tính theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất kinh doanh hoặc trên thu nhập của người lao động. 

“Đây có thể được coi là một khoản thuế doanh thu đánh trên các sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoặc giá trị tài sản mà người sử dụng, người mua phải trả tạo thêm khoản đóng góp cho người dân và DN” - ông Hải trích dẫn lại đánh giá của đoàn giám sát.

Cạnh đó, hiệu quả hoạt động của một số quỹ còn hạn chế, chưa có hiệu quả hoặc căn cứ để đánh giá hiệu quả không rõ ràng, chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý.

“Có quá nhiều quỹ tại địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế” - ông Hải nói và cho biết các địa phương trung bình có khoảng 10-15 quỹ. 

Từ thực tiễn trên, đoàn giám sát đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng.

Cụ thể, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng các quỹ này, giao Chính phủ ban hành nghị định. Đồng thời, bãi bỏ một số quỹ không cần thiết, hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các luật.

Đáng chú ý, đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối sáu loại quỹ.

“Bỏ quỹ bảo trì đường bộ ở Trung ương và ở địa phương, vì toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp hằng năm” - báo cáo của đoàn giám sát nêu rõ.

Bãi bỏ quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN; bãi bỏ quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và chuyển giao cho các tổ chức xã hội quản lý theo cơ chế tổ chức, hoạt động của các quỹ xã hội, từ thiện.

Đoàn giám sát cũng đề nghị bãi bỏ quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài do kinh phí hoạt động của hai quỹ này hoàn toàn do ngân sách cấp, không có nguồn thu khác. 

Bãi bỏ quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước và chuyển một số nhiệm vụ chi liên quan đến việc hỗ trợ việc làm ngoài nước vào nhiệm vụ chi của ngân sách.

Ngoài ra, đoàn giám sát cũng đề nghị bỏ quỹ Phòng chống chống thiên tai vì việc chi thực hiện phòng chống thiên tai được cấp từ ngân sách, thông qua dự phòng ngân sách hằng năm.

Cùng với đó, đoàn giám sát cũng đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, quỹ bình ổn giá xăng dầu, quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Đoàn giám sát cũng đề nghị thực hiện việc sáp nhập đối với các quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, đối tượng phục vụ, như quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam và quỹ bảo vệ và phát triển rừng…

Đối với một số quỹ tài chính khác ở địa phương (như quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ đầu tư phát triển, quỹ hỗ trợ phát triển đất, quỹ bảo lãnh tín dụng…), đoàn giám sát đề nghị thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, xem xét, sáp nhập để giảm đầu mối, giảm chi phí.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ, thực hiện cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp. 

“Báo cáo QH tại kỳ họp tháng 5-2020 và trình QH xem xét, ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng các quỹ này” - đoàn giám sát đề nghị.

Cạnh đó, đoàn giám sát cũng đề nghị khi ban hành các luật chuyên ngành, cần xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trong việc thành lập mới các quỹ, tránh trường hợp thành lập quá nhiều.

Đối với các quỹ về an sinh xã hội (BHXH, quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm thất nghiệp), đoàn giám sát đề nghị sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan phù hợp với tinh thần cải cách chính sách BHXH và chính sách bảo hiểm y tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm