Tìm cách đưa người lao động trở lại TP.HCM làm việc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bằng nhiều cách, các nhà sản xuất, kinh doanh đang cố gắng giữ chân người lao động (NLĐ), đối tác, chờ cơ hội phục hồi sản xuất. Phía NLĐ cũng mong sớm được trở lại nhà máy làm việc để có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đơn hàng nhiều, lo thiếu lao động

Nhiều công ty nêu thực tế hiện nay họ không có đủ lực lượng công nhân để sản xuất. Bà Nguyễn Cẩm Vân, Tổng giám đốc Công ty Hữu hạn Cơ khí Động lực Toàn cầu, cho hay công ty đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu hụt lao động gay gắt. Trong khi đó lại không thể bổ sung lao động để thay thế lực lượng “ba tại chỗ” và cũng không thể tuyển thêm để phục vụ mở rộng sản xuất hậu COVID-19 vì nhiều lý do.

Thứ nhất, do một bộ phận lao động đã di chuyển về quê. Thứ hai, do yêu cầu phòng chống dịch nên NLĐ muốn di chuyển từ các địa phương khác đến làm việc phải tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng độ phủ chưa rộng khắp cả nước nên không thể một sớm một chiều có đủ nguồn nhân lực để nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp lo lắng khó tuyển công nhân để phục hồi sản xuất.
Ảnh: PHONG ĐIỀN

“Hiện chúng tôi đang duy trì phương châm “ba tại chỗ” với khoảng 65% lực lượng lao động so với lúc bình thường. Vì vậy, dù đơn hàng xuất khẩu rất lớn nhưng chúng tôi không thể đáp ứng do lực lượng lao động không đầy đủ trong khi chi phí đội lên rất cao. 

Trong bối cảnh trên, để giữ chân NLĐ, công ty có chính sách hỗ trợ sinh hoạt chi phí cho bộ phận lao động không đi làm. Cùng với đó, công ty có kế hoạch tuyển mới lao động để mở rộng sản xuất nhưng chưa biết tìm kiếm nguồn từ đâu nên thời gian tới sẽ khá chật vật để triển khai các dự án mới. Tuy vậy, khảo sát nhu cầu đi làm trở lại từ đội ngũ công nhân công ty cho thấy hầu hết đều mong muốn quay lại công ty làm việc” - bà Vân cho hay.

Là công ty nằm trong vùng xanh thuộc huyện Củ Chi (TP.HCM), Công ty cổ phần Mekong Herbals, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, cũng đang thiếu lao động gay gắt do không thể bổ sung lực lượng lao động “ba tại chỗ”. Công ty lên kế hoạch phục hồi hậu COVID-19 nhưng khá chật vật kết nối nguồn lao động để tham gia vào chuỗi sản xuất.

Ông Trần Văn An, Giám đốc Công ty cổ phần Mekong Herbals, nhận định phải sang năm 2022 mới có thể phục hồi được nguồn lao động và trở lại trạng thái hoạt động bình thường như năm 2019. Còn trong bối cảnh hiện nay, công ty cố gắng duy trì một bộ phận lao động ít ỏi hoạt động theo mô hình “ba tại chỗ” để duy trì đơn hàng, tránh mất thêm khách hàng. Tuy nhiên, do lực lượng lao động quá mỏng nên năng suất không cao và hoạt động chắp vá, không vận hành đầy đủ các chuyền sản xuất.

Về kế hoạch bổ sung nguồn lao động, lãnh đạo Công ty Mekong Herbals cho hay rất nóng lòng để tuyển thêm lao động chuẩn bị phục hồi sản xuất nhưng không thể một sớm một chiều để có đủ nguồn công nhân như định liệu. Bởi lao động về quê thời gian qua khá lớn, còn lao động tại chỗ hiện không có. Như vậy, để thu hút lao động bài bản trở lại phải qua năm sau. 

