Sáng 11-9, tại TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu.
Tách riêng giải phóng mặt bằng: Dự án được triển khai nhanh
Một trong những nội dung được rất nhiều địa phương quan tâm và góp ý tán thành quan điểm xây dựng quy định trong dự thảo đó là cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đánh giá cao tư duy cách đổi mới, ưu tiên sự thông thoáng trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Việc cho phép tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là rất hợp lý, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong việc triển khai dự án. Nên ưu tiên cho các dự án nhóm A, B, nhóm C quy mô nhỏ có thể xem xét tách hoặc không tách tuỳ tình hình thực tế.
Tương tự ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cũng đánh giá những quy định mới trong dự thảo Luật đã tháo gỡ được nhiều nút thắt trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương trong thời gian qua. Ông cho biết việc tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập là rất phù hợp, tiến độ các dự án đầu tư công nhanh hay chậm là ở khâu giải phóng mặt bằng. Chúng ta cần làm riêng để đẩy nhanh thực hiện dự án.
Đa số đại diện các địa phương đều nhất trí cao về việc tách bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Cạnh đó, nhiều đại biểu cũng băn khoăn nhiều vấn đề để cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết việc tách giải phóng mặt bằng khỏi các dự án để đảm bảo tiến độ các dự án được triển khai nhanh. Song việc tách này lại gắn với việc điều chỉnh Điều 8, 9 Luật Đầu tư công về tăng tổng mức đầu tư.
Theo đó, dự thảo Luật đề xuất tăng tổng mức đầu tư là đúng, rất cần thiết cho các địa phương trong điều kiện hiện nay. Việc tách dự án bồi thường theo nhóm đầu tư A, B, C cũng phải có quy định rõ trong nội dung luật sửa đổi. Hiện tổng mức đầu tư dự án là tính cả giải phóng mặt bằng, nay tách ra rồi thì tổng mức đầu tư tính toán ra sao?
Cạnh đó, về vấn đề bồi thường, có nhiều trường hợp dự án có chi phí xây lắp/thiết bị thấp nhưng chi phí giải phóng mặt bằng rất cao cho nên cần quy định rõ dự án bồi thường ở mức độ nào thì được tách ra hay là dự án nào cũng được tách riêng để các địa phương chủ động thực hiện thủ tục đầu tư của địa phương.
Cần rà soát các Luật liên quan để triển khai đồng bộ
Đại diện TP.HCM chia sẻ tại hội thảo cho biết việc tách bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng phù hợp với những dự án có tính chất cố định như (trụ sở cơ quan, tổ chức, cảng hàng không, bến xe...). Nhưng đối với những dự án trọng điểm như các tuyến giao thông dài, đi qua nhiều địa phương khác nhau, chưa tính toán được diện tích đất cần giải toả, đền bù thì lại gây khó khăn cho công tác lập dự án.
Trao đổi lại với các đại biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Bộ KH&ĐT đã từng tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội về quy định này nhưng Quốc hội khi đó băn khoăn rằng nếu tách bồi thường ra mà sau này việc bồi thường không gắn với các dự án thì sẽ có hệ lụy rất lớn, trách nhiệm thuộc về ai
"Chúng ta thấy đó là bất cập, nhưng không phải vì thế mà không đề xuất. Lần này chúng tôi đề xuất với Quốc hội tách dự án bồi thường nhưng kèm theo các điều kiện để đảm bảo công tác quản lý nhà nước" - Thứ trưởng nói.
Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, chia sẻ với Bộ KH&ĐT về thời gian cấp bách để xây dựng Luật nhưng phải đảm bảo chất lượng khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Ông Anh cho biết, những vướng mắc trong giải ngân chậm vốn ODA hay giải ngân chậm vốn trong nước tại các địa phương chúng ta đã nhìn thấy. Trong mỗi giai đoạn của một dự án đều liên quan đến nhiều luật khác nhau. Do đó, mong bộ phận thường trực của Bộ và các địa phương khi xây dựng dự thảo cần rà soát lại xem đang vướng mắc, chồng chéo với những luật nào để giải quyết, điều chỉnh đồng bộ.
Ông Anh cũng lưu ý khi xây dựng quy định về tách riêng bồi thường giải phóng mặt bằng cần xem xét, đánh giá và có các giải pháp kỹ thuật, chính sách để phòng ngừa những hệ luỵ không mong muốn.
Dẫn chứng về những vướng mắc trong những luật có liên quan, một số đại biểu cho biết nếu quy định như vậy thì đang có vướng mắc với Luật Ngân sách Nhà nước vì trong các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương theo quy định hiện nay không được chi cho đầu tư phát triển các dự án của các bộ ngành, TW. Do đó, đối với những án đầu tư công ở cấp bộ, ngành TW liên quan đến nhiều địa phương và giao cho địa phương giải phóng mặt bằng thì cần điều chỉnh trong Luật Ngân sách Nhà nước cho phù hợp.
Ngoài ra, dự thảo Luật Đầu tư công có nhiều điểm mới khác như phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỉ đồng, dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Hay như nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỉ đồng trở lên, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C tăng lên hai lần. Theo quy định hiện nay, dự án quan trọng quốc gia có quy mô vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng trở lên; Dự án nhóm A có 04 mức: Từ 800 tỉ đồng; Từ 1.000 tỉ đồng; Từ 1.500 tỉ đồng; Từ 2.300 tỉ đồng...
5 nhóm chính sách sửa đổi lớn
Qua gần năm năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần được nghiên cứu để thể chế hóa tại Luật.
Do đó, dự thảo Luật Đầu tư công lần này sẽ có năm nhóm chính sách sửa đổi chính: Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài...
Bà NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT