(PLO)- Anh Nguyễn Văn Tuyến nổi tiếng tại huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi nhờ hoạt động sản xuất biến mo cau thành chén dĩa và nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.
Từ việc nhìn thấy mo cau được bà con Quảng Ngãi bỏ đi vì không có giá trị kinh tế , anh Nguyễn Văn Tuyến (41 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mega Eco) đã có bước đi mạnh dạn, đầu tư dây chuyển sản xuất chén, dĩa, hộp…từ mo cau.
Anh Nguyễn Văn Tuyến đã biến mo cau thành chén dĩa tạo đầu ra cho mo cau và giúp người nông dân có thêm thu nhập. Bắt đầu với việc sản xuất chén, dĩa, khay, tô, hộp… bằng mo cau từ khoảng tháng 3-2020. Anh Tuyến chọn đặt cơ sở ở huyện Nghĩa Hành - vùng trồng cau quy mô lớn của tỉnh Quảng Ngãi để chủ động nguồn nguyên liệu. Mo cau sau khi thu mua được mang về xưởng chà rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm, để ráo. Sau đó, mo cau sẽ được đưa vào khuôn ép nhiệt tạo hình thành các loại dĩa, chén, tô, khay, hộp các loại. Mỗi máy ép nhiệt tạo hình có thể cho ra cùng lúc 6 - 10 sản phẩm. Số sản phẩm sau khi thành hình sẽ được xịt bụi, cho vào máy diệt khuẩn bằng tia UV rồi đóng gói, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đóng vào thùng. Đến nay, qua gần 5 năm “khởi nghiệp” cùng mo cau, công ty của anh Tuyến đã cho ra đời gần 30 sản phẩm các loại…với mẫu mã bắt mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng . Anh Tuyến chia sẻ, từ thực tế hơn 10 năm làm về các sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp, với anh không có gì là bỏ phí. Hiện công ty này có khoảng 30 sản phẩm gồm: chén, đĩa, khay…Thời gian gần đây, sản phẩm hộp cơm mo cau của công ty đang "hot” trên mạng xã hội . Sản phẩm này sắp sẽ được công ty chọn làm sản phẩm chủ lực tại thị trường trong nước. Hiện tại, các sản phẩm của công ty anh Tuyến đã xuất đi thị trường 5 quốc gia gồm: Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản. Tại thị trường trong nước, anh Tuyến mong muốn các sản phẩm, nhất là hộp cơm sẽ đến tay người tiêu dùng sớm hơn, góp phần giảm thiểu tác hại của hộp xốp, bảo vệ môi trường và tạo sức khỏe bền vững cho người Việt. “Sắp tới, công ty cố gắng xuất khẩu đi nhiều quốc gia khác. Với thị trường trong nước, công ty sẽ mang đến các sản phẩm thiết thực với người dùng mà lại có giá thành tốt nhất để mọi người có thể tiếp cận được và sử dụng trong tương lai gần”, anh Tuyến chia sẻ. Theo anh Tuyến, khó khăn lớn nhất là giá của mo cau có chênh lệch với giá của sản phẩm từ xốp, nhựa. Trong ảnh, hộp cơm làm từ mo cau hiện đang được rất nhiều người quan tâm trên mạng xã hội. "Chén, đĩa, khay có nguồn gốc từ mo cau sẽ được khử khuẩn, đóng gói trong bao nilon ép nhiệt. Vì không bị thấm nước nên chúng có thể đựng thức ăn, trái cây, mắm, muối... Giá sản phẩm cũng rất rẻ, chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng/cái và có thể tái sử dụng" - anh Tuyến nói và cho biết hiện nhà máy đang cố gắng giảm chi phí thấp nhất để tiếp cận người tiêu dùng. Mỗi tháng, trung bình công ty của anh Tuyến cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 sản phẩm từ mo cau, tạo công ăn việc làm liên tục cho 15 lao động, với thu nhập từ 200.000 đến 240.000 đồng/ngày. Lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hành cho hay, nhờ cơ sở sản xuất của anh Tuyến mà người nông dân có thêm thu nhập, đây là hướng đi đầy triển vọng . Chén, đĩa từ mo cau là một trong những sản phẩm nổi bật của huyện Nghĩa Hành. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện để cơ sở này tiếp tục phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.