'Doanh nghiệp quản lý phải tự xét nghiệm cho shipper khi mở cửa'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 22-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPJ.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, trả lời về câu hỏi các doanh nghiệp quản lý shipper gặp khó trong việc tự tổ chức xét nghiệm, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết hôm qua (ngày 21-9), Sở Công thương và Sở Y tế đã có hướng dẫn xét nghiệm cho 34 doanh nghiệp giao hàng công nghệ.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương trả lời tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Cùng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông cùng FPT đã hướng dẫn cho các doanh nghiệp này cập nhật dữ liệu lên phần mềm ứng dụng “Y tế TP.HCM”. Trong hôm nay, các doanh nghiệp làm quen với việc sử dụng tài khoản, cập nhật thông tin trên phần mềm.

Ông Phương cũng cho biết, chiều nay, Sở Công thương đã nhận 63.000 kit test từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Sáng 23-9, Sở sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp và đến ngày 26-9 các doanh nghiệp này sẽ tự tổ chức xét nghiệm. “Kit test này do TP cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công thương theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/lần” - ông Phương nói.

Theo ông Phương, vừa qua, số lượng shipper đăng ký hoạt động tăng dẫn tới một số địa điểm xét nghiệm bị quá tải do cách thức phân bổ lượng xét nghiệm theo địa bàn. Một số địa bàn lượng shipper đông nên dẫn đến tập trung đông nhưng vẫn đảm bảo xếp hàng trật tự, không có tình trạng chen chúc.

Trước tình hình đó, các sở ngành cũng đã tham mưu với lãnh đạo TP. Doanh nghiệp shipper cũng đề xuất và họ đã liên hệ một số bệnh viện để xét nghiệm riêng cho doanh nghiệp. Do vậy, Sở Công thương đề xuất cho doanh nghiệp tự dùng kit để xét nghiệm trên cơ sở TP hỗ trợ công cụ.

Đối với một số khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh, ông Phương cho biết trong ngày 23-9, khi thực hiện thực tế, sở có thể có đánh giá chính thức. Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng việc để doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm là xu hướng bắt buộc phải thực hiện khi tới đây từng bước mở cửa nền kinh tế.

“Việc này vừa nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo an toàn. Còn việc tổ chức xét nghiệm thông qua đơn vị y tế rất khó khăn và không đảm bảo an toàn theo yêu cầu” - ông Phương nói và đánh giá cách làm mới này phát huy được tính chủ động của doanh nghiệp, phù hợp điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Còn nếu trong quá trình triển khai phát sinh khó khăn thì các doanh nghiệp cần báo cáo để Sở Công thương hỗ trợ. “Còn không thể vì 1-2 ý kiến mà thay đổi chủ trương” - ông Phương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm