Chốt dân phòng ngay sát chân cầu Nguyễn Văn Cừ của khu phố 6, phường Cầu Kho là nơi các em nhỏ hay đến để đọc sách. Đây là nơi họp mặt đội Kim Đồng do bà Lê Thị Ngà (tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố khu phố 6, nhân vật trong bài viết ““Má Hà” siêng lo giấy tờ cho… con người ta”, báo Pháp Luật TP.HCM ngày 12-7) thành lập năm 2009 để tập hợp các em nhỏ của khu phố.
Trong tủ sách mini đặt tại đây, từng bức thư do chính các thành viên của đội viết về mơ ước của mình được nâng niu cất giữ. Bây giờ “tụi nhỏ” đã lớn cả rồi. Khó ai ngờ chúng xuất thân từ một địa bàn phức tạp.
Các em nhỏ khu phố 6 đang chơi trò chơi cùng các đoàn viên. Ảnh: Đoàn phường cung cấp
1. “Đội trưởng” đi bộ đội
Ngày 14-7, Căn cứ 696, Đồng Nai.
Tôi vẫn nhớ những ngày tháng tuổi thơ trong một khu phố nhiều tệ nạn. Đứa nào hiền hiền mà ở trong khu tôi cũng dễ lêu lổng, quậy phá. Đây là khu vực giáp ranh, là địa bàn nóng về tệ nạn mại dâm, ma túy. Bọn trẻ chúng tôi nghe người lớn nói tục, chửi thề hằng ngày nên những câu nói cửa miệng của chúng tôi cũng y như vậy. Nhiều gia đình của bạn tôi có ba mẹ bị bắt đi tù vì ma túy.
Cha tôi là thợ cắt tóc kiêm chạy xe ôm, cuộc sống của cha con tôi rất khó khăn, họ hàng của tôi cũng có người dính vào tệ nạn.
Năm 2011, tôi được má Hà kêu tham gia đội bảo vệ Kim Đồng để tham gia sinh hoạt thiếu nhi. Hồi đó tôi cứ nghĩ sinh hoạt thiếu nhi là phải mặc đồ đẹp mới được đi sinh hoạt, đâu mơ mình cũng được “kết nạp”. Tôi được dạy ăn nói cho đàng hoàng, không còn chửi thề, nói bậy. Tôi tự tin đi tập hát, trình diễn văn nghệ ở khu phố, ở phường. Tôi được làm đội trưởng từ năm 2011 đến 2014…
Còn khoảng gần một năm nữa tôi sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tôi có rất nhiều dự định để làm cho tương lai. Tôi sẽ đi học thanh nhạc. Tôi chỉ mới 20 tuổi, tôi sẽ làm những điều mình muốn làm trước. Tôi cũng sẽ vừa học vừa đi làm. Những năm tháng trong quân ngũ khiến tôi trầm tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn, quyết tâm hơn và luôn chuẩn bị kỹ càng cho những điều mình sẽ làm. Năm 2016 tôi được đơn vị khen thưởng vì rèn luyện tốt.
Nhưng những đứa trẻ như tôi không thể tự nhiên mà trưởng thành được. Tôi biết ơn những ngày tháng hạnh phúc, vui vẻ và có ý nghĩa ở đội Kim Đồng. Nhiều bạn khác của tôi không có những sân chơi như vậy nên đã trượt ngã. Bạn thân của tôi đã dính vào ma túy mà tôi không cản được.
Cách đây bốn năm, tôi đã viết ước mơ của mình là “con muốn làm ca sĩ”. Đó không chỉ là một mơ ước trẻ con khi còn được sinh hoạt ở khu phố mà còn là một động lực giúp tôi luôn yêu đời, luôn cố gắng.
Trung sĩ TRẦN GIA HUY, 20 tuổi, đang rèn luyện tại Căn cứ 696
- Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân
2. Tuổi 18 và những cánh cửa mở ra
Cách đây bốn năm, tôi viết như vầy: “Ước gia đình hạnh phúc và con có công ăn việc làm ổn định để lo cho cha mẹ”.
Tôi lớn lên ở nơi mà nhà nào cũng nghèo, dễ bị cuốn vào tệ nạn. Vậy nên ước mơ lớn nhất của tôi chỉ đơn giản là có một việc làm ổn định để có cuộc sống bình thường.
Năm tôi học lớp 7, tôi vô đội, được tập văn nghệ và tập kịch. Bữa đó tôi tập vở kịch Hướng về mặt trời, kể về cuộc đời của bọn trẻ trong chính khu phố chúng tôi. Vở kịch đó được trình diễn ở phường, rồi đạt giải nhất cấp quận. Sau khi diễn xong vở kịch đó, tôi thấy nó giống đời thực của mình quá, tôi càng quyết tâm phải vượt lên.
Học xong lớp 12, tôi muốn học nghề để nhanh có việc làm. Má Hà giới thiệu tôi vào Trường Cao đẳng nghề TP, học ngành quản trị nhà hàng khách sạn. Tôi được đi học miễn phí. Nhà trường giới thiệu chỗ cho chúng tôi thực tập, làm việc. Tôi làm việc khá tốt, giao lưu được với nhiều người nước ngoài. Những cánh cửa mới đã mở ra với tôi.
Bây giờ thì tôi đang thực tập ở khách sạn bốn sao được gần một tháng rồi. Trước đó tôi làm bộ phận kinh doanh ở khách sạn này hơn một năm. Môi trường làm việc tốt hơn tôi mong đợi rất nhiều.
Tôi biết ơn những cô chú, anh chị đoàn viên ở phường đã nâng niu tuổi thơ của chúng tôi. Bởi vậy, khi nào được nghỉ làm là tôi lại chạy về chơi với lũ trẻ, giúp chúng tự tin học tập để có nghề như mình. Tôi hay nói với chúng, hoàn cảnh mình khó khăn thì mình phải cố gắng gấp đôi người ta, cứ cố gắng, cửa sẽ mở.
NGUYỄN THANH NGUYỆT, khu phố 6, phường Cầu Kho, quận 1
3. Vui như chính con mình trưởng thành
Tôi làm bảo vệ dân phố ở đây nên gia cảnh nhà nào tôi cũng quá rành. Có nhiều gia đình thấy thương lắm, bố mẹ đi tù do bán ma túy, con cái không được nuôi dạy nên lêu lổng. Nhiều đứa có tố chất lắm nhưng không được uốn nắn nên thất bại, rồi dính vào tệ nạn. Cho nên tôi mới gom tụi nhỏ lại, thành lập đội bảo vệ Kim Đồng. Lúc đầu gom được tám đứa, rồi dần dần lên mấy chục đứa. Chúng tôi dạy bọn trẻ ăn nói đàng hoàng, không nói bậy, chửi thề. Rồi mình đi gom, đi xin sách về mở tủ sách, tập văn nghệ, tập kịch cho các em. Mấy em bên đoàn thanh niên đến hỗ trợ, bọn trẻ thích lắm. Trẻ con lúc nào cũng đầy năng lượng. Không có chỗ chơi thì chúng sẽ tụ tập, lêu lổng.
Tập hợp được rồi mới làm tiếp được những chuyện khác. Nhiều em vì không có cơ hội học hành nên sau này không có việc làm ổn định, gặp lúc khó khăn quá cũng dễ buông trôi. Vậy nên tôi chạy đi xin học bổng, cậy nhờ giới thiệu mấy đứa nhỏ học hết phổ thông đi học nghề. Đoàn phường, đoàn khu phố quan tâm đến đội Kim Đồng nhiều lắm, hay cho học bổng, rồi tổ chức Trung thu, tổ chức thi tìm hiểu an toàn giao thông. Nhiều em trưởng thành rồi vẫn quay lại đây giúp chúng tôi. Nhìn bọn trẻ khôn lớn, tôi vui như thấy con mình trưởng thành vậy đó.
Bà LÊ THỊ NGÀ, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố khu phố 6,
phường Cầu Kho, quận 1
Sẽ có thêm đội Kim Đồng Phường đã thành lập ban chủ nhiệm gồm ủy ban phường, công an phường, đoàn phường để quan tâm, điều phối, giúp đỡ các em trong đội Kim Đồng. Chúng tôi không để em nhỏ nào trong đội phải bỏ học vì khó khăn. Em nào khó khăn được tìm nguồn hỗ trợ học bổng, hỗ trợ thẻ BHYT, giới thiệu học bổng để học tiếp lên. Vì mô hình hiệu quả như vậy nên sắp tới sẽ có thêm một đội Kim Đồng ở khu phố khác. Anh VÕ TRUNG THÀNH, Bí thư Đoàn Thanh niên |