Cuối năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức cho phá 6 ha rừng cao su chuẩn bị thu hoạch để dựng lên cơ ngơi học viện bóng đá đồ sộ. Mỗi năm ông đổ thêm không dưới một triệu USD nuôi các cầu thủ nhí ăn học cả bóng đá lẫn văn hóa.
Trong hơn 10.000 thí sinh cả nước dự thi, chỉ có 18 cậu bé trúng tuyển. Nhìn những cậu bé loắt choắt bỡ ngỡ bước chân vào Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG, không ai đoán nổi cái đám trẻ nhỏ đầu trần chân đất ấy sau này sẽ thành tài ra sao.
Tôi còn nhớ mãi hình ảnh ngày khai trường của các em. Mấy đứa nhỏ 11-12 tuổi đen nhem nhẻm vì dang nắng từ bé, mặc đồng phục Arsenal rộng thùng thình cứ ngơ ngác nhìn xung quanh. Cái gì với chúng cũng lạ lẫm, cũng sang trọng quá. Bầu Đức hồi ấy chơi một trò tâm lý. Ông mời gần hết những cựu tuyển thủ quốc gia thời “thế hệ vàng” lên Pleiku dự khai giảng. Bọn nhỏ đứng ngây người, lấm lét nhìn các thần tượng của bóng đá Việt Nam bằng xương bằng thịt. Quen dần, chúng tranh nhau chụp ảnh với Huỳnh Đức, Đỗ Khải, Văn Cường, Mạnh Cường, Hữu Đang, Hữu Thắng…
Hầu hết các cầu thủ U-19 đều trải qua một thời khốn khó ở quê nhà, từ miền Tuyên Quang, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An cho đến Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận… Các em quen cảnh con trâu đi trước hơn là biết đến nhiều chốn phồn hoa đô hội. Xuyên suốt bảy năm khổ luyện, họ đang dần trở thành những đối tượng nổi bật, làm thay đổi nhiều nhận thức về cách làm bóng đá ở Việt Nam.
Lối chơi bóng ngẫu hứng đầy sảng khoái của các cầu thủ chân quê không thể làm người ta ngồi yên. Từng dòng người hào hứng chen nhau qua cổng sân Thống Nhất hay Mỹ Đình ngồi chật kín bốn bề là minh chứng hùng hồn nhất cho tình yêu của khán giả với những người đá bóng trẻ.
U-19 của bầu Đức đã thực sự là nguồn cảm hứng dạt dào cho nhiều thế hệ và làm nở mày nở mặt các nhà làm bóng đá mấy chục năm loay hoay tìm không thấy lối ra.
* * *
Tết này, thế hệ mới của bóng đá Việt Nam đã bước sang tuổi 20 tràn trề sức sống. Họ không còn lặng lẽ bên khoảnh rừng Hàm Rồng miệt mài với từng đường bóng đam mê nhọc nhằn từ bảy năm qua.
Các học trò của ông Guillaume từng phải tự rèn luyện như những người lính, giữa học và tập rất kỷ luật, trước lúc là nghệ sĩ sân cỏ rồi biến thành người của công chúng.
Ấy thế mà nét ngây ngô và hồn nhiên rất chân quê ấy cũng đủ đốt cháy lòng bao người hâm mộ.
U-19 từ quê ra phố - mới chỉ là bước khởi đầu…