Phạt 100.000-200.000 đồng nếu người đi mô tô, xe máy đội mũ không phải mũ bảo hiểm (MBH) hoặc đội mũ giả mạo MBH. Dự thảo Thông tư liên bộ KH&CN, Công Thương, Công an, GTVT về sản xuất, nhập khẩu kinh doanh MBH đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nêu.
Dự thảo đang bị dư luận phản ứng vì nhiều điều chưa phù hợp…
Sắm thêm máy kiểm tra
Nhiều người đội MBH giả mạo nhưng CSGT khó xử phạt. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: M.THẢO
Tiêu điểm 79 DN, cơ sở sản xuất MBH đã có chứng nhận hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (tính đến ngày 1-12-2011). |
Theo phản ánh của DN, cơ quan quản lý thị trường TP, Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 thì hiện nay mũ giả mạo MBH chiếm gần 80% số mũ lưu thông trên thị trường. Đây là mũ không đạt Quy chuẩn Việt Nam số 02 ban hành năm 2008 (QCVN 02) và điều này không chỉ DN làm ăn chân chính bức xúc mà ngay cả người tiêu dùng cũng không thể phân biệt đâu là mũ đạt chuẩn với mũ không đạt chuẩn.
Một DN sản xuất MBH ở Bình Chánh được mời góp ý cho thông tư này phân tích: MBH đạt chất lượng là mũ sản xuất theo QCVN 02 với nhiều tiêu chí đi kèm. Trong đó có gắn tem CR (tem hợp quy) do các trung tâm đánh giá tiêu chuẩn chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thuộc Bộ KH&CN cấp.
Thực tế, trên thị trường nhiều nơi bày bán MBH có tem CR nhưng thực chất mũ không đạt tiêu chuẩn. Ngay các DN sản xuất MBH, cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế muốn đánh giá MBH có đạt chất lượng không cũng phải gửi mẫu cho các trung tâm tiêu chuẩn chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Chất lượng kiểm tra, đánh giá về độ đâm xuyên, độ hấp thu xung động… Khi các trung tâm này có phiếu báo kiểm tra, cho kết quả lúc đó mới biết được MBH có chất lượng tốt hay kém ra sao.
“Với nhiều quy định về chất lượng MBH nên CSGT rất khó phân biệt đâu là mũ kém chất lượng. Nếu muốn phạt người đội MBH kém chất lượng, chắc phải trang bị cho lực lượng CSGT máy kiểm tra chất lượng như các trung tâm tiêu chuẩn chất lượng…” - một DN nói.
Và mang theo thước dây
Đó mới là các kiểu MBH truyền thống chứ riêng các loại MBH có cách điệu bằng lưỡi trai thì việc kiểm tra của lực lượng CSGT sẽ còn “phê” hơn.
Ông Nguyễn Tý, Giám đốc sản xuất MBH của Công ty Thời trang Nón Sơn, cho biết ngay thông tư cũng hướng dẫn để xử lý các trường hợp MBH có lưỡi trai quá phức tạp: MBH có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không quá 70 mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn… Trường hợp MBH có lưỡi trai cứng gắn liền trên mũ thì độ dài lưỡi trai không được lớn hơn 50 mm. Cuối cùng với các loại MBH có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20 mm.
Với hướng dẫn chuyên môn này thì CSGT khi thổi lỗi vi phạm người đi xe máy đội MBH dỏm phải mang thước dây kè kè bên mình. Vì không mang theo thì không thể đo độ dài lưỡi trai, vành cứng xung quanh là bao nhiêu, có vi phạm không để xử lý.
“Theo tôi, nếu để CSGT kiểm tra xử phạt người đi xe máy đội mũ giả mạo thì chỉ có thể kiểm tra tem CR, nhãn hàng hóa mà các DN ghi thông tin trên mũ” - ông Tý cho biết.
Phạt được nhưng khập khiễng
Một trong các nội dung của thông tư được các DN đánh giá cao và mang tính khả thi đó là việc xử phạt các trường hợp đội mũ giả mạo MBH. Các loại mũ này được nhà sản xuất đặt tên khá phong phú như mũ thời trang, mũ bơm hơi, mũ dành cho người đi xe đạp, mũ đua ngựa…
Mũ loại này không có tem CR và nhận biết bằng mắt thường được. Vì so với MBH truyền thống thì các loại mũ trên hình dáng, trọng lượng, nhãn hàng hóa khá đơn giản. Như thường mũ không có lớp mốp xốp bên trong (lớp chống va đập) hoặc có nhưng khá mỏng, vỏ mũ làm bằng nhựa tái chế, rơi xuống đất dễ vỡ nên do đó khá nhẹ… Mũ loại này thường không có địa chỉ và các thông số kỹ thuật về ghi nhãn như tên nhà sản xuất, ngày, tháng xuất xưởng…
Do hình thức bên ngoài, trọng lượng và không tuân thủ về ghi nhãn hàng hóa như MBH truyền thống nên với các loại mũ giả mạo này, lực lượng CSGT có thể áp dụng xử phạt được với hành vi đội mũ giả mạo.
Tuy vậy, ngay ở nội dung này cũng có không ít băn khoăn. Được xem có tính khả thi giúp xử lý mũ giả mạo nhưng lại khá khập khiễng về mặt quản lý. Vì về chất lượng, giả mạo hàng hóa… thì đó là việc của cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế, lực lượng liên ngành chứ không phải việc của CSGT.
Kinh doanh MBH phải có hợp đồng Dự thảo thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe mô tô, xe máy, xe đạp máy này cũng siết người kinh doanh MBH. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh MBH chỉ được bán mũ đã được chứng nhận hợp quy, có tem CR, tại địa điểm có giấy phép đăng ký kinh doanh, chỉ được bán mũ khi đã ký hợp đồng cung cấp với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu MBH. Loạn MBH giả Hiện ở TP.HCM và các đô thị khác, MBH giả mạo được bày bán tràn lan. Mũ giả mạo này được đối phó dưới dạng mũ thể thao, mũ bọc da, mũ dành cho người đi xe đạp, mũ bơm hơi… Giá bán của loại mũ này chỉ từ 15.000 cho đến hơn 40.000 đồng và được số đông người tiêu dùng sử dụng để đối phó… CSGT. Trong khi MBH đạt chuẩn, giá không dưới 60.000 đồng. Các DN sản xuất MBH chân chính như Chí Thành, cơ sở Đức Huy, Longhuen… đã ký vào đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ về tình trạng MBH kém chất lượng, mũ lách quy chuẩn tràn ngập thị trường, cạnh tranh không lành mạnh với DN làm ăn chân chính. M.THẢO |
BÙI NHƠN