Phó Thủ tướng: Không thể cứ có FO là đóng cửa nhà máy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp  (DN) sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp”.

Ý kiến của các  DN cùng giải đáp của các bộ, ngành tuy chưa hẳn đã làm hài lòng tất cả nhưng cũng có những nút thắt có được hướng ra.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ảnh: CL

Chống dịch cứng nhắc ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết bộ đã phối hợp với Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, công ty đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại nước ta. Kết quả có gần 50% DN bị tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng đánh giá rằng việc hướng dẫn về phòng chống dịch chưa hợp lý hoặc áp dụng cứng nhắc tại một số địa phương đã khiến chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn nghiêm trọng; vướng mắc khi vừa triển khai chống dịch vừa sản xuất dẫn đến tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động.

Các công ty FDI lẫn trong nước cũng thẳng thắn cho hay sản xuất bị đình trệ, đơn hàng bị mất; thực hiện phương án “ba tại chỗ” gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất, ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe người lao động; việc áp dụng các quy định khác nhau giữa các địa phương khiến việc đi lại của công nhân khó khăn, không bảo đảm đủ nhân lực cho phục hồi sản xuất.

Trước thực tế trên, nhiều công ty khẩn thiết đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương đưa ra lộ trình mở cửa rõ ràng, cụ thể để họ có thể tính toán được kế hoạch sản xuất, kinh doanh chứ không nên giãn cách mãi. Đặc biệt, Nhà nước cần cho phép họ được tăng quy mô sản xuất, tăng cường tiêm vaccine cho người lao động.

Cụ thể, lãnh đạo một tập đoàn nước ngoài có sáu công ty tại Việt Nam với hơn 6.000 lao động chuyên sản xuất giày, khuôn giày thông tin: Từ ngày 17-7 đến nay, tập đoàn phải ngừng hoạt động nhưng vẫn trả lương tối thiểu cho công nhân. Nếu giãn cách kéo dài thì tập đoàn chịu thiệt hại rất lớn vì không có doanh thu.

Vì vậy, tập đoàn kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa thủ tục cho công ty khôi phục sản xuất trở lại. Chẳng hạn, công ty chỉ cần thông báo ngày, giờ cụ thể mở cửa sản xuất và danh sách người lao động đi làm cho chính quyền sở tại. Đồng thời cho phép công nhân được đi lại bằng xe cá nhân và công ty chịu trách nhiệm quản lý việc đi lại…

“Tuyệt đối an toàn” là gì?

Đại diện một tập đoàn nước ngoài thuộc lĩnh vực da giày cho hay họ đang thực hiện phương án “ba tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến”. Tuy vậy, tập đoàn này cho rằng việc bảo đảm tuyệt đối an toàn, không có ca nhiễm là rất khó. Trong khi nhiều địa phương lại đề cao việc tuyệt đối an toàn.

 “Vậy cần làm rõ nội hàm của “tuyệt đối an toàn” là gì? Chúng tôi cũng đề nghị khi phát hiện một F0 thì không đóng cửa toàn bộ nhà máy, chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy. Nhân viên đã tiêm đủ liều vaccine và có xét nghiệm âm tính thì được đi làm hằng ngày” - vị đại diện tập đoàn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một tập đoàn điện tử có hơn 6.300 lao động tại Khu công nghệ cao của TP.HCM kiến nghị: Nếu cho phép hoạt động trở lại, trong trường hợp phát hiện ra F0 thì chỉ nên cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, không nên đóng toàn bộ DN.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giải đáp luôn: “Tuyệt đối an toàn” nghĩa là tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong DN; tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát, tới một thời điểm nhất định, khi bệnh lây lan âm thầm trong lực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân. Nếu tổ chức sản xuất trở lại thì phải tầm soát được dịch, như xét nghiệm hằng tuần. Việc xét nghiệm này thì các bộ, ngành, trên cơ sở ý kiến của DN, cần đưa ra hướng dẫn cụ thể.

“Nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà đến lúc trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó thôi; nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động”.

Địa phương là đầu mối tháo gỡ khó khăn

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh khôi phục kinh tế nói chung, hỗ trợ DN tái sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Ông khẳng định hằng tháng sẽ họp về vấn đề này với các bộ, ngành, địa phương và DN cho đến khi “phục hồi xong sản xuất, kinh doanh”.

“Chính phủ, địa phương và DN đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhưng điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện. Nếu không phối hợp tốt thì khó có thể thành công” - ông Thành nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc cùng với DN chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất. Trong đó bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0, tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng.

“Các địa phương cần sớm tổ chức các hội nghị, cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với DN để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay, hướng dẫn DN có phương án tái sản xuất” - Phó Thủ tướng đề nghị.

Đối với các bộ, ngành trung ương, Phó Thủ tướng nói phải điều tiết tổng thể, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cũng như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách. “DN là chủ thể, trung tâm đầu mối giải quyết là các địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sẽ sát cánh cùng các địa phương, DN” - Phó Thủ tướng nói.•

Thống nhất cách làm giữa các địa phương

Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương đã giải đáp nhiều thắc mắc cho DN. Đặc biệt, TP Đà Nẵng dự kiến hỗ trợ các khoản vay tín dụng, giãn hoãn thuế cho DN; hỗ trợ vốn vay cho DN với quỹ đầu tư của TP; đồng ý giãn tiến độ với các dự án đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch; hỗ trợ xét nghiệm cho công nhân trong khu công nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thông tin đã thành lập tổ công tác của TP để tháo gỡ khó khăn cho DN; ban hành kế hoạch hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch. TP.HCM cũng đã làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... để thống nhất các giải pháp liên kết vùng; kết hợp với các cơ quan về vấn đề lưu thông, chuyển vật tư vật liệu, lao động, chuyên gia...

Phó Thủ tướng: Không thể cứ có FO là đóng cửa nhà máy ảnh 2
Doanh nghiệp kiến nghị cho nhân viên đã tiêm đủ liều vaccine
được đi làm trở lại. Ảnh: PĐ

Một loạt kiến nghị tiếp sức nhà đầu tư

Tại hội nghị, Bộ KH&ĐT đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng chống dịch COVID-19 thống nhất trên phạm vi cả nước; các tỉnh, TP không tùy tiện áp dụng các biện pháp chống dịch, gây khó khăn cho DN khi lưu thông hàng hóa và người lao động khi trở lại làm việc.

Quy định, hướng dẫn cụ thể về quy trình, thời hạn các cơ quan y tế địa phương phối hợp với DN trong việc đánh giá, phân luồng, tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc. Từ đó hạn chế việc DN phải ngừng hoạt động quá lâu để xử lý y tế và cách ly y tế, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất trong DN.

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất xem xét ban hành các phương án, hình thức tổ chức sản xuất khả thi để DN được lựa chọn phù hợp với từng điều kiện cụ thể; cho phép DN chủ động triển khai các phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng DN; xem xét lại mô hình “ba tại chỗ” do chi phí vận hành quá cao.

“Đặc biệt, cần rút ngắn thời gian quy trình nhập cảnh cho chuyên gia, người lao động nước ngoài, nhất là những người đã tiêm đủ liều vaccine; ưu tiên cho các đối tượng tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới...” - Bộ KH&ĐT kiến nghị.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.