Sáng nay 29-11, với đa số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản với 12 Chương, 111 Điều.
Khai thác khoáng sản phải có đóng góp cho địa phương
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết dự thảo luật đã có điều chỉnh về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác (Điều 8).
Cụ thể, ông Huy cho hay, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về mức đóng góp của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác để địa phương có cơ sở thực hiện. Đồng thời, đề nghị rà soát quy định hạch toán khoản chi hỗ trợ vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp để thống nhất với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc bổ sung quy định này làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.
Về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, nội dung này kế thừa từ điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Khoáng sản năm 2010 về trách nhiệm hỗ trợ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy cần thiết phải quy định rõ ràng hơn về nội dung này.
Theo đó, dự thảo Luật đã được bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 8 theo hướng quy định: Căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Đồng thời, bổ sung khoản 3 Điều 8 giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung như: nguyên tắc xác định mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng nguồn thu để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
“Theo quy định nêu trên, việc quyết định mức thu phải căn cứ vào tình hình, hiệu quả hoạt động về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trường hợp hoạt động khoáng sản trên địa bàn không hiệu quả thì HĐND cấp tỉnh sẽ chủ động quyết định điều chỉnh khoản đóng góp này, tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của địa phương”, ông Huy phân tích.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường lập luận hoạt động khoáng sản thường không được sự ủng hộ của người dân trên địa bàn do tác động không mong muốn đối với môi trường sống và hạ tầng kỹ thuật.
Do đó, việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có những đóng góp cụ thể để cùng với nhà nước nâng cấp, duy tu, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn sẽ góp phần tạo được đồng thuận ủng hộ của người dân khi triển khai dự án khai thác khoáng sản.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản mong muốn có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để có căn cứ thực hiện nội dung này.
Thời hạn khai thác khoáng sản là 30 năm
Về giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 56), Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định thời gian cấp phép không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.
“Về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo khoáng sản là tài sản công, việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác”, ông Huy nhấn mạnh.
Theo đó, việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường đã lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới.
“Điểm a khoản 4 Điều 56 dự thảo Luật đã quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư”, ông Huy nói.
Trên thực tế, có nhiều dự án sau 10 năm đã hoàn thành việc khai thác, kết thúc dự án. Ngoài ra, dự thảo Luật quy định việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời gian khai thác khoáng sản (kể cả thời gian gia hạn) nhưng còn trữ lượng.
“Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép được giữ quy định về thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản như tại điểm a khoản 4 Điều 56, đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo để bảo đảm thuận lợi, dễ dàng về thủ tục gia hạn giấy phép”, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nêu.