Đông Nam Á giữa cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung

(PLO)- Cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung vừa đem đến cơ hội, vừa là thách thức đối với các nước ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giữa bối cảnh cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung Quốc (TQ) trong nhiều năm qua, các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hưởng được lợi ích về đầu tư và hạ tầng, song cũng đối mặt thách thức.

ASEAN có nhiều lợi ích

Theo GS Ann Marie Murphy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại tại ĐH Seton Hall (Mỹ), khi Washington và Bắc Kinh nỗ lực tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, các nước Đông Nam Á nhờ vào đó được hưởng lợi không ít trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và vaccine ngừa COVID-19.

Để cạnh tranh với Sáng kiến ​​vành đai và con đường của TQ, Mỹ đã thành lập Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC), lần đầu tiên cho phép một cơ quan chính phủ thực hiện các khoản đầu tư cổ phần vào nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm năng lượng, y tế, công nghệ và đặc biệt là các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, cả hai nước đều thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực “ngoại giao vaccine” nhằm tăng cường ảnh hưởng của họ trong khu vực. Theo tờ Modern Policy, 2/3 tổng số vaccine do TQ tài trợ trên toàn cầu đã đến châu Á và năm trong số 10 nước nhận vaccine nhiều nhất chính là ở Đông Nam Á, chẳng hạn như Indonesia, Philippines, Myanmar… Bắc Kinh khi đó đã mô tả sự hợp tác giữa TQ và Đông Nam Á trong việc đối phó đại dịch là một “mô hình mẫu mực” và một “kiểu quan hệ quốc tế mới”.

Không kém cạnh, sau khi đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng trong nước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Washington sẽ trở thành “kho vaccine” của thế giới, theo hãng tin Reuters. Theo GS Murphy, ba trong số 10 quốc gia nhận vaccine COVID-19 Mỹ quyên tặng nhiều nhất là ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, Mỹ và TQ đều là các đối tác kinh tế quan trọng của các nước Đông Nam Á. Kể từ năm 2009, TQ là đối tác thương mại lớn nhất của 10 quốc gia thành viên ASEAN. Mỹ đứng thứ hai, song tổng lượng thương mại trị giá 364 tỉ USD của nước này chỉ xấp xỉ một nửa so với 669 tỉ USD của TQ đối với khu vực. Trong khi đó, Washington lại dẫn đầu về đầu tư trong khu vực, trong khi Bắc Kinh ở vị trí thứ tư. Theo báo cáo đầu tư ASEAN năm 2022, các khoản đầu tư của Mỹ vào khu vực trong năm 2022 là 40 tỉ USD, trong khi của TQ là gần 14 tỉ USD. Có thể thấy hai nước Mỹ, TQ đều tăng cường đầu tư cũng như quan hệ kinh tế với các nước ASEAN, điều này giúp ASEAN đón nhận được lượng đầu tư “khủng”, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.

Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Ảnh: ISTOCK

Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Ảnh: ISTOCK

Và cả thách thức

Việc các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào thương mại của hai “ông lớn” này cho thấy có cuộc cạnh tranh kinh tế Washington - Bắc Kinh sẽ tạo ra sự không chắc chắn cho thị trường, gây trở ngại cho các nước trong khu vực muốn có một môi trường kinh tế ổn định.

Căng thẳng địa chiến lược ngày càng gia tăng giữa TQ và các chính phủ phương Tây cũng cho thấy sự tập trung ngày càng tăng vào việc sử dụng tài chính, đặc biệt là cơ sở hạ tầng như một phương tiện để cạnh tranh ảnh hưởng.

Ông ROLAND RAJAH,

nhà kinh tế hàng đầu của Viện Lowy (Úc)

Năm 2018, tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã phát động cuộc chiến thương mại bằng cách áp thuế lên tới 25% đối với hàng hóa từ TQ, nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh thay đổi những gì mà Washington coi là các hoạt động thương mại không công bằng, bao gồm chuyển giao công nghệ bắt buộc, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... TQ sau đó trả đũa bằng loạt thuế quan mới, tạo ra sự không chắc chắn và gián đoạn cho các quốc gia Đông Nam Á trong hợp tác với các đối tác thương mại lớn nhất của khu vực.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các quốc gia Đông Nam Á là mặc dù họ bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung nhưng họ lại có rất ít “tiếng nói” đối với nó. Năm 2019, thủ tướng Malaysia khi đó là ông Mahathir Mohamad đã nói rằng các quốc gia ASEAN đang ở trong thế đứng giữa hai bên.

“Chúng tôi (các nước ASEAN) đang ở trong thế đứng giữa hai bên. Chúng ta có thể hy vọng điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều xấu nhất bằng cách hợp tác với các nước láng giềng ASEAN để giảm bớt tác động của sự va chạm giữa các siêu cường. Chúng ta phải tăng cường sự hợp tác của chính chúng ta” - ông nói, theo hãng tin Al Jazeera. Các nhà lãnh đạo khu vực đã cố gắng thuyết phục Washington và Bắc Kinh rằng việc ngừng chiến tranh thương mại, song đều không có kết quả.

Nhiều nhà phân tích đã hy vọng rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ giảm thiểu xung đột giữa Mỹ và TQ nhưng những hy vọng đó đã vơi đi phần nào khi hai nước dường như đang thực hiện các bước để giảm bớt quan hệ kinh tế song phương.

Theo GS Murphy, Mỹ đang thực hiện một cách tiếp cận kép để làm cho chuỗi cung ứng ít bị tổn thương hơn (đặc biệt là đối với các mặt hàng quan trọng như thiết bị bảo hộ cá nhân và vi mạch), đó là vừa chuyển các ngành công nghiệp then chốt trở lại hoạt động trong nước, vừa chuyển các ngành khác về các nước thân thiện với Washington để giảm thiểu rủi ro địa chiến lược. Trong khi đó, TQ cũng đã áp dụng một chiến lược kép để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây. Đầu tiên, Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược thúc đẩy tăng cường sản xuất nội địa và tìm cách tăng nhu cầu trong nước. Thứ hai, TQ đặt mục tiêu đa dạng hóa thương mại, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và châu Âu để giảm bớt khả năng bị tổn thương trước các áp lực chính trị từ phương Tây.

Trước tình hình trên, theo GS Murphy, các quốc gia Đông Nam Á rất có thể sẽ chịu áp lực. Trong báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) thực hiện mới đây, “nỗi lo sợ về sự chia rẽ Mỹ - Trung” nằm ở vị trí thứ năm trong số tám mối đe dọa hàng đầu mà khu vực phải đối mặt. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gần đây cũng bày tỏ lo ngại về sự “bế tắc trong các con đường phát triển và hợp tác trong khu vực, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia và có thể gây ra những xung đột mà tất cả chúng ta đều có thể tránh được”.•

Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm TQ vào ngày 18-6 để tham gia các cuộc đàm phán bị trì hoãn từ lâu nhằm ổn định các mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay.

Tờ Politico tuần trước cũng dẫn lời hai nguồn thạo tin rằng chuyến đi có thể diễn ra ngay trong tuần này. Cả Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao TQ đều chưa xác nhận chuyến đi.

Trước đó, hồi tháng 2, ông Blinken đã hủy chuyến thăm Bắc Kinh sau khi Washington phát hiện một khinh khí cầu do thám của TQ bay qua lãnh thổ Mỹ. Bắc Kinh sau đó cho biết đó chỉ là khinh khí cầu dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm