Đối phó dịch ebola: WHO cho dùng thuốc mới thử nghiệm

Ngày 11-8 (giờ địa phương), hội nghị các chuyên gia y đức với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhất trí cho sử dụng các phương pháp điều trị chưa chính thức công nhận trong điều trị bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola.

Lý do vì dịch Ebola vẫn hoành hành ở bốn nước Tây Phi (Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria) trong khi không có thuốc điều trị hay dự phòng. WHO phải chấp thuận giải pháp trên dù chưa rõ phản ứng phụ, phác đồ điều trị và liều điều trị dự phòng.

Trước đó, hãng dược phẩm Mapp Bio (Mỹ) thông báo đã gửi toàn bộ huyết thanh ZMapp kháng virus Ebola sang Tây Phi. Hãng cho biết thuốc được cấp miễn phí. Hãng không tiết lộ gửi thuốc cho nước nào và số lượng bao nhiêu.

Cùng ngày, trang web văn phòng tổng thống Liberia cho biết thuốc ZMapp sẽ được chuyển từ Mỹ đến Liberia trong tuần này để điều trị cho các bác sĩ nhiễm Ebola.

Áp phích tuyên truyền phòng, chống dịch Ebola ở thủ đô Monrovia (Liberia). Ảnh: AP

Thỏa thuận đạt được sau khi Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf điện đàm với Tổng thống Obama hôm 8-8.

Thuốc Zmapp chưa qua thử nghiệm nơi con người, dù vậy đã được sử dụng để điều trị cho hai bác sĩ Mỹ và một linh mục Tây Ban Nha nhiễm virus Ebola ở Tây Phi được đưa về nước. linh mục Tây Ban Nha đã tử vong ngày 12-8.

Ở các nước Tây Phi có dịch Ebola, tình hình ngăn chặn dịch được tiến hành hết sức khẩn trương.

Tại Liberia ngày 11-8, Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf thông báo đã phong tỏa đối với tỉnh Lofa giáp biên giới Guinea và Sierra Leone. Đây là tỉnh thứ ba bị phong tỏa do dịch.

Tại Nigeria, báo Hindustan Times (Ấn Độ) ngày 12-8 đưa tin bốn bác sĩ Ấn Độ làm việc tại BV Primus ở thủ đô Abuja đã gọi điện báo tin họ bị ép buộc phải điều trị cho các bệnh nhân Ebola dù không muốn. Hộ chiếu của họ đã bị chủ bệnh viện thu giữ. Họ bị quản thúc không được rời bệnh viện.

Đài truyền hình Ấn Độ đã phát một đoạn băng video ghi hình ảnh bốn bác sĩ này xin chính phủ Ấn Độ giúp đỡ đưa họ về nước. Sau khi cơ quan ngoại giao Ấn Độ can thiệp, bốn bác sĩ kể trên được phép rời Nigeria.

Tại Sierra Leone, Đại sứ Trung Quốc tại Sierra Leone Triệu Yên Ba thông báo có bảy bác sĩ và hai y tá Trung Quốc đang bị cách ly. Những người này đã từng điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola.

Các nước chưa có dịch ở châu Phi cũng đã khẩn trương phòng dịch.

Bộ trưởng Quốc phòng Bờ Biển Ngà thông báo gần 100 người Liberia nhập cư lậu đã bị trục xuất vì Bờ Biển Ngà lo ngại họ phát tán virus Ebola. Ngày 14-8, Bộ Y tế sẽ tổ chức diễn tập tình huống có dịch Ebola ở miền Tây là địa bàn giáp giới Liberia và Guinea.

Trong khi đó, tạp chí y học New England Journal of Medicine (Mỹ) đã công bố công trình nghiên cứu của các nhà dịch tễ học người Anh xác định bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Ebola là một bé trai hai tuổi ở làng Guéckédou (Guinea) giáp biên giới Sierra Leone và Liberia. Bệnh nhi tử vong ngày 6-12-2013.

Báo The Independent (Anh) cho biết sau khi bệnh nhi nêu trên tử vong, người mẹ, chị bệnh nhân và bà ngoại đã tử vong. Kế tiếp, một nhân viên y tế trong làng cùng hai người đã dự đám tang bà ngoại bệnh nhi bị nhiễm bệnh.

Đến tháng 2 vừa qua, Ebola đã lan nhiễm ở ba thành phố Macenta, Nzérékoré và Kissidougou. Một tháng sau, dịch Ebola đã lan ra Sierra Leone và Liberia cách ổ dịch ban đầu không xa.

HOÀNG DUY - ĐĂNG KHOA

Philippines cấm các thủy thủ không được lên bờ khi tàu cập cảng các nước Tây Phi có dịch Ebola.

Bangladesh phát cảnh báo y tế kéo dài ba tháng đối với các sân bay và cảng biển.

Tại Romania, kết quả xét nghiệm của một nam giới 51 tuổi bị nghi nhiễm Ebola cho ra kết quả âm tính. Người này từ Nigeria về nước, bị sốt do sốt rét.

___________________________________

Từ nay về sau sẽ không ai được vào hay rời khỏi tỉnh Lofa. Chúng tôi muốn bảo vệ người dân khỏi bị nhiễm bệnh.

Tổng thống Liberia ELLEN JOHNSON SIRLEAF

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm