TAND huyện Chợ Lách (Bến Tre) vừa xử sơ thẩm vụ đòi vàng cưới của ông bà T. với cô “con dâu hụt” là chị V. Trước đó, ông bà T. đã khởi kiện đòi chị V. phải trả 4,5 chỉ vàng 24K mà ông bà cho chị V. trong lễ hỏi...
Trả vàng, hủy đám cưới
Theo ông bà T., vào tháng 5-2012, ông bà và cha mẹ chị V. tổ chức làm lễ hỏi cho con trai của ông bà với chị V. Trong lễ hỏi, ông bà có cho chị V. các lễ vật gồm 5,5 chỉ vàng 24K, 4,5 chỉ vàng 18K, một con heo quay giá 3,3 triệu đồng, 10 mâm đồ lễ và 3 triệu đồng tiền mua sắm đồ cưới. Hai bên thống nhất sẽ làm lễ cưới vào tháng 11-2012.
Bất ngờ đến tháng 8-2012, chị V. đã cùng mẹ đến nói với ông bà T. rằng tính tình giữa chị với con trai của ông bà không hợp nên hủy đám cưới, đồng thời trả cho ông bà 1 chỉ vàng 24K và 4,5 chỉ vàng 18K.
Theo ông bà T., nếu chị V. không muốn làm con dâu của ông bà thì phải cùng cha mẹ trả lại cho ông bà đầy đủ lễ vật cưới chứ không thể chỉ trả có bấy nhiêu đó rồi thôi. Sự việc đã đem ra xã hòa giải nhưng chị V. cùng cha mẹ vẫn không trả nên ông bà khởi kiện yêu cầu TAND huyện Chợ Lách giải quyết.
Sau khi tòa thụ lý, vì chị V. cam kết đến ngày 30-12-2013 sẽ trả cho ông bà 2 chỉ vàng 24K nên ông bà T. đã hứa cho chị 2,5 chỉ vàng 24K còn lại và rút đơn kiện. Nhưng đến ngày hẹn, chị V. vẫn không trả vàng nên ông bà khởi kiện tiếp. Lần này, ông bà yêu cầu tòa buộc chị V. liên đới cùng cha mẹ chị trả đủ 4,5 chỉ vàng 24K cho ông bà.
Chỉ trả một ít vì buôn gà chung thua lỗ?
Tại phiên tòa, chị V. khai trước đây chị cùng con trai của ông bà T. có đi buôn gà chung. Do lỗ vốn nên chị phải bán 2,5 chỉ vàng, sau đó đem cầm tiếp 2 chỉ vàng mà ông bà T. cho lấy 5 triệu đồng để tiếp tục làm ăn.
Vào lúc xin hủy đám cưới, chị có trình bày với ông bà T. rằng chị cùng con trai ông bà đã xài hết số vàng, hiện chỉ còn cái biên nhận cầm vàng. Ông bà T. thông cảm đồng ý bỏ qua, chỉ lấy lại biên nhận cầm vàng để ông bà tự giải quyết. Vì thế chị V. chỉ đồng ý trả cho ông bà T. 2 chỉ vàng và 2,5 triệu đồng (một nửa số tiền chị cầm 2 chỉ vàng).
Cha mẹ của chị V. thì nói số vàng trong lễ hỏi là bên nhà trai cho chị V. chứ không phải cho nhà gái nên ông bà không có trách nhiệm liên đới trả lại.
Còn con trai ông bà T. thì bảo sau đám hỏi, anh và chị V. có sống chung nhưng anh không biết việc chị V. bán vàng cưới vì chị không nói gì với anh. Số vàng đó là của cha mẹ anh, chị V. đơn phương hủy đám cưới thì phải trả lại cho cha mẹ anh.
“Vi phạm hợp đồng tặng cho”
TAND huyện Chợ Lách nhận định việc ông bà T. làm lễ hỏi cho con trai và cho con dâu tương lai 5,5 chỉ vàng 24K và 4,5 chỉ vàng 18K là theo phong tục để hai bên làm lễ cưới sau này. Sau khi cho vàng, giữa ông bà T. và chị V. đã phát sinh quan hệ “hợp đồng tặng cho có điều kiện” theo Điều 470 BLDS. Cụ thể, ông bà T. cho chị V. số vàng trên với điều kiện là con trai ông bà và chị V. phải tiến tới hôn nhân sau này.
Tại các phiên hòa giải và tại tòa, chị V. đều thừa nhận có quản lý số vàng trên, chị đã bán và cầm số vàng mà không cho con trai của ông bà T. biết. Nhưng sau đó chị không muốn tiến tới hôn nhân nên trả lại cho ông bà T. 1 chỉ vàng 24K và 4,5 chỉ vàng 18K. Việc trả lại vàng cưới khi hủy đám cưới phù hợp với phong tục tập quán địa phương, phù hợp với việc chị V. đơn phương chấm dứt “hợp đồng tặng cho có điều kiện”. Do đó chị V. phải có nghĩa vụ trả tiếp cho ông bà T. 4,5 chỉ vàng 24K còn lại.
Chị V. khai đã bán 2,5 chỉ vàng 24K để cùng con trai ông bà T. buôn gà thua lỗ hết nhưng con trai ông bà T. không thừa nhận, chị V. lại không có chứng cứ chứng minh. Do hai người chưa xác lập quan hệ hôn nhân nên trường hợp chị V. muốn tranh chấp với con trai ông bà T. trong việc hùn vốn buôn gà thì khởi kiện bằng một vụ án khác.
Về phần 2 chỉ vàng mà chị V. khai cầm cố với giá 5 triệu đồng và giao biên nhận cho ông bà T. thì ông bà T. không thừa nhận có việc này. Theo biên bản làm việc của tòa với chủ tiệm vàng nơi chị V. nói đã cầm 2 chỉ vàng thì ông chủ vàng không nhớ có việc chị V. có đến cầm vàng hay không. Tiệm vàng cũng không còn lưu giữ các biên nhận cầm vàng, chuộc vàng hay thông tin về khách hàng.
Tại phiên xử, ông bà T. chỉ yêu cầu chị V. trả 2,5 chỉ vàng 24K và 5 triệu đồng (tiền chị V. cầm 2 chỉ vàng 24K). Do yêu cầu này thấp hơn yêu cầu khởi kiện ban đầu nên tòa chấp nhận. Tòa cũng chấp nhận việc ông bà T. tự nguyện rút yêu cầu buộc cha mẹ chị V. phải liên đới cùng với chị V. trả vàng. Theo tòa, số vàng trên nằm trong số lễ vật mà ông bà T. cho chị V. chứ không phải cho nhà gái nên nếu ông bà T. không rút yêu cầu thì tòa cũng bác.
Tặng cho tài sản có điều kiện 1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. 2. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. 3. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo Điều 470 BLDS 2005 |