Đổi mới kỳ thi là đúng hướng

“Nhìn chung kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đáp ứng yêu cầu bước đầu đổi mới thi. Có thể khẳng định hướng đổi mới kỳ thi năm nay là đúng hướng, đặc biệt là phù hợp với chương trình dạy học mới của phổ thông. Chất lượng thi cử hơn hẳn những năm trước”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh như trên tại buổi họp báo Thông báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, chiều 4-6 tại Hà Nội.

Đáp án cũng sẽ mở

Ông Hiển cho rằng đề thi năm nay đã thực hiện đúng theo tinh thần đổi mới đánh giá năng lực của học sinh (HS). Đề thi tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở yêu cầu HS sử dụng các kiến thức tổng hợp và hiểu biết xã hội để giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tế. “Kỳ thi này sẽ có tác động tích cực đến quá trình dạy học. Từng bước khắc phục tình trạng học tủ, mang tài liệu vào phòng thi, sử dụng các khuôn mẫu có sẵn. Do đó góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm” - ông Hiển nói.

Thí sinh tươi cười nhẹ nhõm sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, ông Hiển nói đây là năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên tất nhiên cần phải tiếp tục hoàn thiện nhiều hơn. Trả lời về việc đề thi năm nay ra theo hướng mở, vậy đáp án có mở không, giáo viên chấm có mở không? Ông Hiển cho rằng đã đề mở thì đáp án cũng sẽ mở và tinh thần chấm cũng theo hướng mở. “HS có thể làm theo những đáp án khác nhau, miễn sao thể hiện được tư duy sáng tạo, có ý tưởng, cách trình bày thể hiện thông điệp, có thể tác động tâm tưởng người khác đều được tôn trọng” - ông Hiển nhấn mạnh.

Về đáp án, ông Hiển cho biết với những môn mở Bộ sẽ không có đáp án mà chỉ có hướng dẫn chấm thi.

Clip tiêu cực: Chưa nghiêm trọng!

Về việc xuất hiện clip trên mạng cho thấy có sự dễ dãi để thí sinh (TS) hỏi bài lẫn nhau ở Hội đồng thi Trường THPT Nam Lương Sơn (Hòa Bình), ông Hiển cho biết: “Bộ có nắm được thông tin có người quay từ bên ngoài nhưng chắc chắn không để lộ đề thi vì khoảng cách xa. Bộ đã yêu cầu kiểm tra. Thông qua anh em cho biết thì phòng thi có lộn xộn. Có nhìn thấy một, hai HS quay ngang dọc. Giám thị đã nhắc nhở kịp thời, sự việc không có gì nghiêm trọng” - ông Hiển nói. Ông Hiển cũng khẳng định nếu phát hiện tiêu cực thì sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, kiên quyết không bao che.

Về việc có trường thu 300.000 đồng “tiền chống trượt” của HS cũng tại hội đồng thi này, Bộ đã chỉ đạo các trường hoàn trả lại tiền cho HS trước khi kỳ thi diễn ra.

Cần tiếp tục đổi mới

Tại buổi họp báo trưa 4-6, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt cho biết trong ba ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 nhìn chung là an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đề thi vừa sức, mang hơi thở đời sống, không chỉ đánh giá đúng năng lực HS mà còn góp phần đổi mới công tác dạy và học trong nhà trường hiện nay.

Tuy nhiên, một số khâu tổ chức của kỳ thi cần tiếp tục được đổi mới. Thầy Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho rằng việc sắp xếp môn thi cần được tính toán lại. Có em thi một ngày ba môn là hơi nặng. Thời gian kết thúc buổi thi cuối cùng vào các buổi chiều quá trễ, ảnh hưởng đến việc đi lại, đưa đón của phụ huynh, nhất là vùng ngoại thành hoặc vùng sâu. Việc sắp xếp giám thị phù hợp với từng môn trong cùng một hội đồng thi cũng rất khó khăn và tốn kém kinh phí.

Về đề thi, thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP.HCM), góp ý đưa vấn đề thời sự vào các môn thi xã hội là hay và ý nghĩa nhưng nếu môn nào cũng có sẽ làm giảm yếu tố bất ngờ cho TS và giáo viên. Bên cạnh đó, cách ra đề những môn tự nhiên như toán, hóa, sinh hay vật lý chưa có gì mới, vẫn đi theo lối mòn.

Y.HOA - H.HÀ - P.ANH

 

Nhận định đề thi

Môn Anh văn: Thầy Lưu Vạn Phước (giáo viên Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM) cho biết: Dù nội dung chủ yếu trong sách giáo khoa nhưng khó hơn mọi năm, phân hóa TS cao, đòi hỏi TS phải có kiến thức chung về ngôn ngữ Anh, vốn từ vựng và ngữ pháp vững mới có thể làm tốt. HS trung bình khó có điểm trên 5, HS khá giỏi cũng khó có điểm tối đa. Phần tự luận đòi hỏi tính chính xác cao, TS chỉ cần viết đơn giản, đúng ngữ pháp và chính tả sẽ có điểm cao.

Môn sinh học: Thầy Nguyễn Thế Dũng (tổ trưởng tổ sinh học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cho biết: Đề năm nay khá hay, có sự phân hóa năng lực HS. Các em không chỉ phải chịu khó học bài mà còn phải hiểu bài mới có thể làm được. Nội dung chủ yếu tập trung ở những chương trọng tâm trong sách giáo khoa như quy luật di truyền, tiến hóa… Trong đó có 8-9 câu ở phần lý thuyết và 3-4 câu ở phần bài tập hơi nâng cao để phân loại HS. Với dạng đề này, HS trung bình khá có thể đạt 6 điểm nhưng với HS giỏi và chuyên dễ dàng đạt 9-10 điểm.

P.ANH ghi

TP.HCM: Ngày 15-6 công bố điểm thi tốt nghiệp

Theo số liệu thống kê từ Sở GD&ĐT TP, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp 2014, toàn TP có 1.309 lượt TS vắng thi, trong đó hệ THPT vắng 230 lượt TS, còn lại là hệ GDTX. TP.HCM không có trường hợp TS và giám thị nào vi phạm quy chế. Công tác tổ chức tại tất cả hội đồng đều diễn ra an toàn, nghiêm túc và nhẹ nhàng.

Ngày 5-6, TP.HCM sẽ bắt đầu công tác chấm thi. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết dự kiến ngày 15-6 TP sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp. Từ ngày 15 đến ngày 21-6, TS có thể nộp đơn xin phúc khảo, không hạn chế số môn và không phải đóng lệ phí. TS có thể tải mẫu đơn trên trang web của Sở hoặc đến trường THPT nơi TS theo học để nhận. TS sẽ nộp đơn tại trường THPT nơi theo học. Dự kiến ngày 27-6 sẽ công bố kết quả phúc khảo.

P.ANH

Cần Thơ: Huy động trên 200 giáo viên chấm thi

Ngày 4-6, ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết từ 13 giờ ngày 4-6, Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT bắt đầu làm việc. TP Cần Thơ huy động trên 200 giáo viên chấm thi tùy từng môn. Dự kiến ngày 18-6, Sở sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp trên website của Sở và tổng đài 1080.

Theo ông Khiếm, tình hình thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn TP Cần Thơ trong ba ngày qua diễn ra nghiêm túc, an toàn, không có trường hợp giám thị hay TS vi phạm quy chế phải xử lý.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm