Quan hệ Mỹ-Trung còn bất định dù hai bên muốn giảm căng thẳng

(PLO)- Bất chấp những tương tác gần đây giữa hai nước, các chuyên gia nhận định quan hệ Mỹ - Trung vẫn rất khó để tan băng do còn căng thẳng trong nhiều vấn đề.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liệu quan hệ Mỹ và Trung Quốc (TQ) có trở nên ổn định hơn trong thời gian tới sau hàng loạt cuộc gặp cấp cao giữa quan chức hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken?

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (trái) bắt tay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Đối thoại Shangri-La 2023. Ảnh: WEIBO

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (trái) bắt tay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Đối thoại Shangri-La 2023. Ảnh: WEIBO

Mỹ - Trung tìm kiếm đối thoại

Trong tháng này, Ngoại trưởng Blinken có kế hoạch đến TQ nhằm mục đích cải thiện quan hệ ngoại giao vốn đang có chiều hướng xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh, theo hãng tin AFP.

Vào ngày 4-6, ông Daniel Kritenbrink - Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - cùng Giám đốc cấp cao về các vấn đề TQ và Đài Loan tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Sarah Beran đã có chuyến công du tới Bắc Kinh. Trước đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cũng đã bí mật tới TQ.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở TP Hiroshima (Nhật) vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kỳ vọng mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung sẽ "tan băng" trong "thời gian sớm nhất".

Trong khi đó, về phía Bắc Kinh, nhậm chức Đại sứ TQ tại Mỹ trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức thấp nhất trong năm thập niên qua, nhà ngoại giao kỳ cựu Tạ Phong đã xác định nhiệm vụ của mình là thiết lập lại sự hợp tác và trao đổi giữa hai nước.

Chỉ trong vòng hai tuần sau khi đến Mỹ đảm nhận chức vụ mới, ông Tạ đã gặp hàng loạt quan chức và cựu quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Victoria Nuland, Thứ trưởng Bộ Tài chính Jay Shambaugh và cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger.

Quan hệ Mỹ - Trung khó cải thiện

Bất chấp dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung đang bước đầu kết nối lại với những cuộc trao đổi cấp cao, nhiều chuyên gia nhận định vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc quản lý mối quan hệ Mỹ - Trung thông qua sự can dự thường xuyên. Bởi lẽ, hai cường quốc không những đang mắc kẹt trong những thách thức cũ như vấn đề eo biển Đài Loan, Biển Đông, mà còn căng thẳng ở những lĩnh vực mới như công nghệ.

Ảnh từ video hải quân Mỹ công bố và mô tả là “sự tương tác không an toàn” của tàu Trung Quốc với tàu Mỹ ở eo biển Đài Loan. Ảnh: US NAVY/AFP/GETTY IMAGES

Ảnh từ video hải quân Mỹ công bố và mô tả là “sự tương tác không an toàn” của tàu Trung Quốc với tàu Mỹ ở eo biển Đài Loan. Ảnh: US NAVY/AFP/GETTY IMAGES

TQ luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thu hồi hòn đảo. Vấn đề Đài Loan cũng là nguồn cơn cho những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt là sau chuyến thăm hòn đảo hồi tháng 8 năm ngoái của bà Nancy Pelosi khi ấy là Chủ tịch Hạ viện Mỹ, và gần đây là cuộc gặp giữa Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ở California vào tháng 4.

Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ các tương tác trên giữa Washington và Đài Bắc qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự, bao gồm các cuộc tập trận quy mô quanh đảo Đài Loan.

TQ cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đang gửi đi các "tín hiệu sai lầm” đến Đài Loan, bao gồm ký kết một thỏa thuận thương mại với Đài Bắc cũng như tăng cường ủng hộ hòn đảo tham gia các tổ chức quốc tế. Washington cũng khiến Bắc Kinh nổi giận khi thông qua các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan.

Trong khi đó Mỹ lại chỉ trích TQ về những hành vi gây hấn, cưỡng ép của nước này tại eo biển Đài Loan.

Ông David Shullman - Giám đốc cấp cao Trung tâm TQ toàn cầu tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết ông “rất bi quan” về triển vọng cải thiện quan hệ lâu dài vì Mỹ đang áp dụng một lập trường cứng rắn hơn trong khi TQ phản đối điều này. Theo ông Shullman, có sự đồng thuận của lưỡng đảng ở Washington trong cách tiếp cận cạnh tranh hơn với Bắc Kinh, bao gồm ủng hộ tăng cường năng lực phòng thủ của Đài Loan.

Theo chuyên gia này, TQ luôn hoài nghi về ý định của Mỹ và phản đối bất cứ sự dịch chuyển nào trong chính sách Đài Loan của nước này. Bắc Kinh coi việc nối lại các kênh liên lạc giữa hai bên là điều kiện tiên quyết để Washington quay trở lại các chính sách trong quá khứ.

Giáo sư quan hệ quốc tế Đại Vỹ của Đại học Thanh Hoa (TQ) kỳ vọng hai bên sẽ quản lý vấn đề Đài Loan một cách thận trọng nhất là khi cả hai nỗ lực ổn định mối quan hệ song phương.

“Đã có thời điểm hai bên ở trong trạng thái nguy hiểm hơn nhiều so với thời điểm bây giờ nhưng họ đã quản lý một cách hợp lý. Nguy hiểm sẽ không còn hiểm nguy nếu như mọi người đều cẩn trọng” - ông Đại cho hay.

Ông Đại cho biết rủi ro lớn nhất đối với mối quan hệ Mỹ - Trung có thể là một “tai nạn nghiêm trọng” khác, như vụ khinh khí cầu do thám của TQ vừa rồi. Một sự kiện trước đó khó mà tưởng tượng được nhưng lại gây hậu quả vô cùng tàn khốc. Các sự cố chạm trán ở eo biển Đài Loan và Biển Đông gần đây cũng góp phần khiến quan hệ hai bên xấu đi hơn nữa.

Trung Quốc phản đối sự hiện diện ở Mỹ ở Biển Đông. Ảnh: US NAVY

Trung Quốc phản đối sự hiện diện ở Mỹ ở Biển Đông. Ảnh: US NAVY

Ngoài ra, Biển Đông cũng có thể là điểm nóng khiến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hành vi gây hấn trong khu vực và Washington gia tăng các hoạt động “tự do hàng hải” ở vùng biển này.

TQ luôn phản đối Mỹ hiện diện ở khu vực và nhấn mạnh Washington không phải là một bên “tranh chấp ở Biển Đông”. Trong khi đó, Mỹ chỉ trích TQ xâm phạm “quyền tự do hàng hải của nước này".

Ông Châu Phong - trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nam Kinh, cho biết vấn đề Biển Đông đã trở nên khá “mong manh”, do đó đây là một lĩnh vực quan trọng mà TQ và Mỹ cần duy trì liên lạc và đối thoại.

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của TQ đã thách thức thế thống lĩnh của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm trí tuệ nhân tạo, 5G, khoa học thông tin lượng tử và chất bán dẫn. Ông Dennis Wilder, thành viên cao cấp của Sáng kiến đối thoại Mỹ - Trung về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho biết công nghệ là “chiến trường” của thế kỷ 21 vì những tác động sâu sắc của các công nghệ mới nổi đối với mọi lĩnh vực.

Chính quyền ko Biden đã theo đuổi chiến lược công nghiệp nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, xe điện và chất bán dẫn. Điều này bao gồm các hạn chế của Mỹ đối với việc xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang TQ.

Washington cũng đã đưa hơn 1.000 công ty và thực thể TQ vào danh sách đen thương mại. Hơn nữa, Mỹ cùng với các đồng minh phương Tây cũng đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa để không phụ thuộc vào TQ nhưng không tách rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

TQ xem những biện pháp trên là “ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện” nước này. Để trả đũa, Bắc Kinh hồi tháng trước đã cấm các công ty nước mình mua chip bộ nhớ từ nhà sản xuất Micron Technology của Mỹ. Động thái này càng làm tăng thêm các dấu hiệu về một cuộc chiến công nghệ dài hơi giữa hai nước.

Cạnh tranh công nghệ đang nổi lên thành lĩnh vực cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: ASIA NIKKEI

Cạnh tranh công nghệ đang nổi lên thành lĩnh vực cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: ASIA NIKKEI

Chuyên gia hiến kế

Nhà nghiên cứu Lily McElwee tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) mong đợi Mỹ sẽ nhấn mạnh lại việc cải thiện quan hệ kinh tế với TQ trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn cũng như hợp tác để giải quyết những thách thức chung.

Chuyên gia Shullman trong hoàn cảnh hiện tại, điều tốt nhất mà mọi người có thể hy vọng là một mối quan hệ “bình thường mới”, nơi các kênh liên lạc quan trọng có thể được khôi phục. Điều này sẽ giúp hai nước “kiểm soát căng thẳng không thể tránh khỏi khi nó tái diễn về các vấn đề chẳng hạn như Đài Loan, cạnh tranh công nghệ, nhân quyền, sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tiềm tàng”.

Trong khi đó, ông Châu Phong cho biết những tương tác gần đây giữa Bắc Kinh và Washington cho thấy cần phải “tái cấu hình” mối quan hệ song phương, trong đó lập trường của phía TQ là đối thoại phải có qua có lại.

“Mỹ chỉ thảo luận những vấn đề mà họ quan tâm trong khi phớt lờ những vấn đề mà TQ quan ngại” - ông cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm