Động đất ở Kon Plông chưa đến mức nghiêm trọng

(PLO)- Chưa ghi nhận thiệt hại sau trận động đất có độ lớn 4.7 độ richter, mạnh nhất từ trước đến nay tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-8, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp chỉ đạo ứng phó với động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum sau khi huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra trận động đất có độ lớn 4.7 độ richter, mạnh nhất từ trước đến nay tại khu vực này.

Chưa có thiệt hại

Ông Đặng Thành Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết tổng hợp đến sáng nay cơ bản không có thiệt hại về người và tài sản sau trận động đất chiều 23-8. Tuy nhiên nhân dân có tâm lý hoang mang, lo sợ.

Đại diện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum kiến nghị Viện Vật lý địa cầu phối hợp Công ty thuỷ điện Thượng Kon Tum có hướng dẫn tuyên truyền cụ thể hơn trong kỹ năng ứng phó với động đất, và khẩn trương xem xét lắp đặt trạm quan trắc động đất để cảnh báo tới người dân sớm hơn, giúp người dân ổn định tâm lý, tránh hoang mang.

Động đất ở Kon Plông đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: VNDMS

Động đất ở Kon Plông đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: VNDMS

Địa phương cũng đề nghị cơ quan phòng chống chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn quốc gia hỗ trợ tổ chức các buổi tập huấn, diễn tập tình huống cho lực lượng xung kích và nhân dân trên địa bàn để ứng phó động đất chủ động hơn. Có thông tin khuyến cáo, hướng dẫn người dân khi xây dựng nhà cửa như thế nào cho an toàn khi động đất xảy ra…

Nhận định về nguyên nhân xảy ra trận động đất này, các ý kiến tại cuộc họp đều thống nhất cho rằng đây là động đất kích thích do thuỷ điện tích trữ nước trên địa bàn.

“Trước đây các hồ thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu hay thuỷ điện Sông Tranh 2 cũng có các tình trạng tương tự như vậy. Sau trận động đất lớn thường có các dư chấn kèm theo” - ông Lê Văn Chính, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay.

Tuy nhiên đây mới là nhận định ban đầu, còn để khẳng định nguyên nhân động đất và phát sinh về xu thế hoạt động, cường độ trong tương lai thì cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất, kiến tạo.

Có một khó khăn là do các kết quả nghiên cứu trước đây về hoạt động kiến tạo động đất tại khu vực này chưa đủ chi tiết để đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm, đặc biệt là động đất kích thích chưa có nghiên cứu chi tiết.

Động đất ở Kon Plông vẫn chưa đến mức nghiêm trọng

Ông Phạm Thế Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, cũng cho biết ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, sau trận động đất lớn 4.5 độ richter hồi tháng 4-2022, Viện Vật lý địa cầu đã tiến hành lắp đặt ba trạm quan trắc động đất ở huyện Kon Plông và lân cận. Trước ngày 3-9 sẽ lắp thêm ba trạm nữa tại khu vực này.

Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp chỉ đạo ứng phó với động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ảnh: AH

Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp chỉ đạo ứng phó với động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ảnh: AH

Ngoài ra, ông Anh cũng kiến nghị cần tăng cường hệ thống quan trắc động đất không chỉ ở khu vực huyện Kon Plông mà còn ở các địa phương khác, đồng thời cần xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro động đất trên phạm vi toàn quốc để chủ động ứng phó, tuyên truyền.

Tiếp tục nêu ý kiến, ông Lê Văn Chính, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, qua khảo sát cho thấy các trận động đất từ tháng 3-2021 với độ lớn từ 1.6 đến 4.5 độ richter tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum gây chấn động lớn nhất theo thang động đất từ cấp 5-6. Với cấp độ này thì cũng chưa đến mức nghiêm trọng.

Ông Lê Minh Long, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng, cũng cho biết đã đi khảo sát trực tiếp và kết quả cho thấy với mức độ động đất như vậy, theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam, các công trình thuỷ điện, công trình dân dụng... vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Với công trình xây tạm như mái ngói, mái tôn đã thi công lâu rồi cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng không gây ảnh hưởng đến sinh mạng cho người dân.

"Bộ Xây dựng mong muốn UBND tỉnh tiếp tục tuyên truyền về mức độ động đất để tránh gây hoang mang không cần thiết cho người dân" - ông Long nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, trong thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Từ năm 1903 đến năm 2020 đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 3,9. Năm 2021 khu vực này đã xảy ra 114 trận. 8 tháng đầu năm 2022 có 146 trận. Trận động đất độ lớn 4,7 vào hồi 14h08’ ngày 23-8 đã gây rung chấn trong khu vực huyện Kon Plông và các địa phương lân cận (Quảng Nam, Đà Nẵng).

Theo nhận định sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, cường độ động đất trong khu vực có thể lên tới 5,5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm