Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vừa qua tại Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha lại khuấy động Đông Nam Á chạy đua đăng cai World Cup 2034.
Từ nay đến World Cup 2034 còn 15 năm nữa nhưng FIFA chỉ công bố chủ nhà World Cup 2034 ngay sau World Cup 2026, chứ không phải ngay bây giờ hoặc vài năm nữa. Nghĩa là vẫn tuân thủ theo sự cân nhắc của các ứng viên chạy đua, tình hình tiềm lực kinh tế, trình độ bóng đá, môi trường, xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông.
FIFA luôn cân nhắc và khảo sát rất kỹ quốc gia hoặc nhóm quốc gia đăng cai để tránh tình trạng sau World Cup, một quốc gia hay một nhóm quốc gia rơi vào nợ nần đầm đìa, khủng hoảng kinh tế, biến động xã hội vì đăng cai World Cup.
Sân Mỹ Đình từng tổ chức giải châu Á nhưng để là một vệ tinh tổ chức World Cup thì phải nâng cấp nhiều hạng mục. Ảnh: CTV
Thực trạng hiện nay Đông Nam Á chỉ có ít nước có điều kiện tốt để tiếp tục đại tu sân bãi và hoàn thành những hạng mục cần thiết khác. Chẳng hạn như Malaysia có hai sân bóng hoành tráng Shah Alam và Bukit Jalil ngay thủ đô Kuala Lumpur; Singapore chỉ có mỗi sân quốc gia, không có sân thứ hai đủ chuẩn đá vòng chung kết World Cup; Indonesia có điều kiện tốt vì ngoài sân Bung Karno còn có những sân mới rất tốt. Tương tự, Thái Lan có sân Rajamanga và một số sân khác ở Chiang Mai, Nakhon Ratchasima nâng cấp lại. Ngoài các sân thi đấu đạt chuẩn cao khắt khe của FIFA thì hệ thống sân tập cũng phải đủ chuẩn.
Myanmar có bốn sân ở Yangon, Nay Pyi Taw, Mandalar nhưng có lẽ cũng phải nâng cấp quyết liệt nữa mới đủ. Lào có sân quốc gia nhưng xuống cấp, Campuchia sau SEA Games 32 năm 2023 có một sân mới trong khu liên hợp. Riêng Việt Nam chỉ có mỗi sân Mỹ Đình là tương đối vì tối thiểu có 40.000 chỗ ngồi, nhưng nếu tổ chức trận đấu vòng chung kết World Cup thì phải hiện đại hóa rất nhiều hạng mục khác mới có thể đáp ứng yêu cầu của FIFA. Ngoài ra, còn phải có hệ thống sân tập của ít nhất một bảng đấu, tức bốn đội.
World Cup 2034 có 48 đội, tức 12 bảng đấu, trong khi nhiều nước Đông Nam Á chưa thể đáp ứng được như thực trạng nói trên. Nền kinh tế các nước Đông Nam Á thiếu đồng bộ và không phải là khu vực giàu có. Nền bóng đá của Đông Nam Á cũng không mạnh để có thể tổ chức một vòng chung kết World Cup với 48 đội để làm cú hích phát triển kinh tế.
Thế nên, hy vọng Đông Nam Á có những thay đổi cần thiết và vượt bậc để “vừa lòng FIFA” khi tổ chức này khảo sát và thông qua nhiều bộ phận trước khi quyết định.