Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2022, cả nước có 133.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ (từ 0 đến 10 tỉ đồng) với 80.100 doanh nghiệp, chiếm 89,6% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng Cục thống kê, sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ một phần để tránh và giảm thiểu mức rủi ro thiệt hại do những hệ lụy từ dịch Covid-19 và từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine; mặt khác, việc huy động vốn vào thời điểm này là rất khó khăn.
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng qui mô vốn nhỏ. |
Hiện nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, những tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam.
Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Đặc biệt, giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời. Trong khi đó, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi, kết nối các nguồn cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, thị trường trở lại.
Mặc dù số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái song số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng chiếm tỉ lệ khá cao.
Cụ thể số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm nay là 94.600 doanh nghiệp, tăng 18,7%. Bình quân một tháng có 13.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.