Tính đến tối 7-2 (giờ Việt Nam), số người chết trong trận động đất mạnh kinh hoàng 7,8 độ Richter ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sáng 6-2 lên gần 5.300 người (gần 3.600 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 1.700 người ở Syria), cùng khoảng 25.000 người bị thương (hơn 21.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và gần 3.700 người ở Syria), theo đài CNN. Khả năng thương vong sẽ còn tăng. Theo tính toán của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), số người chết sẽ ở mức 10.000 người. Tổ chức Y tế Thế giới tính toán số người chết ở mức 20.000 người, 23 triệu người bị ảnh hưởng.
Thách thức vô cùng lớn, đặc biệt với Syria
Động đất đưa tới những thách thức vô cùng lớn với cả hai nước, đặc biệt nghiêm trọng với Syria. Nhân chứng mô tả các điều kiện “khủng khiếp” ở tây bắc Syria. Động đất làm nhà sập đè chết nhiều gia đình, người sống sót phải ngủ ngoài đường giữa thời tiết khắc nghiệt vào thời điểm trong năm khi nhiệt độ thường xuyên xuống dưới mức đóng băng với tuyết và mưa.
PV ảnh Khalil Ashawi làm việc tại tỉnh Aleppo ở tây bắc Syria cho biết trong 10 năm đưa tin về cuộc chiến ở Syria, anh chưa từng nhìn thấy cảnh tượng thảm khốc như những gì anh chứng kiến hôm 6-2.
TS Mostafa Edo, Giám đốc quốc gia của tổ chức phi chính phủ MedGlobal có trụ sở tại Mỹ, đã sống ở Idlib ba năm qua, cho biết nguồn lực y tế để điều trị cho người bị thương rất hạn chế. Nhiều bệnh viện trong khu vực đã bị mất điện, hơn nữa không được chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp như thế này.
CNN dẫn số liệu từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) rằng hơn 4 triệu người trong vùng xảy ra động đất, đa số là phụ nữ và trẻ em, lâu nay phải sống nhờ vào hỗ trợ nhân đạo. Trước động đất, các cộng đồng người Syria đang phải chiến đấu với đợt bùng phát dịch tả, theo ông El-Mostafa Benlamlih - điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Syria.
Các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn vẫn tiếp tục trong điều kiện thời tiết lạnh giá tại tỉnh Malatya (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 7-2. Ảnh: GETTY IMAGES |
Đặc phái viên của LHQ về Syria Geir O. Pedersen cho biết người dân Syria đang cần được hỗ trợ khẩn cấp “từ toàn cầu”, quốc tế nên tập trung cung cấp chỗ ở, nước sạch, thực phẩm và đồ tiếp tế.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, động đất quét sạch toàn bộ nhiều TP lớn - nơi có hàng triệu người Syria tị nạn khỏi cuộc nội chiến và xung đột ở Syria. Ngoài lượng lớn người chết, người sống sót cũng đang rất khó khăn vì Thổ Nhĩ Kỳ đang ở giữa mùa đông và tuyết nhiều. Chăn, giường, lều đã được gửi tới các khu vực bị ảnh hưởng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ “tâm lý - xã hội” cho người sống sót.
Chỉ có 72 tiếng để cứu người
Trao đổi với kênh CNA, GS Paul Martin Mai, chuyên gia về động đất tại khoa Khoa học và kỹ thuật Trái đất ĐH Khoa học và Công nghệ King Abdullah (Saudi Arabia), cho biết thời gian tìm kiếm người sống sót sau động đất thường kéo dài 72 giờ. Sau thời gian đó, “rất khó có thể tìm thấy bất kỳ người sống sót nào nữa”.
Nói với CNN, ông Benlamlih cho biết tình hình cứu hộ ở Syria thực sự khó khăn vì thiếu thiết bị và máy móc hạng nặng. Hơn nữa, ở nơi có thiết bị các nhân viên không mạnh tay sử dụng máy móc để cứu hộ do lo ngại còn có người sống dưới các đống đổ nát. Dù thế, các đội cứu hộ ở Aleppo, Hama… vẫn đang cố gắng đánh giá tình hình và nỗ lực hết sức.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả cơ quan chức năng nhà nước được huy động tham gia cứu hộ. Tuy nhiên, tối 6-2, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết thời tiết và quy mô của thảm họa khiến việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng rất khó khăn. Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi người dân “để đường rộng mở và thông thoáng” cho các đội tìm kiếm và cứu hộ điều động phương tiện.
Ít nhất 100 dư chấn cường độ 4,0 độ Richter trở lên, trong đó một dư chấn mạnh 7,5 độ Richter, đã xảy ra sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter, theo thống kê của USGS. Các dư chấn mạnh hơn 5,0-6,0 độ Richter vẫn có khả năng xảy ra và có nguy cơ gây thêm thiệt hại cho các công trình bị tổn hại do trận động đất ban đầu là mối đe dọa liên tục cho các đội cứu hộ và người sống sót. Chuyên gia dự đoán sẽ còn xảy ra nhiều dư chấn trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng tới.•
Quốc tế khẩn trương hỗ trợ
10 đơn vị của quân đội Nga với tổng số hơn 300 binh sĩ đang tham gia dọn dẹp đống đổ nát và hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở Syria. Nga là nước đang có sự hiện diện quân sự mạnh nhất ở Syria.
Sáng 7-2, các máy bay chở hàng cứu trợ từ Iraq và Iran đã đến sân bay quốc tế Danascus. Palestine gửi các đội cứu hộ và y tế đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Mỹ đã triển khai các đội cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tìm kiếm và cứu nạn, cam kết sẽ làm tất cả hỗ trợ các nạn nhân ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Liên minh châu Âu kích hoạt cơ chế ứng phó khủng hoảng chính trị tổng hợp (IPCR) để điều phối các biện pháp hỗ trợ của khối cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nhanh hơn.
Úc cam kết viện trợ 10 triệu USD, New Zealand thông báo viện trợ 1,5 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nhật đã gửi đội cứu hộ thảm họa đến Thổ Nhĩ Kỳ. Hàn Quốc cũng đề nghị được hỗ trợ.