Văn phòng Chính phủ vừa nhận được dự thảo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH trong phiên họp Quốc hội sắp tới về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH 2016.
Theo đó, tính đến hết 31-12-2016, số thu BHXH ước 174.500 tỉ đồng, trong đó số chi 116.821 tỉ đồng, tăng 14.345 tỉ đồng so với năm 2015.
BHXH còn chi hỗ trợ UBND cấp xã lập danh sách hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế là 5.000 đồng/người.
Các khoản chi của quỹ BHXH với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng còn một số bất cập. Cụ thể, chi hoạt động tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật ước lên đến 350 tỉ đồng, tăng 50 tỉ so với năm 2015. Tuy nhiên, một bộ phận người dân, doanh nghiệp, tổ chức chưa được thường xuyên tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về BHXH. Ngoài ra, trong năm 2016, số lượng tham gia BHXH giảm trên 14.000 người so với năm 2015.
Bên cạnh đó, BHXH cũng chi 2.728,5 tỉ đồng cho việc hiện đại hóa hệ thống quản lý. Trong đó, chi ứng dụng công nghệ thông tin là 1.228,5 tỉ đồng; chi đầu tư phát triển là 1.500 tỉ đồng (bao gồm đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và giao dịch, kho lưu trữ, trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở đào tạo của ngành BHXH - gọi chung là chi xây dựng cơ bản).
Dù vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH vẫn chưa liên thông cơ sở dữ liệu trên toàn quốc nên gây khó khăn trong việc quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH; ảnh hưởng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà cho người lao động và người sử dụng lao động trong tham gia và thụ hưởng BHXH.
Theo BHXH, tổng số người tham gia BHXH tính đến hết năm 2016 là 13.065.763 người, tăng 775.234 người so với năm 2015. Số nợ BHXH bắt buộc đến cuối năm 2016 là 6,55 ngàn tỉ đồng. Nợ đọng tập trung ở khu vực các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (8,66% so với số phải thu), hợp tác xã (6,28% số phải thu) và doanh nghiệp nhà nước (5,5% so với số phải thu). |