Nhiều công ty khác cũng cho hay nhiều NLĐ có ý định lập nghiệp ngay tại quê hương nên các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM vốn thiếu hụt lao động nay lại càng thiếu trầm trọng hơn.

Tăng cường tự động hóa

Các chuyên gia về lao động nhận định quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp (DN) sẽ không thể diễn ra nhanh chóng do thiếu hụt nguồn lao động và tài chính bị cạn kiệt. TS Lê Thị Thúy Loan, chuyên gia lĩnh vực tài chính và lao động, cho rằng khó đưa ra giải pháp toàn diện để hài hòa lợi ích của DN và NLĐ để nhanh chóng nắm bắt cơ hội phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do vậy, về phía DN, nên xem xét có đủ năng lực tài chính để tiếp tục giữ công nhân và đối tác hay ngưng hoạt động để cắt lỗ.

“Nguồn lực tài chính cũng như mạch máu để duy trì cơ thể, nếu cạn kiệt nguồn lực tài chính thì cơ hội phục hồi của DN sẽ rất thấp. Hơn nữa, trong giai đoạn này, các chi phí sản xuất, giao hàng, logistics đều tăng nhưng giá sản phẩm không thể tăng theo nên lỗ là điều không thể tránh khỏi” - TS Loan phân tích.

Từ đó, TS Loan cho rằng Nhà nước cần có chính sách đồng hành cùng DN và NLĐ để họ yên tâm quay lại làm việc và bổ sung nguồn lao động mới. Chẳng hạn, Nhà nước có chính sách cho những công nhân trở lại các tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương sẽ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong thời gian sau tiêm vaccine, họ sẽ được bố trí chỗ ở miễn phí 14 ngày, sau đó xét nghiệm an toàn mới vào công ty làm việc.

Còn phía DN, cách thu hút tốt nhất là đãi ngộ bằng lương và phụ cấp, trong đó cần nói rõ khoản nào là phụ cấp, khoản nào là lương. Cùng với đó, cần nói từ đầu các ưu đãi trong giai đoạn dịch COVID-19, hậu đại dịch có giảm hay không thì mới tạo được niềm tin để NLĐ trở lại làm việc.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty U&I Group, cũng nhìn nhận rằng sau dịch, các nhà máy tuyển dụng được lao động cực kỳ khó. Điều này sẽ dẫn đến việc nếu các nhà máy vẫn vận hành theo cách làm cũ và không thay đổi nhiều về công nghệ thì chắc chắn sẽ thiếu lao động. Nói cách khác, họ phải đẩy chi phí lao động lên cao mới có đủ người để làm như trước đây. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi của DN.

“Thời gian tới DN sẽ thiếu lao động, như vậy những công đoạn nào có thể thay thế cần phải được thay bằng robot. Đây là lúc DN đầu tư ngay cho tự động hóa dây chuyền sản xuất nếu muốn giữ được nhịp sản xuất như trước đây” - ông Tín nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tín, nền kinh tế cần được mở cửa trở lại một cách thận trọng, bài bản theo lộ trình. Bởi tại nhiều thị trường quốc tế, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và kỳ vọng điều tương tự cũng diễn ra ở Việt Nam.

Không mở ồ ạt nhưng cũng không để lỡ nhịp

Ngày 17-9, làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hiện tỉnh có nhiều công nhân trở về từ TP.HCM để tránh dịch kể từ khi đợt dịch thứ tư xảy ra. Vì vậy, ông đề nghị Tiền Giang mở kênh phối hợp với TP.HCM để đưa NLĐ của tỉnh trở lại TP làm việc một cách an toàn khi TP mở lại sản xuất, kinh doanh.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng dứt khoát không được chủ quan, nóng vội, mở ra ồ ạt mà để tái lây nhiễm rồi lan ra diện rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, nếu đã an toàn rồi mà cứ do dự không mở dần ra, khiến đời sống của nhân dân, sản xuất bị lỡ nhịp thì đó là lãng phí nguồn lực, công sức chống dịch của Nhà nước và nhân dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm