Doanh nghiệp nhỏ trên đường chuyển đổi số

(PLO)- Tài chính, kiến thức, tham vọng quá nhiều… là những rào cản khiến việc chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều thử thách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có mặt tại diễn đàn “Doanh nghiệp (DN) đồng hành chuyển đổi số (CĐS) công thương” vừa được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tổ chức, anh Huỳnh Tiến, đại diện DN chuyên phân phối hàng thủ công mỹ nghệ, thừa nhận DN nhỏ của anh đang loay hoay tìm đường CĐS.

Tương tự, nhiều DN cho biết dù tham gia nhiều vào các nền tảng kinh doanh số từ chuẩn hóa website, bán trên sàn thương mại điện tử B2B, ứng dụng quản trị dữ liệu và tiếp cận khách hàng mới nhưng kết quả kinh doanh vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Còn nhiều rào cản với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Xét trong DN của mình, anh Tiến cho biết dù có quyết tâm CĐS nhưng bản thân anh chưa có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực này nên phải bổ sung chuyên gia và chịu thêm khoản chi phí đáng kể.

Ông ĐẶNG DƯƠNG MINH HOÀNG

Ông ĐẶNG DƯƠNG MINH HOÀNG

Nhiều năm nay, tôi đã thực hiện chuyển giao công nghệ cho người nông dân trong việc số hóa cây trồng và vườn trồng. Theo đó, mỗi cây trồng như bơ, điều sẽ được gắn một mã QR. Thông qua mã này, chúng ta có thể biết được quy trình chăm sóc, thu hoạch ở từng giai đoạn, giúp sản phẩm minh bạch, từ đó nâng cao giá trị thành phẩm. Chúng tôi cũng áp dụng công nghệ trong việc tưới tiêu như cảm biến, nhỏ giọt… giúp giảm chi phí nhân công, tăng năng suất cây trồng.

Việc áp dụng CĐS trong nông nghiệp đã giúp tăng doanh thu trong vụ mùa, đồng thời tạo ra thương hiệu riêng cho DN, từ đó phát triển kinh tế và có cơ hội xuất khẩu ra những thị trường khó tính.

Ông ĐẶNG DƯƠNG MINH HOÀNG, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước

“Nhân sự cho việc CĐS mỗi tháng có thể lên đến hàng chục triệu đồng, chưa kể các chi phí về sale web, chạy quảng cáo Google, ứng dụng các phần mềm tư vấn khách hàng tự động, phần mềm bán hàng, kế toán, chi phí sẽ lên đến 1 tỉ đồng. Chưa kể tiền khách hàng chậm thanh toán, cộng hết lại là con số không đơn giản với DN nhỏ như chúng tôi” - anh Tiến nói.

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, nước ta có đến 97% là các DN vừa và nhỏ (SMEs), hơn 90% trong số này chưa thực sự CĐS và hơn 70% DN chưa biết bắt đầu từ đâu. Những con số này thể hiện thực trạng CĐS trong khu vực SMEs chưa cao, đặc biệt là DN sản xuất.

Có trên 92% DN có nhu cầu CĐS trong hoạt động kinh doanh nhưng chỉ khoảng 10% DN thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu để phát triển.

Dưới góc độ nghiên cứu, bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Kinh tế số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhìn nhận có bốn rào cản chính khiến các DN công thương ngại tiến tới CĐS.

Thứ nhất là những hạn chế về nhân lực triển khai CĐS. Thứ hai là hạn chế về thông tin các giải pháp CĐS trên thị trường. Thứ ba là hạn chế về việc tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai CĐS. Cuối cùng là hạn chế trong việc xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thúc đẩy CĐS, trong đó bao gồm chính sách, nhân lực, logistics, phương thức thanh toán cũng như hạ tầng kết nối khi thanh toán COD.

Máy bay không người lái được ứng dụng trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho nông trại. Ảnh: THU HÀ
Máy bay không người lái được ứng dụng trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho nông trại. Ảnh: THU HÀ

Nhìn từ góc độ khác, ông Đỗ Thành Công, Giám đốc sản phẩm Ubox - akaBot (FPT Software), đại diện Công ty cổ phần FPT, cho rằng DN khi tham gia CĐS cần xác định đúng mục tiêu của tiến trình này.

“Lãnh đạo DN cần hiểu và xác định niềm tin CĐS là có thêm công cụ để giúp doanh thu tăng trưởng. Ở khía cạnh này, tôi cho rằng tâm thế của người lãnh đạo là quan trọng nhất” - ông Công đánh giá.

Vị này lấy ví dụ một số khách hàng của ông, nhất là trong lĩnh vực F&B (ẩm thực) đều muốn CĐS thật nhanh để có kết quả sớm.

“Tuy nhiên, dục tốc bất đạt. Việc triển khai chuyển đổi nên theo chiều dọc, tức là đi từng bước một, đi từ cái nhỏ nhất để từ từ dẫn đến sự thay đổi lớn. Việc CĐS theo chiều rộng, làm ồ ạt sẽ chỉ đem lại kết quả không như ý cho DN” - ông Công lý giải thêm.

Điều mấu chốt là áp dụng đúng mô hình

Đại diện cho nhóm DN có những bước thành công ban đầu khi áp dụng CĐS, ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc điều hành Accestrade, cho biết: “Chúng tôi thực hiện CĐS cho các SMEs. Tới nay, chúng tôi đã giúp khách hàng bán ra 6 triệu đơn hàng, ước tính 600 tỉ đồng. Sự kiện giảm giá 12-12 vừa qua, chúng tôi bán ra 120 tỉ tiền hàng cho các sàn thương mại điện tử và kinh doanh lẻ. Đây là con số đáng mơ ước cho hầu hết các DN công thương”.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt được kết quả đó? Theo ông Hưng chính là áp dụng đúng mô hình và phương pháp tiếp cận khách hàng cho DN. Ông Hưng nhận ra nếu vấn đề của DN lớn là tiết kiệm tiền, nâng cao hiệu suất kinh doanh thì điều DN nhỏ muốn là làm sao mở mắt ra phải bán được hàng. Do đó, bài toán cần giải là làm sao để bán hàng tốt nhất cho họ, các ứng dụng tính toán cũng phải giảm thiểu sự cồng kềnh.

Ông Hưng lấy ví dụ nếu DN có dưới 10 nhân viên thì nên tận dụng hết công dụng mà các ứng dụng miễn phí đem lại như Trello, Excel, Telegram, Google Analytics…

“Nếu tham lam chọn các giải pháp đao to búa lớn để mong nhanh chóng có kết quả thì chỉ hao tốn chi phí và công sức” - ông Hưng nói.

Dẫn chứng câu chuyện doanh thu từ CĐS của mình, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban chỉ đạo CĐS Công ty Phích nước - Bóng đèn Rạng Đông, nhận định nếu trước khi CĐS tỉ trọng tăng trưởng của Rạng Đông đạt 8% thì sau khi chuyển đổi, con số tăng trưởng luôn ở mức 15%-20%.

Ông Đặng Dương Minh Hoàng (bên phải), Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, làm việc với cộng sự. Ảnh: THU HÀ
Ông Đặng Dương Minh Hoàng (bên phải), Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, làm việc với cộng sự. Ảnh: THU HÀ

“Chỉ tính riêng năm nay, tốc độ tăng trưởng của chúng tôi ước đạt 20%. Kết quả này đều là nhờ vào quá trình CĐS trong kinh doanh mang lại” - ông Kết thông tin.

Rạng Đông cũng đã trải qua quá trình CĐS đi từ cái nhỏ nhất như chuẩn hóa bộ phận của từng chiếc máy trong dây chuyền sản xuất tới nâng cấp bộ xử lý của từng bộ máy… DN còn tham khảo ý tưởng của Werner von Siemens - người sáng lập Tập đoàn Siemens nổi tiếng thế giới rồi sàng lọc lại, chọn ra phương thức phù hợp với mình.

“Ý tưởng của Siemens trị giá 2 triệu USD, máy móc của họ không dưới 20 triệu USD/máy. DN chúng tôi không có tiền để mua, dù mua về cũng chưa chắc đã phù hợp với nhà máy. Vì vậy, chúng tôi chọn cách học ý tưởng rồi Việt hóa vào dây chuyền của mình. Chúng tôi mua giải pháp khác dựa trên ý tưởng của Siemens và vận dụng theo cách riêng. Nói điều này để thấy rằng CĐS đúng là cần sự nhanh chóng, tốc độ nhưng phải là tốc độ bền vững theo năng lực cốt lõi và văn hóa, con người của DN” - ông Kết nói.

Thiếu cách tiếp cận và chuyên gia hỗ trợ

Ông Đỗ Hữu Hưng - Giám đốc điều hành Accestrade nhận định tiến trình CĐS còn chậm và ít hiệu quả, lý do chính là do DN chưa nhận ra cốt lõi vấn đề. CĐS cần nhân lực chứ không hẳn là công cụ. Công cụ chúng ta có rất nhiều, thứ chúng ta thiếu là cộng đồng và giải pháp.

Thêm vào đó, cần nhớ rằng DN Việt Nam khác với DN nước ngoài, chính vì thế không thể bê nguyên mô hình CĐS ở các nước phát triển áp dụng cho toàn bộ DN ở Việt Nam. Giải pháp ở Việt Nam không thiếu, nhất là giải pháp do người Việt viết ra nhưng chúng ta chưa có cách tiếp cận phù hợp và thiếu chuyên gia hỗ trợ DN.

Ông Đỗ Hữu Hưng

Ông Đỗ Hữu Hưng

Một điểm lưu ý khác, dù Nhà nước đang rất nỗ lực hỗ trợ DN CĐS nhưng lại thiếu tính đồng bộ. Chính vì thế, dù làm nhiều nhưng kết quả lại không cao.

“Theo tôi, cơ quan nhà nước và các đơn vị triển khai những phần mềm số cần ngồi lại với nhau, thay vì đi tới từng địa phương thì tại sao không tạo ra một nền tảng đưa DN vào, từ đó đưa ra quyết định chính sách để hỗ trợ. Chúng ta càng phân mảng thì càng cần nhiều nguồn lực, uổng phí và tốn thời gian” - ông Hưng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm