Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2025 để tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp (DN).
Siêu thị giảm giá khủng để hút khách
Ghi nhận tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Siêu thị GO! Aeon… cho thấy nhiều mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, nước ngọt, quà tặng, thực phẩm chế biến, bánh chưng, bánh tét… ê hề. Hầu hết khu vực ngành hàng thiết yếu đều có các chương trình khuyến mãi khủng như mua một tặng một, tặng quà… thu hút người dân mua sắm.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết từ đầu tháng 1 đến nay, tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood… đạt tốc độ tăng trưởng hai con số. Kết quả này nhờ một phần đơn vị tung ra các chương trình khuyến mãi cùng các giải pháp kích cầu khác.
Theo ông Đức, xuyên suốt trong dịp Tết, đơn vị luôn định hướng người tiêu dùng khi đến mua sắm sẽ được tiếp cận dịch vụ đầy đủ nhất và hàng hóa không tăng giá, đảm bảo ổn định trước, trong và sau Tết.
“Còn chưa tới 10 ngày nữa là Tết, có thể thấy thực phẩm được khuyến mãi sâu, thậm chí có mặt hàng giảm 50% so với bình thường” - ông Đức dẫn chứng.
Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cũng cho rằng năm 2025 Việt Nam (VN) đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số, do đó bán lẻ nói chung phải tăng khoảng 20%. Vì vậy, để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân, bên cạnh giảm giá thì các nhà bán lẻ tung ra nhiều hình thức khuyến mãi khác. “Chẳng hạn chúng tôi đang ứng dụng công nghệ để cá nhân hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng, từ đó gia tăng tiêu dùng” - ông Đức kể.
Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua khu vực phía Bắc hệ thống siêu thị Aeon VN, thông tin: Giai đoạn một tháng trước Tết, nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng 10%-15% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là ở tất cả nhóm sản phẩm thiết yếu mùa Tết.
Trong đó, nhóm sản phẩm thực phẩm khô ghi nhận mức tăng trưởng 20%, giỏ quà Tết tăng khoảng 15%. Các mặt hàng bán chạy trong dịp này gồm lạp xưởng tại khu vực phía Nam, các giỏ quà Tết gói sẵn và giỏ quà cá nhân hóa.
“Bên cạnh đảm bảo nguồn hàng và giá cả ổn định, chúng tôi lên phương án về kho bãi, xe cộ, nguồn nhân lực, khuyến mãi, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm 10 ngày trước Tết khi nhu cầu mua sắm tăng cao” - bà Quỳnh nói.
Cận Tết, thịt heo, trứng gia cầm giảm giá sâu
Sở Công Thương TP.HCM cho biết qua theo dõi thị trường, đánh giá của các chuyên gia cho thấy năm nay sức mua của thị trường khá khó khăn.
Ý thức được điều này, các DN đã có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nên đối với hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu, doanh số tương đối đạt được kế hoạch. Trong khi đó, TP tổ chức các chương trình kích cầu như khuyến mãi hàng hiệu nhưng sức mua phân khúc cao cấp khiêm tốn so với lĩnh vực hàng hóa thiết yếu.
Những ngày cận Tết 2025, các DN, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, quần áo...
Tương tự, đại diện Lotte Mart đánh giá vài ngày trở lại đây, không khí mua sắm hàng hóa Tết đã trở nên tấp nập tại hệ thống siêu thị. Sức mua tăng lên từng ngày, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng Tết và hàng thiết yếu.
“Sức mua sắm Tết của người dân ước tính tăng khoảng 60% so với tháng trước. Với tình hình hiện tại, sức mua sắm Tết năm nay đã vượt mức kỳ vọng 20% đưa ra của chúng tôi” - đại diện Lotte Mart chia sẻ.
Đại diện Lotte Mart nhấn mạnh: Để kích thích mức tiêu dùng trong thời gian tới và trong lâu dài, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, cần thiết cho người tiêu dùng.
Sức mua chợ truyền thống còn thấp
Ngược lại với các siêu thị, không khí sắm Tết tại chợ truyền thống vẫn chưa sôi động. Theo khảo sát của chúng tôi, ở kênh bán lẻ truyền thống, chợ Bến Thành chuyên phục vụ khách du lịch nên hoạt động buôn bán có phần sôi động hơn các chợ khác.
Đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành đánh giá thời gian gần đây tình hình mua bán của tiểu thương có dấu hiệu tích cực, mãi lực chợ tăng 10%-15% so với ngày thường. Những ngành hàng bán tốt trong dịp Tết này vẫn là bánh kẹo, ngành hàng ẩm thực.
“Vừa qua chợ Bến Thành được xếp hạng di tích cấp TP.HCM, cộng với tuyến metro số 1 đi vào hoạt động khiến lượng khách đến tham quan nhiều hơn. Chúng tôi kỳ vọng sức mua mùa Tết 2025 sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường” - đại diện chợ Bến Thành nói.
Tuy vậy, sức mua tại nhiều chợ lẻ khác trên địa bàn TP.HCM nhìn chung vẫn chậm, thậm chí tình hình mua sắm Tết ở một số chợ trầm lắng. Đây cũng là tình hình chung của nhiều DN, đơn vị bán lẻ mùa Tết. Trước thực tế trên, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho rằng kích cầu tiêu dùng là một trong những vấn đề DN ý thức để “tự cứu lấy mình”.
Ông Hiến nói: “Từ khi triển khai kế hoạch bán hàng Tết, công ty luôn triển khai song song chính sách hỗ trợ các nhà phân phối, khuyến mãi dựa trên sản lượng bán ra. Những ngày cận Tết, công ty có chính sách kích cầu, đặc biệt là chương trình 10 ngày vàng. Chúng tôi chỉ tính toán kích cầu tiêu dùng trong một giai đoạn nhất định nhưng nếu liên tục triển khai thì sẽ không có nhiều đơn vị làm được bởi đòi hỏi vốn, nguồn lực lớn”.
Cũng theo ông Hiến, chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp Tết là phù hợp. Tuy nhiên, từ chủ trương đến triển khai thực hiện được suôn sẻ cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể.
Khoan sức dân, kích cầu tiêu dùng cần gắn với dịch vụ
Từ quan sát của mình, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận xét tình hình mua sắm Tết năm nay nhìn chung khá trầm lắng. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó cơ bản là người dân cảm thấy triển vọng thu nhập, sự khởi sắc kinh tế gắn với thu nhập, gia tăng việc làm trong năm 2025… vẫn chưa chắc chắn.
Mặt khác, những năm gần đây, người dân có xu hướng chơi Tết hơn là ăn Tết nên kích cầu tiêu dùng cần gắn với dịch vụ, có chiến lược kết hợp với dịch vụ du lịch. Chẳng hạn sau Tết, người dân có thể đi du xuân nhiều, vì vậy Nhà nước và các nhà kinh doanh cần có chính sách giảm giá vé tàu, xe, máy bay, du lịch… nhằm khuyến khích người dân đi du lịch.
Để có chương trình kích cầu tiêu dùng dài hơi, về chính sách vĩ mô, TS Việt cho biết đã từng nhiều lần đề xuất Nhà nước nên duy trì chính sách khoan sức dân và DN; ổn định mặt bằng giá cả, ổn định môi trường kinh doanh để tạo sự tự tin, tạo ra cơ hội việc làm, tăng trưởng dựa trên nền tảng ổn định. Đây là điểm cốt lõi kích cầu tiêu dùng bền vững và lâu dài.
“Nếu Nhà nước tạo mặt bằng giá cả ổn định, người dân mới dốc hầu bao tiêu dùng. Đồng thời đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định thì DN mới tự tin đầu tư, hoạt động. Từ đó tạo ra việc làm, thu nhập và đây mới là cốt lõi để tăng kích cầu tiêu dùng” - TS Việt nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhìn nhận cốt lõi của chính sách kích cầu tiêu dùng là tạo điều kiện thuận lợi cho DN kinh doanh, người lao động có việc làm, tăng thu nhập thì họ mới mạnh tay chi tiêu.
