Sáng 3-4, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên) với sự tham dự của gần 120 doanh nghiệp hai bên.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài nhận định, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng quan hệ kinh tế giữa hai bên không ngừng đi vào chiều sâu.
Trong đó có sự góp phần từ việc kết nối của tuyến đường sắt liên vận Trung Quốc (Tứ Xuyên) – Việt Nam, tuyến vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên)... Mặt khác, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Tứ Xuyên cũng đã tiến hành đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tài cho rằng, kết quả hợp tác của hai bên vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng mang lại. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Tứ Xuyên mới chỉ đạt 10 tỷ USD (giảm 20% so với năm 2021), còn khiêm tốn so với tổng kim ngạch thương mại Việt nam – Trung Quốc.
|
Ông Lê Hoàng Tài dành lời khuyên cho DN Việt trong việc xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sang Trung Quốc. ẢNH: MINH TRÚC |
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Tài nhận định, Tứ Xuyên nằm sâu trong lục địa Trung Quốc, không có biển nên là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các doanh nghiệp thủy, hải sản của Việt Nam.
Ngoài ra, Tứ Xuyên còn là điểm đầu mối logistics đi châu Âu, trong khi và Việt Nam đã có tuyến đường sắt từ Hà Nội - Tứ Xuyên. Đây hạ tầng thuận lợi để doanh nghiệp Việt xuất khẩu nông, thủy, hải sản không chỉ cho thị trường Tứ Xuyên mà vươn xa qua bên kia biên giới Trung Quốc, nhất là những nơi mà hệ thống logistics đường biển khó với tới hoặc đắt đỏ...
Dành lời khuyên doanh nghiệp Việt, ông Tài lưu ý Trung Quốc so với các nước châu Âu, Nhật Bản hay Hoa Kỳ vẫn được coi là một thị trường "dễ thở" hơn với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên không nên nhìn nhận đây là thị trường "dễ tính" như trước. Các quy định về truy xuất nguồn gốc và các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chặt chẽ và cao hơn nhiều so với trước.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt, nhất là trong lĩnh vực chế biến, nuôi trồng cần lưu ý các tiêu chí tối thiểu của thị trường Trung Quốc.
Tại sự kiện, trao đổi với PLO về vấn đề xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Yến sào Khánh Hòa nhận định, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng đối với sản phẩm yến sào Khánh Hòa. Trước đây, chính sách là vấn đề lớn nhất kìm chân doanh nghiệp khi Trung Quốc chưa cấp phép cho ngành yến sào Việt xuất khẩu sang đây.
Tuy nhiên, với việc ra đời Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022, doanh nghiệp Yến sào Khánh Hòa đã bắt đầu thúc đẩy làm thủ tục đăng ký mã sản phẩm để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, bà Lu Xiao Qin - Phó Giám đốc Công ty Cảng biển và Vận tải Tứ Xuyên (SPSI), đánh giá cao cơ hội làm ăn với thị trường Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á. Vì vậy, SPSI đang tích cực thiết lập môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho quá trình này.
|
Nhiều DN Trung Quốc đánh giá cao thị trường Việt Nam. ẢNH: MINH TRÚC |
Nói về khả năng đáp ứng của các ngành hàng Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, bà Xiao Qin cho biết, tỉnh Tứ Xuyên có nhu cầu về nhiều sản phẩm và mặt hàng.
Vì lẽ đó, miễn là các quốc gia có sản phẩm thì Tứ Xuyên đều sẵn sàng tiến hành xúc tiến thương mại. Hiện nay, ở Trịnh Châu, Tứ Xuyên và Vân Nam đều đã xây dựng cảng và trạm vận chuyển, việc này có thể thúc đẩy giao thương mại giữa hai bên.
|
Lễ ký 3 Bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Tứ Xuyên (Trung Quốc) sáng 3-4. ẢNH: MINH TRÚC |
Tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký 3 bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Tứ Xuyên (Trung Quốc). Thông qua việc ký kết các bản ghi nhớ, doanh nghiệp hai bên sẽ có thêm cơ sở để tăng cường hợp tác, qua đó, cùng thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục phát triển trong thời gian tới.