Ngày 10-12, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04b/2014 về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức và người lao động (CNVC-LĐ) trong tình hình mới của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (Khóa XI).
Áp dụng mô hình đào tạo ban đầu cho 100% lao động mới
Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP.HCM cho biết qua 10 năm triển khai thực hiện, hơn 85% cán bộ, đoàn viên công đoàn và CNVC-LĐ đã được phổ biến các quy định của Bộ luật Lao động (2012 và 2019), Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.
"Việc thương lượng và ký kết thỏa ước lao động ngày càng có chuyển biến tích cực, với chất lượng được cải thiện. Thành phố hiện có 11.978/16.663 doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 71,8%" - ông Tuấn nói.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Trương Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ ngành cơ khí, giao thông vận tải, cho biết: “Công ty chúng tôi đã áp dụng mô hình đào tạo ban đầu cho 100% người lao động mới gia nhập doanh nghiệp.
Người lao động sẽ được cung cấp kiến thức cơ bản thông qua bộ tài liệu đào tạo, gồm cơ chế thi đua khen thưởng, quy chế quản lý đối với cá nhân và tổ chức trong nước hoặc quốc tế đến làm việc, quy chế sáng kiến, cùng các quy định khác" - bà Huyền nói.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng có cách làm tương tự.
Gần 20% người lao động sa vào tín dụng đen
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức TP.HCM cho biết qua nắm bắt thông tin từ các công đoàn cơ sở, có gần 20% người lao động sa vào tín dụng đen, mượn tiền qua các app, dẫn đến không khả năng trả nợ, nghỉ việc để trốn nợ.
Trường hợp liên quan đến pháp lý đáng chú ý là một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với hơn 4.000 người lao động đã phải đối mặt với tình trạng bị nợ lương; không được đóng BHXH; không được tăng lương theo mức tối thiểu vùng trong thời gian dài.
“Điều này đã dẫn đến tranh chấp lao động nghiêm trọng, tập thể người lao động phải tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý. Công đoàn Viên chức TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật của công đoàn, các luật sư và BHXH TP.HCM và Tòa án Nhân dân TP Thủ Đức để giải quyết vụ việc và đòi lại quyền lợi chính đáng cho tập thể người lao động” - bà Liên cho hay.
Cũng theo bà Liên, quá trình giải quyết kéo dài trong sáu tháng với nhiều cuộc thương thảo và xét xử. Công đoàn phải đóng vai trò pháp nhân đại diện để tiến hành khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Cuối cùng, công ty này cũng chấp hành thanh toán đầy đủ các khoản nợ lương, truy đóng BHXH và điều chỉnh mức lương theo quy định pháp luật.
Cạnh đó, công đoàn thành phố cũng đã tham gia giải quyết thành công 3 vụ khiếu nại liên quan đến chế độ, tiền lương, bảo hiểm, cùng 1 vụ tranh chấp lao động tại doanh nghiệp đòi quyền lợi chính đáng cho 367 người lao động, với số tiền hơn 30 tỉ đồng.
“Việc đảm bảo thực thi pháp luật công bằng, minh bạch và kịp thời là yếu tố then chốt. Để đạt hiệu quả, chúng ta cần đẩy mạnh phát huy chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và kiên trì theo đuổi các vụ việc để đòi quyền lợi cho người lao động” - bà Liên nhấn mạnh.
Phát biểu kết thúc tại hội nghị, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho hay trong thời gian tới, công đoàn thành phố sẽ kiên trì thực hiện ba giải pháp trọng tâm. Trước hết là đổi mới phương thức tuyên truyền, tận dụng công nghệ số để lan tỏa thông tin pháp luật đến người lao động một cách nhanh gọn, dễ hiểu, dễ thực hành.
Thứ hai, công đoàn thành phố sẽ đẩy mạnh trách nhiệm xây dựng, cách làm hay về tuyên truyền pháp luật, như tổ chức các tiểu phẩm sinh động, trực quan.
Sau cùng là chú ý phổ biến các nội dung pháp luật trọng tâm bao gồm: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định liên quan khác.