Quá trình VN chuyển từ mục tiêu “zero COVID” sang sống chung an toàn với virus này chứng kiến sự tổn thương chưa từng có đối với những người làm chủ DN. Chỉ tính riêng TP.HCM, thống kê quý III năm nay cho thấy dịch bệnh đã khiến số DN rời bỏ thị trường lên đến mức kỷ lục; khả năng chống chịu của các DN ngày càng cạn…
Trong khi đó vai trò của DN theo đúng nghĩa “trách nhiệm xã hội” trong thời gian qua là rất lớn. Từ việc xây dựng các bệnh viện dã chiến; tăng cường thiết bị y tế, ôxy; hỗ trợ cho lực lượng y tế; góp quỹ và mua hàng triệu liều vaccine để ủng hộ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, đến việc chung tay hỗ trợ rất nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (túi y tế, túi an sinh cho người dân bị kẹt lại vùng dịch; hỗ trợ người dân hồi hương…) đều có sự đóng góp nguồn lực rất lớn từ phía cộng đồng DN VN lẫn nước ngoài.
Khi VN quyết tâm vừa sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2 vừa phục hồi kinh tế thì DN tiếp tục là lực lượng nòng cốt. Họ phải tiên phong trong việc tái thiết lại quy mô, tổ chức, cách vận hành hệ thống để đảm bảo vừa sản xuất, kinh doanh vừa phòng chống dịch hiệu quả.
Họ phải xoay xở để thu hút, tạo điều kiện để hàng chục triệu người lao động sớm quay lại làm việc thuận lợi, an toàn. Họ vẫn tiếp tục chung tay với Nhà nước để đảm bảo sinh kế và phúc lợi cho các nhóm yếu thế trong trạng thái bình thường mới… Trong bối cảnh phần lớn DN phải đóng cửa, ngừng hoạt động tạm thời hoặc trong nhiều tháng liền thì nguồn lực từ chính cộng đồng DN đã và đang giúp đất nước dần hồi sinh.
Trong chín tháng qua đã có 85.500 DN đăng ký thành lập mới. Hàng chục ngàn DN tạm ngưng vì dịch cũng đã bắt đầu thay đổi để hoạt động trở lại. Những con số này thực tế vẫn thấp hơn so với kỳ vọng (khi chưa có dịch) nhưng điều đó cho thấy vô số ý tưởng mới của giới chủ DN đã và đang được nảy sinh để có thể “tiến hóa”, thích nghi với cuộc sống có COVID-19.
Các sáng kiến ấy, một mặt sẽ tạo ra sự cân bằng trở lại giữa số lượng DN chấp nhận phá sản và số DN bắt đầu “cuộc chơi mới”; mặt khác, tiếp tục tạo ra việc làm cho hàng triệu người lao động, từ đó tái thiết đời sống kinh tế - xã hội bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Doanh nhân - “linh hồn” của mỗi DN - đã và đang cùng gồng gánh việc tuyến đầu. Họ xứng đáng được nhận lại sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, người dân và các tổ chức để cộng đồng DN có thể phát triển phồn thịnh. Vì họ góp phần lớn tạo nên diện mạo đất nước.