Lỗi hẹn nhiều lần, cuối cùng Hai Ngoc Tran (Trần Ngọc Hải), cựu tuyển thủ quốc gia Na Uy cũng sắp xếp gặp tôi trên voice chat. Hải phân trần công việc điều hành và trực tiếp đứng bếp tại nhà hàng Manis Mat ở Kongsvinger do Hải làm chủ khiến anh thở không ra hơi.
Từng đối đầu Beckham, Henry
Trần Ngọc Hải sinh ngày 10-1-1975 tại Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận. Năm 1982 khi lên bảy tuổi, Hải cùng gia đình sang Na Uy định cư.
Dù thấp bé, nhẹ cân nhưng Hải có khả năng chơi bóng thiên bẩm. Năm 1989, khi mới 14 tuổi, cậu bé thuận chân trái và rất lì đòn này được gọi vào đội tuyển U15 Na Uy đảm nhiệm vị trí hậu vệ trái. Bắt đầu từ thời điểm này, cứ mỗi lần cắt bánh sinh nhật qua tuổi mới là Hải lại lần lượt được gọi vào thi đấu cho các đội từ U16, U17, U18 đến U20, U21 Na Uy.
Cho đến nay, Hải vẫn là người giữ kỷ lục ở Na Uy khi thi đấu dưới màu áo các đội trẻ nhiều nhất (86 trận). Năm 19 tuổi, anh được gọi vào đội U21 và trở thành người đầu tiên ở Na Uy trong một năm thi đấu dưới hai màu áo đội tuyển quốc gia (U20 và U21). Năm 1999, anh được gọi vào đội tuyển quốc gia Na Uy.
Hải cho biết năm 1992 (17 tuổi) anh bắt đầu chơi bóng đá chuyên nghiệp khi ký hợp đồng với CLB Kongsvinger. Đến năm 1997, anh chuyển sang chơi cho CLB LASK Linz, Thụy Sĩ. Năm 1998, anh được CLB Valerenga IF mua lại với giá gần một triệu USD, số tiền kỷ lục đối với hợp đồng chuyển nhượng một cầu thủ gốc châu Á thời điểm đó. Cùng thời điểm, cầu thủ người Pháp nổi tiếng Nicolas Anelka khi từ Paris Saint Gemain (Pháp) chuyển sang chơi cho Arsenal (Anh) có mức chuyển nhượng 760.000 euro, tức hơn 900.000 USD.
Trong sự nghiệp, Hải từng đối đầu với David Beckham (Anh); Thierry Henry, Trezeguet (Pháp); Michael Ballack, Miroslav Klose (Đức)… Hải luôn là một chốt chặn tin cậy cho đồng đội, được ví như “người không phổi” khi lên công về thủ rất vững vàng dù anh chỉ cao 1,68 m và nặng 67 kg.
Năm 2008, cầu thủ gốc Việt vinh dự được gặp và trao tặng chiếc áo thi đấu cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Bên cạnh là Thủ tướng Na Uy Jens Stotenberg. Ảnh: TL
Hai Ngoc Tran (giữa) cùng đội U21 Na Uy đoạt huy chương đồng giải U21 châu Âu năm 1998. Ảnh: TL
Danh hiệu cao nhất Hải đạt được trong đời cầu thủ chuyên nghiệp là huy chương đồng giải U21 châu Âu năm 1998. Ở tứ kết, Na Uy thắng Thụy Điển 1-0 và chỉ chịu thúc thủ trước nhà vô địch Tây Ban Nha ở bán kết với tỉ số tối thiểu 0-1. “Trận tranh huy chương đồng với Hà Lan là đáng nhớ nhất, bởi Hà Lan lúc đó có hai tiền đạo “sát thủ” là Ruud Van Nistelrooy và đội trưởng Roy Makaay. Ngoài ra họ có hàng tiền vệ rất giỏi gồm Mark Van Bommel, John De Jong, Boateng. HLV Hans Dorjee của Hà Lan thấy hậu vệ trái gốc Việt nhỏ con nên đã chỉ đạo các học trò tập trung khoét vào vị trí này (cười). Tuy nhiên, không hiểu lúc đó sức lực đâu mà mình có thể tả xung hữu đột, đánh chặn thành công tất cả các đợt tấn công dồn dập của họ…” - Hải nhớ lại.
Sau giải đấu trên, CLB Ipswich City lập tức cử tuyển trạch viên đến mời Hải sang Anh thi đấu với nhiều đãi ngộ. Tuy nhiên, anh từ chối mà về đầu quân cho CLB Valerenga IF ở Oslo. Ngay trong mùa bóng đầu tiên, anh đã cùng CLB lọt đến vòng tứ kết Cúp UEFA và chỉ chịu dừng bước sau khi thất thủ trước CLB Chelsea đình đám của Anh.
Tặng áo thi đấu cho chủ tịch nước
Sau ba năm cùng Valerenga chinh chiến các giải trong nước và cúp châu Âu, năm 2001 Hải bị chấn thương lưng nghiêm trọng và phải nghỉ thi đấu hơn nửa năm để chữa trị. Đầu năm 2003, do chấn thương liên tục tái phát, tuyển thủ Hai Ngoc Tran tuyên bố giã từ sân cỏ khi mới vừa 28 tuổi. Sau khi giải nghệ, Hải nghĩ ngay đến việc mở một nhà hàng bán kèm thức ăn Việt ở thành phố Kongsvinger nên ghi danh học lớp bếp trưởng. Sau đó, Hải sang lại một nhà hàng hai tầng vừa xây xong với giá 800.000 USD và bắt đầu sự nghiệp làm chủ của mình.
Điều thú vị là suốt buổi trò chuyện, Hải nói tiếng Việt rất trôi chảy với nhiều ngữ âm đặc sệt giọng Mũi Né không lẫn vào đâu được, dù anh đã định cư ở Na Uy từ năm lên bảy. Hải kể, kỷ niệm đáng nhớ nhất đời mình là vào tháng 6-2008, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Na Uy. “Sáng hôm đó tôi nhận được điện thoại từ Văn phòng Thủ tướng Jens Stotenberg thông báo phải có mặt ở Oslo vào buổi trưa để cùng dự tiệc chiêu đãi ngài chủ tịch nước Việt Nam”, Hải nhớ lại.
Anh chàng bếp trưởng tâm sự, khi còn thi đấu đã từng tiếp xúc rất nhiều quan chức của các nước, nhưng lần đó trong lòng thấy nôn nao khó tả vì được gặp người đứng đầu tổ quốc của mình. Được bà xã tư vấn, Hải lấy chiếc áo số 5 của mình từng thi đấu trong đội tuyển quốc gia làm quà tặng ngài chủ tịch. “Ngài chủ tịch rất thân thiện, bình dị. Sau khi tôi tặng áo, ông cảm ơn và nói chuyện rất lâu với tôi về bóng đá. Ngài chủ tịch còn cho tôi cả số điện thoại của ông để liên lạc”, Hải cho biết.
Tôi muốn về thăm quê hương Việt Nam Mới đây, một nhật báo ở Hedmark (Na Uy) đã phỏng vấn Hải về sự hội nhập rất nhanh và thành công của cựu tuyển thủ này. Khi nói về cộng đồng khoảng 20.000 người Việt tại Na Uy, Hải tự hào phát biểu: Cộng đồng người Việt ở Na Uy được biết đến là những người có tay nghề, làm việc chăm chỉ và rất quan tâm tới giáo dục. Anh chia sẻ: “Ưu tiên của tôi là sớm được trở về thăm đất nước Việt Nam của tôi”. Hải nói ở Na Uy nhưng anh luôn dõi theo những thay đổi của quê hương và đã biết Mũi Né là một địa điểm nghỉ dưỡng quốc tế nổi tiếng. “Tôi sẽ về Mũi Né học thêm cách chế biến các món ăn Việt. Và biết đâu nếu có cơ duyên, tôi sẽ làm một ông bầu đá banh mà không cần lương bổng gì”, Hải nói rặt giọng Mũi Né rồi cười giòn tan. |