Nông nghiệp xanh giúp nông sản Việt vươn xa

(PLO)- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rau quả Việt vẫn nhận được những tín hiệu tốt khi trong bốn tháng đầu năm, toàn ngành đạt 1,4 tỉ USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-5, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức Hội nghị Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề “Nông sản Việt Nam (VN) vươn xa”. Tại hội nghị, các hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đã đóng góp nhiều ý kiến về việc làm sao đưa nông sản VN cạnh tranh tốt với các nước trong khu vực cũng như vươn xa trên thị trường quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng nông sản Việt cần hướng tới kinh tế xanh, nông nghiệp xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu trong tương lai. Ảnh: T.UYÊN

Các chuyên gia cho rằng nông sản Việt cần hướng tới kinh tế xanh, nông nghiệp xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu trong tương lai. Ảnh: T.UYÊN

Doanh nghiệp cần chuẩn bị cho nông nghiệp xanh

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, cho biết trong bốn tháng đầu năm 2023, toàn ngành rau quả đạt 1,4 tỉ USD, tăng trưởng 20%. Đây là tín hiệu tốt nhất trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo ông Tùng, các thị trường nhập khẩu của VN như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… đang hướng tới kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. Một số DN VN xuất khẩu đã đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn SMETA (thực hành đạo đức trong kinh doanh và trách nhiệm xã hội).

“Kinh tế xanh, nông nghiệp xanh là xu hướng trong tương lai. Hiện nay các nhà nhập khẩu chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng. Tuy nhiên, DN Việt muốn duy trì mạch phát triển xuất khẩu phải đầu tư ngay chứ không đợi họ ra luật mình làm sẽ rất chậm, mất nhiều cơ hội” - ông Tùng nói.

Đại diện Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương, trong quá trình phát triển, sở này nhận thấy chưa có quy trình bài bản mà các đơn vị liên kết tự phát. Do đó, ngành công thương Cần Thơ đặt ra vấn đề không thể đi một mình nên đã liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL trong nhiều lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực này.

TS Hạ Thúy Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT), đánh giá cao sự liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL giúp tạo ra sản phẩm chất lượng đồng đều, giảm chi phí logistics.

Bên cạnh đó, hiện nay hàng hóa tiểu ngạch hầu như khó khăn để xuất khẩu vì phía Trung Quốc quản lý chặt chẽ hơn. Tất yếu DN phải xuất khẩu chính ngạch, nghĩa là sản phẩm cần có chứng nhận mã vùng trồng, mã đóng gói, truy xuất nguồn gốc…

Vì vậy, vai trò của DN đầu tàu quan trọng không chỉ hướng dẫn cho bà con sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu mà còn là vấn đề văn hóa giao dịch, thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, bà con tuân thủ theo quy trình nhất định vì liên quan đến cam kết, hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm…

“Hy vọng thời gian tới, cộng đồng DN VN dẫn dắt nông dân làm sao có văn hóa thương mại cùng nhau phát triển, chứ không mạnh ai nấy bán sẽ không phù hợp trong thời điểm này…” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Các thị trường nhập khẩu của VN như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… đang hướng tới kinh tế xanh, nông nghiệp xanh.

Sầu riêng Việt sẽ vượt sầu riêng Thái Lan?

Gần đây, nhiều thông tin cho thấy nông sản VN đang cạnh tranh với Thái Lan tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng sầu riêng.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết khi sầu riêng VN được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, người quan tâm nhất việc này không phải là người tiêu dùng Trung Quốc mà chính là DN Thái Lan.

“Thái Lan có mối quan hệ làm ăn lâu năm với Trung Quốc. Hằng năm, quốc gia này nhập 4 tỉ USD sầu riêng thì Thái Lan chiếm 2/3, thậm chí 3/4 thị trường. Trong khi sầu riêng VN trước nay đều bán qua trung gian Thái Lan, từ Thái Lan qua Trung Quốc. Do đó, khi có thông tin VN xuất sang Trung Quốc, DN Thái Lan lo lắng” - ông Tùng phân tích.

Đặc biệt, khi sầu riêng VN có giấy phép thông hành, chỉ trong hai tháng đã xuất khẩu được 396 triệu USD, lúc này Thái Lan chuyển hướng không sản xuất theo số lượng mà tập trung vào chất lượng. Cụ thể, khi các vựa sầu riêng thu hoạch, cơ quan kiểm dịch chất lượng đến tận nơi kiểm tra ngẫu nhiên trong lô hàng đó. Họ truyền thông mạnh mẽ đến thị trường Trung Quốc và người dân nước này tin tưởng chất lượng nên giá cả sầu riêng Thái Lan cao hơn VN.

“Trong khi đó, truyền thông VN đưa ra thông tin tiêu cực về sầu riêng với việc giả mạo mã số vùng trồng, giả mạo mã số đóng gói… Điều này khiến khách hàng Trung Quốc có sự so sánh lớn” - ông Tùng chia sẻ.

Theo ông Tùng, sầu riêng VN nên chia thị phần với Thái Lan là hợp lý. Tháng 8-2022, sầu riêng VN mới được cấp phép xuất khẩu trong khi Thái Lan đã làm ăn lâu năm. Tuy vậy, VN vừa cấp thêm các mã vùng trồng là tín hiệu tốt. Cùng với các lợi thế vị trí địa lý gần, giá cả… sầu riêng VN dần dần sẽ vượt qua Thái Lan.

Trong khi đó, ông Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham), cho biết rất chia sẻ với những lo lắng trên. Tuy nhiên, ở góc độ nhà đầu tư, khi đến VN họ không nghĩ như dư luận đang lo.

“Nếu chúng ta lo ngại cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan ở Trung Quốc thì hãy để họ làm. DN Việt sẽ là doanh nhân phân phối. Giống như trước đây VN đã bán sầu riêng cho Thái Lan, sau đó họ bán qua Trung Quốc hay ra khắp thế giới. Họ là doanh nhân, nhà phân phối. Tuy nhiên, trong kinh doanh thì lợi nhuận ở khâu phân phối chứ không phải trồng trọt, sản xuất” - ông Tước gợi ý.•

Kinh nghiệm xuất khẩu thanh long sang Hàn Quốc

Chia sẻ về kinh nghiệm đưa hàng Việt ra các nước, đại diện Công ty MM Mega Market VN cho biết mỗi thị trường sẽ có những thách thức và rào cản khác nhau từ kỹ thuật đến thương mại.

Những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, ngoài các yêu cầu tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu, hàng VN như thanh long, bưởi, dừa phải đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá giới hạn dư lượng tối đa cho phép. Các sản phẩm cung cấp phải có đủ mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Ngoài ra, nhà nhập khẩu cũng quan tâm việc duy trì mức giá tốt nhất trên thị trường khi thu mua.

Một thị trường khó tính khác là Hàn Quốc với mặt hàng yêu thích là thanh long. Trái thanh long phải thông qua các bài kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vỏ phải được làm sạch bằng công nghệ xử lý hơi nước nóng (VHT) để triệt tiêu trứng vi sinh nhưng vẫn đảm bảo màu sắc tươi mới. Bên cạnh các yêu cầu về chất lượng, kích cỡ, màu sắc ruột, họ thường yêu cầu thanh long ruột trắng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm