Đồng Nai: 4 năm chưa có khu đất nào được đấu giá thành công

(PLO)- Giai đoạn 2021 đến nay, tỉnh Đồng Nai chưa có khu đất nào được đấu giá thành công, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu từ nguồn đấu giá đất để phục vụ các dự án trọng điểm. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-7, Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Lưu Văn Sửu đặt câu hỏi về đấu giá đất trên địa bàn tỉnh.

Chưa có khu đất nào được đấu giá thành công

Cụ thể, theo kế hoạch ngày 8-4 của UBND tỉnh Đồng Nai về đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh với 18 khu, thửa đất với tổng diện tích khoảng 470,74 ha, ước tính giá khởi điểm khoảng 5.098 tỉ đồng.

Tuy nhiên, qua rà soát đến nay chỉ có 1 khu đất tại thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) hoàn thành các thủ tục có liên quan, đã đăng thông báo đấu giá lần 2 với giá khởi điểm 8,8 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị đăng ký tham gia đấu giá.

Như vậy, từ năm 2021 đến nay, chưa có khu đất nào được đấu giá thành công, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu từ nguồn đấu giá đất để phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia, không đảm bảo tính khả thi của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đã đề ra.

Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cho biết các giải pháp trong thời gian tới để khai thác hiệu quả từ nguồn khai thác quỹ đất và các nguồn thu khác, đảm bảo nguồn vốn phục vụ cho các dự án công trình trọng điểm, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?.

đấu giá quyền sử dụng đất.JPG
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trả lời chất vấn của đại biểu về công tác đấu giá đất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VH.

Nhiều nguyên nhân

Trả lời về nội dung trên, ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đến nay gặp rất nhiều khó khăn, chưa đấu giá thành công các khu đất theo kế hoạch.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ có 3 khu đất dự kiến bán đấu giá, trong đó có khu đất ở thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) đã đăng thông tin lần 2 nhưng không có người tham gia. 2 khu đất (Khu đất Cụm công nghiệp Long Giao và khu đất 2,1 ha thị trấn Trảng Bom) do xác định giá khởi điểm chưa hoàn thành nên chưa đủ cơ sở tổ chức đấu giá.

Vì vậy, từ đầu năm đến nay, chưa tổ chức đấu giá thành công khu đất nào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giải thích nguyên nhân là do chính sách pháp luật về giá đất và định giá đất, phương pháp định giá đất trong thời gian qua thay đổi liên tục; chưa phân tích, đánh giá được hết các khó khăn, tồn tại thực tế của từng khu đất để xác định tính khả thi trong triển khai thực hiện.

"Thị trường bất động sản trong giai đoạn này vẫn còn trầm lắng, chưa có dấu hiệu hồi phục, ít nhà đầu tư quan tâm. Do đó, có những khu đất đã đủ điều kiện đấu giá, đăng thông tin nhiều lần nhưng không có người tham gia mua hồ sơ", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết thêm.

Chủ tọa kỳ họp - Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo nhận định, bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan của khó khăn trong đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch đề ra vẫn chưa được khắc phục. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tính chủ động trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và khả năng cân đối, bố trí vốn cho các dự án đầu tư công để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho rằng, từ năm 2021 đến nay chưa đấu giá được khu đất nào đã thấy được bức tranh về đấu giá quyền sử dụng đất rất khó khăn. Ngoài trách nhiệm của các Sở, ngành địa phương là chưa có dữ liệu, chưa đánh giá hết bối cảnh tình hình, dự báo chưa sát với tín hiệu của bất động sản để tham mưu UBND tỉnh.

"UBND tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; chấn chỉnh kịp thời công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương trong việc rà soát thực hiện các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đưa các khu đất ra đấu giá theo kế hoạch trong năm 2024", Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm