Đây không phải là một hiện tượng mới. Nhưng năm nay, nó được các doanh nghiệp Mỹ lưu tâm hơn cả. Họ lo ngại hàng triệu lao động Trung Quốc về quê ăn Tết sẽ không quay trở lại làm việc.
Vấn đề này bắt đầu trở nên nghiêm trọng từ vài tháng trước Tết. Tình trạng thiếu hụt lao động tại Trung Quốc khiến hệ thống bán lẻ của Mỹ bị thiếu nguồn cung. Tại chuỗi đại lý của The Container Store, một số sản phẩm thông dụng như ống đựng bút hay ngăn kéo nay cũng trở nên khan hiếm.
“Từ khoảng một tháng rưỡi trở lại đây, chúng tôi không nhận được chuyến hàng nào. Tính ra chúng tôi thiệt hại hàng triệu USD doanh thu mỗi ngày”, Mona Williams, phó chủ tịch của The Container Store, cho biết. Một trong những nhà cung cấp chính cho họ gần đây đã phải chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất về Mỹ vì không có đủ công nhân tại Trung Quốc.
“Nhiều khách hàng của chúng tôi cũng đang rơi vào tình thế nan giải giống như The Container Store”, Pratap Mukharji, thành viên của hãng tư vấn Bain & Co, nói. Theo Mukharji, Trung Quốc không còn là nguồn cung cấp lao động dồi dào, giá rẻ cho nhiều doanh nghiệp Mỹ nữa.
Người Trung Quốc đang muốn thay đổi công việc của họ. “Khi chất lượng cuộc sống tại Trung Quốc được cải thiện thì ngay cả công nhân cũng muốn tìm những công việc có lương cao hơn”, Henry Hu, nhà tư vấn cho nhiều hãng sản xuất Trung Quốc, nói.
Những công nhân trước đây vốn sản xuất hàng may mặc giờ đang tìm kiếm những công việc có lương cao hơn trong ngành dịch vụ hay sản xuất xe hơi, hàng công nghệ cao. Mukharji cho biết có nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao thuê đến 5.000 công nhân mỗi tuần.
Bruce Cohen, thành viên của hãng tư vấn bán lẻ và sản phẩm tiêu dùng Kurt Salmon, cho biết các nhà bán lẻ họ tư vấn đang phải chi thêm từ 10% đến 15% một năm để mua lại hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Ông nhận định: “Đang có một thay đổi vô cùng to lớn diễn ra vào đúng thời điểm khó khăn cho nền kinh tế Mỹ.” Do đó, ông khuyên các khách hàng của mình không nên phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, cho dù đây vẫn là địa điểm sản xuất lý tưởng đối với một vài mặt hàng.
“Gần đây, nếu nhìn vào nhãn trên áo phông, ta không còn hay bắt gặp dòng chữ ‘Made in China’ nữa, mà sẽ thấy Việt Nam, Indonesia, Bangladesh hay Costa Rica”, Mukharji nói.
Cohen cho biết, đặt hàng may mặc từ Trung Quốc có thể mất 12 đến 16 tuần, nhưng nếu sản xuất trong nước thì các hãng bán lẻ có thể bổ sung hàng hóa vào trong kho dự trữ nhanh hơn nhiều. Một vài nhà sản xuất hàng điện tử đã chuyển hoạt động sản xuất sang Mexico, số khác thì lại quay trở về Mỹ.
The Container Store đang tìm phương án thay thế cho Trung Quốc, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ hay Thái Lan. “Chúng tôi muốn sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Đôi khi điều đó có thể tìm thấy không chỉ ở Trung Quốc. Với chúng tôi, vận chuyển hàng hóa bị chậm hay không có hàng hóa cũng là vấn đề nghiêm trọng”, Williams nói.
Theo An Lâm (VNE/ CNN)