Đây là sự kiện nhằm cổ vũ sáng kiến Á-Âu của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Khẩu hiệu của sự kiện này là “Một ước mơ, một Á-Âu”.
Sáng kiến Á-Âu nhằm phát triển mạng lưới giao thông và hậu cần vận tải bao phủ châu Á với châu Âu để củng cố quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai châu lục, tạo nền móng cho thống nhất hai miền Triều Tiên. Những người tham gia sự kiện đến từ nhiều TP Hàn Quốc sẽ tập trung tại nhà ga Seoul. Thành phần tham gia gồm các viên chức chính phủ, các nghị sĩ, nghệ sĩ, giáo sư ĐH và nhà doanh nghiệp.
Khi đoàn tàu đến biên giới hai miền Triều Tiên, những người tham gia sự kiện được chia làm hai nhóm sẽ đáp máy bay đến Vladivostok (Nga) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Đoàn tàu thứ nhất khởi hành từ Vladivostok sẽ đi đến Berlin (Đức) qua nhiều TP của Nga và thủ đô Ba Lan. Đoàn tàu thứ hai xuất phát từ Bắc Kinh sẽ đến Yakutsk (vùng Viễn Đông Nga), sau đó những người tham gia sự kiện sẽ đổi tàu hỏa để lên tàu đến Berlin. Hành trình dài 14.400 km sẽ kết thúc vào ngày 2-8 qua sáu nước.
Trả lời hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho biết: “Tàu tốc hành Á-Âu không phải là một cuộc biểu diễn (chính trị hay ngoại giao). Đây là một chương trình phản ánh tầm quan trọng chiến lược của hệ thống đường sắt Á-Âu”. Chuyến đi này do Bộ Ngoại giao và Công ty Đường sắt Hàn Quốc tài trợ. Ngoại trưởng Yun Byung-se sẽ tham gia đoạn Warsaw-Berlin.
Ông nhận định: “Thông qua sáng kiến Á-Âu, Hàn Quốc nhắm đến thành lập một khối kinh tế nhằm mục đích hòa bình, cùng thịnh vượng… Với vai trò địa lý là cửa ngõ phía Đông của lục địa Á-Âu, Hàn Quốc phải giữ vai trò chất xúc tác”.
Hàn Quốc đang nỗ lực tham gia nhiều dự án đường sắt như dự án đường sắt xuyên bán đảo Triều Tiên, dự án đường sắt xuyên Siberia, dự án đường sắt xuyên Trung Quốc. Trở ngại lớn nhất là căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Tàu hỏa không được phép vượt vùng phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên.
Năm 2007, một tuyến đường sắt được xây dựng nối CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc chỉ để chở hàng. Một năm sau tuyến đường sắt ngừng hoạt động khi Tổng thống Lee Myung-bak nhậm chức và CHDCND Triều Tiên bắn thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Các chuyên gia nhận định sáng kiến Á-Âu chỉ là ước mơ viển vông nếu quan hệ liên Triều không được cải thiện. Sự kiện tổ chức sáng kiến Á-Âu diễn ra trùng hợp với các sự kiện 70 năm ngày chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai, Triều Tiên thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật và Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nga và Mông Cổ.
D.THẢO