Bên cạnh đó, kinh tế VN tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu và phần lớn giá trị thuộc về DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi đó, DN VN chủ yếu sản xuất và bán tại thị trường nội địa nhưng thị trường trong nước lại chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa ngoại nhập giá rẻ. Do đó, Nhà nước cần có chương trình kích cầu tiêu dùng nhưng hướng người dân tiêu dùng hàng hóa VN thì công ty Việt mới có cơ hội phục hồi, phát triển.
Theo TS Điền, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra chính sách kích cầu như tạo điều kiện cho người dân mua sắm. Đây là giải pháp trong ngắn hạn, phù hợp vào giai đoạn lễ, Tết, cuối năm, thời điểm người dân có nhu cầu mua sắm. Tuy vậy, quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng làm sao giúp cho DN mở rộng sản xuất thì mới hiệu quả và lâu dài.
“Về lâu dài, Nhà nước cần tạo cơ hội cho DN mạnh dạn làm ăn như hỗ trợ chi phí lãi vay, thuế, phí… Đây là kích cầu đầu tư, qua đó để DN mở rộng sản xuất, kinh doanh” - TS Điền gợi ý.
Ông PHẠM VĂN VIỆT, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jean:
Giảm lãi vay, thuế, phí… để kích cầu tiêu dùng
Thời gian qua, DN, hiệp hội phối hợp cùng Sở Công Thương TP.HCM thực hiện các chính sách giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, người dân mạnh tay mua sắm hơn nên đơn vị đã thực hiện nhiều chính sách khuyến mãi nhưng vẫn chưa kích cầu tốt.
Nguyên nhân có thể một số công ty chưa trả đúng lương, thưởng vào dịp này đã ảnh hưởng đến sức mua chung của thị trường. Với sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đề nghị các bộ như Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế, phí… hay Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi vay là rất tốt.
Tuy nhiên, kích cầu tiêu dùng phụ thuộc vào túi tiền của người dân. Do đó, về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bền vững để DN phục hồi. Khi DN phục hồi, người lao động có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập thì họ sẽ sẵn sàng chi tiêu.
Ông DIỆP NAM HẢI,Tổng Giám đốc Cholimex Food:
Nông dân làm ăn có lãi, họ sẽ mạnh dạn mua sắm Tết
Ngay từ tháng 12-2024, hàng hóa Tết của Cholimex đã được vận chuyển đến kênh phân phối ở các tỉnh, TP khắp cả nước. Do đó, các kho hàng của công ty hiện đang trống, thậm chí thiếu nhưng chúng tôi vẫn chưa vội mừng vì đây chỉ là khâu “sale in” - hàng hóa đang nằm ở các kho của nhà phân phối, siêu thị. Sau Tết, chúng tôi mới tổng kết, đó mới là doanh số thực.
Bên cạnh đó, để kích cầu tiêu dùng hiệu quả, cơ bản là người dân phải có được thu nhập ổn định. Tôi cho rằng sức mua của thị trường đang dần ấm lên do nửa cuối năm nay chúng ta nhận thấy tín hiệu khả quan của nền kinh tế, nhất là xuất khẩu, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Khi nông dân làm ăn có lãi, họ sẽ mạnh dạn mua sắm Tết.
Bản thân DN chuẩn bị ngân sách để chủ động triển khai các chương trình giảm giá, đồng thời kết hợp với các siêu thị chạy các chương trình khuyến mãi. Cộng hưởng với chỉ đạo từ Chính phủ đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp Tết như nghiên cứu giảm thuế, phí, lãi vay, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng… là điều tích cực. Chúng tôi kỳ vọng sức mua Tết năm nay sẽ tăng 5%-10% so với Tết năm ngoái.