Anh NVL cho biết anh đã tự rèn luyện để có nghị lực đủ lớn dứt khỏi ma túy sau nhiều lần ra vô trại cai nghiện như cơm bữa. Nhưng khi anh quay về hòa nhập xã hội, mọi người đều nhìn anh nghi ngại, kể cả chính gia đình anh. Anh nói: “Sau khi ra khỏi trung tâm năm năm trời, tôi không đụng tới ma túy nhưng người ta vẫn gọi tôi là thằng nghiện. Trong nhà có khi người này người kia làm mất tiền hoặc để quên đâu đó, họ lại nghi ngờ tôi”.
Phải có nghị lực cực lớn
Bước qua mọi định kiến, anh L. chăm chỉ làm ăn và tình nguyện trở thành đồng đẳng viên của chương trình Tình thân (trực thuộc Hội Phòng, chống AIDS TP.HCM) để hỗ trợ người nghiện. Anh luôn nói với những người đang chật vật dứt bỏ ma túy: “Người bình thường cố gắng làm gì cũng như từ mặt đất leo lên cây. Còn chúng ta ở dưới mặt đất, nghĩa là dưới hố, phải nỗ lực mà nhảy lên”. Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân rằng việc dứt khỏi ma túy một thời gian thực ra không quá khó. Điều khó nhất là cảm giác cô đơn, mất mát, thất bại, bị khước từ khi quay lại hòa nhập cộng đồng. Nhiều người không vượt qua được thời điểm khó khăn này, không tìm được hướng đi nên đã buông xuôi, nghe bạn bè rủ rê lại tái nghiện nên người sau cai rất cần gia đình làm điểm tựa.
Còn anh TVK (quận 9) cho biết bản thân anh trải qua những mất mát lớn: Vợ ôm con bỏ đi, gia đình đưa anh vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Những ngày trong trung tâm, anh thấm thía tận cùng nỗi cô đơn. Được cán bộ trung tâm động viên, qua nhiều ngày suy nghĩ về cuộc đời mình, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Ra trại anh hăm hở đi xin việc nhiều nơi nhưng hầu hết chủ lao động từ chối vì cho rằng: “Nhận thằng nghiện thì thế nào cũng có chuyện xảy ra”. Có công ty không biết quá khứ của anh nhưng nhìn thấy anh gầy ốm họ cũng nghi ngờ và không tiếp nhận.
Chỉ có một công ty tuyển anh K. vào làm vì họ tin anh có nghị lực để đoạn tuyệt ma túy. Anh chăm chỉ làm việc để khẳng định mình. Tuy nhiên, công ty sau đó gặp khó khăn, ngưng hoạt động. Anh quay lại làm phụ hồ kiếm sống qua ngày. Bản thân là người cai nghiện thành công nhưng anh cho rằng: “Số người tái nghiện rất nhiều. Ở trong trại tôi thấy nhiều người vẫn lén mua và sử dụng ma túy. Khi không đủ nghị lực và không được gia đình giúp đỡ, họ sẽ không leo lên được miệng hố”.
Quận Bình Thạnh tặng quà, khen thưởng những người sau cai hòa nhập cộng đồng tốt, chăm chỉ làm ăn. Ảnh: H.MINH
Không dễ hòa nhập cộng đồng
Chia sẻ kinh nghiệm với các gia đình và các đồng đẳng viên, ông Phạm Thanh Vân, người phụ trách chương trình Tình thân, cho biết việc ngăn ngừa tái nghiện cần nỗ lực và sự nghiêm khắc của chính người thân trong gia đình. Ông đã từng làm việc với một gia đình có ba người con trai đều nghiện ma túy. Người mẹ đã không đủ cứng rắn, bà đưa con đi cai nghiện nhưng khi con vật vã năn nỉ, bà lại cho con xài thuốc. Sau đó các con bà lần lượt chết vì ma túy và AIDS. Bà từng than thở với ông: “Thà nó nghiện nhưng mình còn ngó thấy nó, lỡ nó khổ quá nó chịu không nổi...”. Chính vì thương con sai cách mà bà mất luôn cơ hội để đưa những đứa con trở về cuộc sống bình thường.
Quận Bình Thạnh là một trong những địa phương thường xuyên có những hoạt động quan tâm giúp đỡ người sau cai hòa nhập cộng đồng. Người sau cai hòa nhập tốt, không tái nghiện được hỗ trợ vay vốn làm ăn và được khen thưởng. Trong một lần được quận tuyên dương, chị NHTH (phường 1) đã xúc động chia sẻ quá trình “trở về” của mình. Chị từng là một cô gái ngoan, nền nếp theo đúng mong muốn của cha mẹ. Chỉ vì nể bạn một lần mà chị đồng ý chơi thử ma túy cùng đám bạn. Một lần, hai lần, ba lần... chị nghiện lúc nào không hay. Chị đã đóng cửa nhốt mình trong nhà để tự cai một cách vật vã. Bỏ ma túy được hai năm, chị kết hôn, sinh được ba con. Cuộc sống tưởng như hạnh phúc viên mãn thì chồng chị bỏ rơi mấy mẹ con, đi theo người khác. Suy sụp và trầm cảm, chị quay lại với ma túy và nhiễm HIV. Chị buông xuôi vì nghĩ “đời mình xong rồi”. Nhưng mẹ chị thương con thương cháu, đã kiên nhẫn giúp chị chống chọi với trầm cảm và cai nghiện. Hội phụ nữ phường cũng thường xuyên thăm hỏi động viên. Chị quyết tâm “đi cai lần cuối cùng”. Cha mẹ chị giúp chị vay mượn vốn mở một quán cà phê nhỏ xíu để chị vừa buôn bán kiếm tiền nuôi con, thoát khỏi mặc cảm là “người bỏ đi”. Hội phụ nữ giúp thêm vốn và thường xuyên tặng quà, tặng học bổng cho các con chị.
Chị NHTH tự tin rằng mình sẽ nuôi dạy con cái thật tốt bởi chị đã được yêu thương và giúp đỡ rất nhiều. Chị tham gia các buổi truyền thông giúp đỡ người nghiện sau cai. Chị cũng cần trở thành điểm tựa cho người khác.
Trở thành những đồng đẳng viên đầy thấu hiểu Để người nghiện quay lại cuộc sống bình thường là một thách thức cực kỳ lớn nhưng khi đã vượt qua, họ có thể đóng góp rất nhiều cho cuộc sống. Những người này khi đảm nhận vai trò đồng đẳng viên, họ sẽ truyền thông rất hiệu quả bởi họ hiểu hết mọi ngóc ngách trong đời sống của người nghiện mà người bình thường không dễ chạm đến được. Chị NTKD, nhân viên của chương trình Tình thân |