Doanh nghiệp kêu vì gánh nặng chi phí xét nghiệm COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chi phí xét nghiệm COVID-19 đang là gánh nặng tài chính đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là đối với những đơn vị đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình “ba tại chỗ”. Thậm chí, nhiều công ty tính toán chi phí xét nghiệm chiếm đến khoảng 80% tổng chi phí chống dịch.

Tốn tiền tỉ cho xét nghiệm COVID-19

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, cho biết hiện nay công ty đã chuyển từ mô hình sản xuất “ba tại chỗ” sang “hai tại chỗ, một cung đường - hai điểm đến”. Theo đó, trước đây người lao động của công ty xét nghiệm COVID-19 theo hình thức test nhanh, chi phí hết 238.000 đồng/mẫu và cứ ba ngày test một lần. Nhưng hiện nay cơ quan y tế đến công ty xét nghiệm PCR mỗi tuần một lần, với gần 800.000 đồng/mẫu khiến chi phí đội lên.

“Hiện công ty có hơn 400 công nhân đang làm việc. Tính trung bình mỗi tháng công ty tôi tốn đến mấy trăm triệu đồng chi phí xét nghiệm COVID-19. Chi phí tăng, trong khi đó công suất nhà máy lại giảm chỉ còn khoảng 20% nên làm kiểu gì cũng lỗ. Dù lỗ nhưng vẫn phải duy trì sản xuất để giữ bạn hàng, đối tác làm ăn” - ông Đạo chia sẻ.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) Trần Quốc Mạnh cũng cho biết: Khi tổ chức sản xuất “ba tại chỗ” tốn rất nhiều chi phí cho chỗ ăn, chỗ ở, đi lại… cho công nhân. Vì vậy, hiện công ty chỉ còn duy trì hai xưởng hoạt động với khoảng 200 công nhân, còn một xưởng phải đóng cửa vì đường vào bị phong tỏa.

Đặc biệt, chi phí xét nghiệm rất tốn kém. Nếu test nhanh COVID-19 thì ba ngày một lần, còn PCR một tuần một lần. Tính chung, chi phí xét nghiệm cho mỗi công nhân hết trung bình 1 triệu đồng/tháng.

“Nếu không mở cửa trở lại cho nền kinh tế, miễn giảm các loại thuế, phí thì chúng tôi không thể duy trì hoạt động sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” nữa. Trong đó, chi phí xét nghiệm rất tốn kém giữa bối cảnh các DN đang gặp rất nhiều khó khăn” - ông Mạnh nói.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân một công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM. Ảnh: MINH TÂM

Khảo sát của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) mới đây cho thấy chỉ còn khoảng 200 công ty thành viên đang thực hiện “ba tại chỗ” với tổng số lao động 70.000 công nhân, chi phí xét nghiệm hết khoảng 1 triệu đồng/công nhân/tháng. Trung bình mỗi công ty có khoảng 350 công nhân thì chi phí cho việc xét nghiệm phải trả tương đương 350 triệu đồng/tháng. Đây là chi phí trung bình, trong khi có nhiều đơn vị vẫn duy trì cả ngàn lao động ở nhiều nhà máy thì phí xét nghiệm tốn cả tỉ đồng mỗi tháng.

Đại diện một số công ty khác cũng cho hay cứ bình quân 2-3 ngày phải xét nghiệm cho công nhân một lần. Mỗi tháng phải chi thêm 3,5-4 triệu đồng cho phí xét nghiệm cho một công nhân. “Chúng tôi đã kiệt sức vì dịch bệnh, vì giãn cách kéo dài lại càng kiệt quệ hơn khi buộc phải xét nghiệm quá nhiều lần. Tiền xét nghiệm đang thực sự là một gánh nặng. Đó là chưa kể những thiệt hại do công nhân phải nghỉ việc để đi xét nghiệm” - đại diện một công ty nêu thực tế.

Doanh nghiệp muốn tự xét nghiệm

Nhiều công ty cho rằng nếu được chủ động tự xét nghiệm sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí. Nói cách khác, cơ quan chức năng cần hướng dẫn cho DN, công nhân tự xét nghiệm và công nhận kết quả để tiết kiệm cho cả nhà kinh doanh lẫn Nhà nước.

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty SADACO, cho rằng DN tự tổ chức xét nghiệm cho công nhân viên dưới sự hướng dẫn lấy mẫu của nhân viên y tế phường, xã là hợp lý. Theo đó, mỗi tháng hai lần, mẫu xét nghiệm được gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của DN được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. Còn trường hợp cần thiết thì Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ tổ chức xét nghiệm thêm một lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm ba lần/tháng.

“Điều quan trọng lúc này là cơ quan y tế cần hướng dẫn quy trình khi phát hiện F0 và chỉ khoanh vùng, cách ly khu vực có nguy cơ… để kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp. Từ đó nhằm giảm tổn thất cho DN và sinh kế cho công nhân, đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy. Chi phí xét nghiệm cũng nên được Nhà nước hỗ trợ cho DN trong giai đoạn khó khăn này” - ông Mạnh đề xuất.

Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây cũng kiến nghị Chính phủ cho DN tự chủ động mua dụng cụ xét nghiệm COVID-19 cho người lao động nhằm giúp họ và cả xã hội có thể tiết kiệm khoản chi phí cực lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ hiện nay. Mặt khác, việc cho DN tự xét nghiệm cũng giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng trong các đám đông đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm.

Mới đây, 14 hiệp hội đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam gửi thư kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ phản ánh chi phí xét nghiệm COVID-19 hiện rất lớn do giá bộ kit cao, mật độ xét nghiệm dày, gây tốn kém cho DN.

Vì vậy, các hiệp hội đề xuất Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán bộ kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh, kiểm soát giá bộ kit xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật Giá. Đồng thời, tổ chức y tế, bệnh viện, y tế lưu động của địa phương hoặc của DN sẽ xét nghiệm đối với điểm sản xuất.

Kiến nghị bảo hiểm y tế chi trả phí xét nghiệm

14 hiệp hội đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ khấu trừ chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí DN hoặc kinh phí công đoàn, phí BHXH. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng sẽ do ngân sách chi trả. Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.

Các hiệp hội DN cũng kiến nghị Chính phủ cho phép công dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội, trừ hoạt động tập trung đông người khi có xét nghiệm âm tính; xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm hai mũi vaccine hoặc khỏi bệnh, năm ngày đối với người đã tiêm mũi 1 và ba ngày đối với người chưa tiêm vaccine.

Đối với hoạt động tổ chức sản xuất, các hiệp hội đề xuất Chính phủ trao quyền chủ động về mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống dịch cho các tổ chức hoặc DN. Không cực đoan đóng cửa các DN nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng hay bộ phận riêng biệt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm