Doanh nghiệp phải vay tín dụng đen tăng mạnh, lãi suất hơn 46%

(PLO)- Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ là tiếp cận vốn tín dụng. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 cho thấy tình hình nghiêm trọng hơn 2019.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 mà VCCI công bố hôm qua cho thấy, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng.

55,6% DN được hỏi ghi nhận khó khăn này, tăng mạnh so với tỷ lệ 34,8% của PCI 2019.

Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng

Tiếp cận tín dụng là khó khăn chung, nhưng DN càng nhỏ thì càng khó chạm được ngân hàng. Báo cáo cho thấy chỉ có 11,3% nhóm DN có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống đang được tiếp cận tín dụng, so với tỷ lệ 20,5% của các DN có quy mô vốn từ trên 3-10 tỷ đồng.

Tất nhiên, việc DN có hay không có khoản vay từ các tổ chức tín dụng phụ thuộc trước hết vào việc liệu các DN này có nhu cầu vay hay không. Nhưng nếu DN có nhu cầu vay mà lại khó tiếp cận vốn thì đây rõ ràng là vấn đề cần được tìm hiểu để có giải pháp phù hợp.

Các DN tư nhân chật vật trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Các DN tư nhân chật vật trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Mổ xẻ sâu vấn đề này, PCI 2022 cho thấy nguyên nhân chủ yếu là DN không có tài sản thế chấp (79,4%); rồi các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện bất lợi cho DN tư nhân (58,7%); thủ tục vay vốn phiền hà (58,6%).

Ngoài ra, tình trạng DN phải "bồi dưỡng" cho cán bộ tín dụng (55,8%), cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ (49,8%) cũng góp phần cản trở DN tiếp cận tín dụng...

Điều kiện cho vay trở thành rào cản lớn

Trong năm 2022, một trong những chương trình hỗ trợ tín dụng quan trọng cho DN là gói hỗ trợ lãi suất 2% nhằm giúp các DN phục hồi sau đại dịch COVID-19. Khảo sát PCI cho thấy 29,5% DN có biết tới chương trình này song chỉ khoảng 2% DN được hỏi cho biết là đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Con số này tương đối thấp và khá sát với những phản ánh liên tục trên báo chí trong thời gian gần đây. Theo đó, tính đến cuối tháng 12-2022, số tiền lãi đã hỗ trợ mới đạt khoảng 135 tỷ đồng cho hơn 1700 khách hàng.

Chỉ khoảng 2% DN cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất.

Chỉ khoảng 2% DN cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất.

Cũng về gói hỗ trợ này, có tới 56,7% DN được hỏi cho biết gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay. 74,8% DN được hỏi cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất.

Chẳng hạn, tiêu chí “có khả năng phục hồi” chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện, và DN dù tin rằng có khả năng trả nợ nhưng không chắc như thế đã đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi".

Chẻ câu chữ thì "có khả năng phục hồi" phải thể hiện bằng nhiều chỉ số kinh doanh như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường đều phải tích cực. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng, áp lực lạm phát lớn thì việc đo lường các chỉ tiêu này và chứng minh đáp ứng được yêu cầu là một thách thức lớn.

Bên cạnh đó, 12,3% DN phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, 5,6% DN cho biết thời hạn cho vay ngắn và 7,5% DN gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất.

Doanh nghiệp buộc phải vay vốn từ "tín dụng đen"

Sau cùng, khi không thể vay vốn từ các ngân hàng, DN buộc phải xoay xở từ các nguồn khác để có vốn kinh doanh. Năm 2022, có 75,5% doanh nghiệp vay mượn từ người thân, bạn bè.

Và 24,3% doanh nghiệp tìm tới các nguồn khác như huy động từ cổ đông, vay từ doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tín dụng khác (như công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân) là 21%. Khoảng 10,9% doanh nghiệp vay cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức.

DN phải vay "tín dụng đen" để có vốn kinh doanh.

DN phải vay "tín dụng đen" để có vốn kinh doanh.

Đáng lo ngại hơn cả, có tới 12,5% doanh nghiệp đã phải xoay sang vay “tín dụng đen" (tăng mạnh so với con số 4% của năm 2021). Đương nhiên, lãi suất khoản vay “tín dụng đen” là rất cao, khoảng 46,5%/năm, cao gấp khoảng 5,5 lần so với lãi suất vay từ ngân hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm