Mạnh tay phạt người đội mũ bảo hiểm “nhái” như thế nào?

Theo Phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, kể từ ngày 1-7 đơn vị sẽ tập trung xử phạt người đi mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm (MBH), đội MBH không đúng quy cách hoặc không phải MBH.

Việc xử phạt này là thực hiện theo kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải là MBH cho người đi mô tô, xe máy.

Quản lý thị trường quận Tân Bình đang thu giữ nhiều MBH “nhái”, dỏm tại một cửa hàng trên đường Cộng Hòa. Ảnh: MP

Phạt, tịch thu cả mũ “nhái”?

Theo ông Trần Quốc Hùng, Ban ATGT TP.HCM thì TP.HCM là một trong số ít địa phương trong cả nước chấp hành tốt nhất quy định đội MBH. Trong đó tỉ lệ người lớn chấp hành khá cao với mức trung bình 90%. Tuy vậy, có một số người chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc lựa chọn, sử dụng MBH đạt chất lượng mà chủ yếu đội để đối phó.

Đại diện PC67 cho biết theo Thông tư liên tịch 06/2013 của liên bộ Khoa học-Công nghệ, Công Thương, Công an và GTVT thì MBH phải gồm ba bộ phận (vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong và quai đeo), có tem CR và trên mũ có ghi rõ tên sản phẩm là “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”… Do vậy người đi mô tô, xe máy đội các loại mũ có kiểu dáng giống MBH thì được coi là không đội MBH và bị phạt 100.000-200.000 đồng. Nếu người ngồi trên xe có vi phạm tương tự thì phạt cả người chở và người được chở. “Ngoài việc xử phạt, Ủy ban ATGT Quốc gia còn yêu cầu lực lượng chức năng buộc người vi phạm giao nộp MBH “nhái” để tiêu hủy” - ông Hùng nói thêm.

Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánhVăn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, việc xử lý MBH vẫn chưa triệt để vì lâu nay chỉ tập trung vào người sản xuất. Với yêu cầu này, từ nay lực lượng chức năng sẽ xử lý từ người sản xuất, buôn bán đến cả người sử dụng. Nhưng việc xử phạt lần này không phải nhắm vào MBH “rởm” hay kém chất lượng (bởi người dân không thể phân biệt được) mà là xử lý những trường hợp có thể nhận biết được bằng trực quan. Ví dụ, nếu đội mũ chỉ có mỗi lớp vỏ không thôi thì cần mạnh tay xử lý.

Lúng túng xử phạt

Theo PC67, trên thực tế còn nhiều trường hợp chưa thật sự quan tâm đến chiếc MBH đội trên đầu. Nhiều người đã lựa chọn những chiếc mũ thời trang với hình dạng giống MBH để vừa làm đẹp vừa để đối phó. Thời gian qua, PC67 chỉ xử lý những trường hợp không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách. Còn việc xử lý trường hợp đội MBH không đúng quy cách là rất khó khăn bởi bằng mắt thường khó nhận biết được đó có phải là MBH “chuẩn” hay không.

Tương tự, tại một buổi họp liên quan đến phạt MBH “nhái”, Trung tá Lương Văn Thanh, Đội phó Đội Điều tra giải quyết TNGT và Tuyên truyền thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh: “Thật sự tôi đi mua MBH cũng không biết có đạt chất lượng hay không mà phạt thì quả là tội cho người dân. Ngoài ra, Nghị định 171/2013 không đề cập đến việc xử phạt MBH không đạt chất lượng mà chỉ cho phép phạt trường hợp không đội hoặc đội nhưng không cài quai”.

Một CSGT đề nghị không nêu tên nói thêm, yêu cầu này rất khó thực hiện. Bởi muốn xác định mũ “chuẩn” hay không thì phải niêm phong, rồi đưa đến đơn vị chức năng thẩm định. Khi ấy không lẽ tạm giữ mũ của người dân? “Ngoài ra, trong trường hợp đội mũ chỉ có vỏ nhựa thì chúng tôi cũng không có căn cứ buộc người dân giao nộp để tiêu hủy” - vị CSGT này nói thêm.

 
Xung quanh việc xử phạt người đội mũ không phải MBH, có nhiều người dân băn khoăn như làm sao phân biệt được mũ nào đạt hay không đạt chuẩn, nếu đội mũ không đạt chuẩn sẽ bị phạt thế nào, nếu xảy ra tranh cãi với CSGT thì sẽ phân xử ra sao…
Từ 9 giờ sáng hôm nay (27-6), Pháp Luật TP.HCM tổ chức giao lưu trực tuyến trên báo điện tử (plo.vn) với khách mời là lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an TP.HCM; Chi Cục quản lý thị trường TP.HCM và Công ty TNHH Nón bảo hiểm Á Châu nhằm giải đáp những thắc mắc, băn khoăn trên.

Kính mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi tại đây.

***

Tiêu điểm

60%

là tỉ lệ MBH được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam xác định không đạt chuẩn, dù chúng được mua ở các cửa hàng lớn với hóa đơn, tem CR rõ ràng.

Hãy xử lý từ gốc

Nếu tôi bỏ 400.000 đồng mua MBH được cho là “chuẩn” thì có đảm bảo đây là mũ xịn không, hay lại phải chịu thêm chi phí để kiểm định chất lượng? Do vậy theo tôi, trước tiên phải “nắm” các cơ sở sản xuất, sau đó đến cửa hàng buôn bán MBH. Tức là phải xử lý từ gốc rồi hẵng xử phạt người sử dụng.

Bà NGUYỄN THỊ BẢY, quận Tân Bình

Đủ chiêu làm MBH kém chất lượng

Việc bán MBH giá rẻ, kém chất lượng trên vỉa hè vào chiều tối, ngoài giờ hành chính còn phổ biến. Việc sản xuất, kinh doanh MBH giả, kém chất lượng còn phức tạp. Nhiều cơ sở sản xuất đã đăng ký chất lượng vẫn cho làm song song những MBH giả. Thủ đoạn là họ công bố vài mẫu hợp quy nhưng sản xuất đại trà những mẫu chưa công bố hợp quy và vẫn dán cả tem CR...

Ông NGUYỄN VĂN BÁCH, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm