Theo danh sách thống kê của cơ quan BHXH TP.HCM, tính đến hết tháng 3-2024, TP.HCM có hơn 20.000 đơn vị chậm đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) từ ba tháng trở lên. Trong đó có những doanh nghiệp (DN) chậm đóng BHXH cho NLĐ gần 10 năm và cũng có đơn vị chậm đóng với tổng số tiền hàng chục tỉ đồng.
Trên thực tế có không ít NLĐ phải khổ sở đi đòi quyền lợi cho mình khi bị DN nợ BHXH bằng cách gửi đơn ra tòa án. Thế nhưng việc đi đòi quyền lợi này không mấy dễ dàng.
Gian nan đi đòi tiền đóng BHXH
Anh TUV (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) gần một năm nay đã gửi đơn ra tòa để yêu cầu công ty nơi anh làm việc đóng BHXH cho vợ chồng anh nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Anh V kể: Tháng 4-2022, anh và vợ xin làm công nhân tại một công ty ở TP Thủ Đức. Lúc vào làm việc, vợ chồng anh có ký hợp đồng lao động và hằng tháng công ty đều trích một khoản tiền để đóng BHXH.
Vợ chồng anh làm được gần một năm thì vợ anh sinh con nhưng không được giải quyết chế độ thai sản vì công ty không đóng BHXH.
“Từ khi phát hiện công ty không đóng BHXH, rất nhiều lần tôi yêu cầu công ty thực hiện nhưng công ty lấy lý do đang khó khăn nên không đóng. Sau đó, công ty cắt giảm lao động nên tôi nghỉ việc nhưng không được chốt sổ BHXH. Rất nhiều lần vợ chồng tôi đến trực tiếp tại công ty cũ để hỏi về việc đóng BHXH nhưng công ty đóng cửa. Quá bức xúc, tháng 7-2023, tôi đã làm đơn gửi đến TAND TP Thủ Đức để yêu cầu công ty trả tiền BHXH. Đã qua nhiều lần tòa mời đến chỉnh sửa đơn khởi kiện, đến nay vụ kiện vẫn chưa được đưa ra xét xử. Giờ không biết ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi?” - anh V bức xúc.
Tương tự, chị Hồ Thị Kim Thanh (ngụ huyện Cần Đước, Long An) cho biết năm 2017 chị vào làm việc tại một công ty dược ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Trong quá trình làm việc, công ty chỉ đóng BHXH cho chị được vài tháng thì không đóng tiếp.
Hiện nay, dù chị Thanh đã nghỉ việc ở công ty này nhưng công ty vẫn không đóng đầy đủ BHXH cho chị. Cuối năm 2023, chị Thanh quyết định gửi đơn kiện công ty này ra TAND quận Phú Nhuận. Tòa án đã thụ lý và tòa đã mời chị đến làm việc hai lần nhưng chưa được đưa ra xét xử.
“Tôi thấy việc NLĐ đòi tiền đóng BHXH rất gian nan bởi phải gửi đơn, đi đến tòa nhiều lần để hòa giải rất mất thời gian.Trong khi chúng tôi còn phải đi làm để chăm lo cho gia đình chứ không thể cứ mãi đi theo vụ kiện được. Chúng tôi cần một cơ quan nào đó đứng ra bảo vệ quyền lợi hơn là để chúng tôi tự đi kiện rất mất thời gian” - chị Thanh chia sẻ.
Cơ quan BHXH cũng lập hồ sơ kiến nghị khởi tố các doanh nghiệp vi phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 216 BLHS.
Quyền lợi của NLĐ được giải quyết thế nào?
Trao đổi với PV, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết theo quy định hiện hành, đối với trường hợp DN chậm đóng BHXH và nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì DN có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH cho NLĐ đến thời điểm đã đóng. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ, cơ quan BHXH sẽ xác nhận bổ sung trên sổ BHXH. Khoản BHXH chưa đóng, được DN đóng bù thì NLĐ sẽ được chi trả chế độ theo quy định.
Ông Hà thông tin thêm: Ngày 21-6-2023, BHXH Việt Nam có Công văn 1880 hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH đối với NLĐ tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH. Các đơn vị chưa đóng đủ BHXH bao gồm: Các đơn vị đang làm thủ tục phá sản; có quyết định phá sản của tòa án; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật.
Theo đó, NLĐ trước đây làm việc tại đơn vị sử dụng lao động nêu trên chưa đóng đủ BHXH thì xác nhận sổ BHXH cho NLĐ đến thời điểm đã đóng BHXH.
Việc giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ sẽ được thực hiện như sau: Đối với chế độ ốm đau, thai sản thì cơ quan BHXH giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe đối với NLĐ căn cứ vào thời gian thực đóng BHXH đã được xác nhận.
Đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi, mang thai hộ thì NLĐ có thời gian đóng BHXH vào Quỹ ốm đau, thai sản mà đủ sáu tháng trở lên theo quy định, chưa hưởng chế độ thì cơ quan BHXH giải quyết trợ cấp thai sản.
Khoản BHXH chưa đóng, được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác và làm thay đổi mức trợ cấp thì điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách để chi trả bổ sung…•
Giải pháp thu hồi chậm đóng, nợ đóng BHXH
Cơ quan BHXH đã đưa ra hai giải pháp chính để thực hiện thu hồi chậm đóng BHXH cho NLĐ.
Thứ nhất, cơ quan BHXH sẽ theo dõi, giám sát thường xuyên và gặp gỡ DN.
Thứ hai, phối hợp với các sở, ngành để có biện pháp xử lý những đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH cho NLĐ.
Cụ thể, cơ quan BHXH phân công và giao kế hoạch cho từng viên chức thực hiện công tác thu, nợ, giám sát định kỳ hằng tuần, tháng, quý, năm để đánh giá kết quả thực hiện.
Vào định kỳ ngày 25 và ngày 5 hằng tháng, cán bộ BHXH sẽ gửi thông báo cho DN qua email, Zalo… để theo dõi tình hình nộp tiền của DN đến ngày cuối cùng của tháng. Nếu DN chưa thanh toán, cán bộ BHXH sẽ gọi điện thoại yêu cầu đơn vị nộp tiền cho cơ quan BHXH.
Đồng thời, với những trường hợp DN vẫn chưa khắc phục số tiền nợ, BHXH TP.HCM sẽ chủ động gửi thư mời làm việc đối với các đơn vị nợ từ ba tháng trở lên và số tiền nợ từ 50 triệu đồng trở lên. Cụ thể là đôn đốc nhắc nhở, lập biên bản, yêu cầu trích nộp tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Ngoài ra, cơ quan BHXH sẽ đăng tải danh tính các DN nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ sáu tháng và có số tiền nợ từ 300 triệu đồng trở lên trên trang web của cơ quan BHXH TP.HCM.
Song song đó, cơ quan BHXH cũng tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đột xuất đối với các DN không chấp hành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Cơ quan BHXH cũng lập hồ sơ kiến nghị khởi tố các DN vi phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ theo quy định tại Điều 216 BLHS.
BHXH TP.HCM