Độc đáo mô hình tổ hòa giải: Mâu thuẫn mình bỏ qua!

(PLO)- Khi phát hiện hoặc nhận phản ánh, tổ hòa giải sẽ làm việc trực tiếp với người dân để ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 31-5, UBND phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM đã tổ chức lễ ra mắt Tổ công tác giải quyết bước đầu các vấn đề dễ phát sinh mâu thuẫn trong khu dân cư (tổ công tác).

Nhiệm vụ của tổ là rà soát, lập danh sách các địa chỉ thuộc địa bàn quản lý dễ phát sinh mâu thuẫn trong khu dân cư. Cụ thể như địa chỉ thường xuyên hát karaoke gây mất trật tự; hoạt động kinh doanh gây ồn ào quá giờ quy định; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả rông động vật nuôi… làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Theo đó, các thành viên trong tổ phân công xuống làm việc trực tiếp để nhắc nhở, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân vi phạm có ý thức chấp hành pháp luật. Tổ công tác bắt đầu hoạt động từ ngày 1-6.

Tổ công tác hòa giải đến làm việc với một hộ dân hay hát karaoke gây ồn ở khu phố 10, phường 14, quận Gò Vấp. Ảnh: NH

Tổ công tác hòa giải đến làm việc với một hộ dân hay hát karaoke gây ồn ở khu phố 10, phường 14, quận Gò Vấp. Ảnh: NH

Chặn đứng mâu thuẫn xảy ra tại khu phố

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp, cho biết khoảng 10 năm trở lại đây địa bàn phường 14 đã hình thành nhiều khu dân cư xây dựng mới, các khu phòng cho thuê đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân từ khắp các vùng, miền đến an cư lạc nghiệp, lao động, công tác… Trong quá trình phát triển của xã hội, những người dân sống trong khu vực không thể tránh khỏi các mâu thuẫn trong khu dân cư xuất phát từ thói quen sinh hoạt hoặc từ nhận thức, yêu cầu về môi trường sống của mỗi cá nhân.

Ông Dũng thông tin thời gian qua, để giải quyết những phản ánh, mâu thuẫn trong dân, phường đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa nhưng vẫn còn đơn lẻ và chưa bài bản; việc nhắc nhở mang tính cá nhân…

“Tổ công tác ra đời nhằm khắc phục những hạn chế của các giải pháp trước đây và tạo sự quy củ, chính danh, làm việc với tư cách tập thể, trách nhiệm, nghiêm túc, xây dựng hình ảnh gần gũi nhưng nghiêm khắc. UBND phường xây dựng và triển khai mô hình tổ công tác này với mục tiêu cuối cùng là xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư, cái riêng phải được đặt trong sự hài hòa với cái chung” - ông Dũng chia sẻ.

Ngoài việc gắn kết tình hàng xóm với nhau, công tác hòa giải đôi khi cũng giúp người dân giảm những thủ tục kiện tụng không đáng có.

Khi tổ hòa giải làm “quan tòa”

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Phương Nam, tổ phó tổ 45, phường 14, quận Gò Vấp, cho biết trước đây bà có tham gia vào tổ công tác hòa giải cơ sở. Tổ công tác chỉ có ba thành viên với nhiệm vụ tiếp xúc, lắng nghe, giải quyết những mâu thuẫn, các khiếu nại của người dân trong khu vực.

“Với nhiều năm trong công tác hòa giải cơ sở, nếu hòa giải viên nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các bên thì khả năng hòa giải thành công sẽ rất cao. Tuy nhiên, tổ hòa giải ít thành viên, không có thời gian tiếp xúc với người dân nhiều nên việc hòa giải đôi khi đạt kết quả không như mong đợi. Việc thành lập tổ công tác này, tôi thấy có nhiều thành viên với nhiều cán bộ ban ngành, đoàn thể hơn. Hy vọng tổ sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân” - bà Nam chia sẻ.

Bà Nam kể lại câu chuyện trước đây bà làm hòa giải viên: “Năm 2022, tổ chúng tôi nhận được đơn của một hộ dân trong khu vực do phường chuyển xuống. Hộ này phản ánh hộ kế bên lắp điện năng lượng mặt trời trên mái nhà, làm mưa dột sang nhà họ. Sau khi tổ hòa giải phân tích nhiều lần thì cả hai bên cùng có tiếng nói chung và đã giải quyết được mâu thuẫn giữa hai hộ”.

Ông Cao Hùng Việt, tổ trưởng tổ hòa giải tại khu phố 7, cũng là thành viên trong tổ công tác mới thành lập, cho biết việc giải quyết bước đầu mâu thuẫn trong người dân là rất quan trọng. Bởi khi mâu thuẫn mới bắt đầu xảy ra, nếu được giải quyết kịp thời sẽ ngăn chặn được những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra. Từ đó, tình hình an ninh trật tự trong khu vực cũng được đảm bảo, tình hàng xóm gắn kết hơn.

Ông Việt chia sẻ: Ngoài việc gắn kết tình hàng xóm với nhau, công tác hòa giải đôi khi cũng giúp người dân giảm những thủ tục kiện tụng không đáng có.

Ông Việt kể: “Tôi nhớ năm 2021, tổ hòa giải của tôi nhận được đơn của hai phụ nữ, yêu cầu chị ruột của mình chia tài sản thừa kế do cha mẹ để lại.

Khi ấy, cả ba chị em đều không có tiếng nói chung. Hai người em gái thì yêu cầu người chị bán nhà chia cho họ, mỗi người 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, căn nhà đó chỉ có giá trị khoảng hơn 2 tỉ đồng, nếu bán đi và chia cho hai người em thì người chị không thể mua lại căn nhà khác để ở và nuôi dưỡng em trai tàn tật.

Sau khi nghe các thành viên trong tổ hòa giải phân tích tình, lý thì cuối cùng hai người em gái đã đồng ý mỗi người chỉ nhận 300 triệu đồng. Số tiền bán nhà còn lại người chị đã mua một căn nhà nhỏ gần khu vực và sinh sống cho đến nay”.•

Mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày tăng cao

Qua tổng hợp các tin báo phản ánh và các kênh thông tin từ cổng thông tin 1022 của TP, trang Facebook của phường, số điện thoại đường dây nóng của phường… cho thấy năm 2022 có đến 83% tin báo liên quan đến sinh hoạt thường ngày của dân cư như hát karaoke, tổ chức ăn uống gây ồn ào, thả rông chó mèo... Đặc biệt, trong năm tháng đầu năm 2023, tin báo phản ánh những mâu thuẫn loại này lên đến 90%.

Khi tiếp nhận các thông tin trên, nhiều trường hợp sự việc đã trôi qua, hoặc sự việc đang diễn ra nhưng lực lượng không thể có mặt kịp thời khiến mâu thuẫn cá nhân hết sức gay cấn.

Tôi tin rằng khi thành lập tổ công tác này sẽ ngăn chặn kịp thời những mâu thuẫn trong dân. Cần lưu ý rằng nội dung làm việc của tổ chỉ tập trung vào việc chỉ ra cho hộ gia đình, tổ chức thấy hành vi của họ đã gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư xung quanh. Đồng thời, việc xử phạt những vi phạm là do lực lượng chức năng chuyên môn thực hiện.

Ông NGUYỄN THẾ DŨNG, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm