Với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng mỗi tháng từ nay đến cuối năm, không chỉ cấp TP.HCM mà các quận, huyện, các ban đều chạy đua với thời gian. Đôi khi chỉ cần kế hoạch ban đầu bị lệch đi vài tuần thì từ lãnh đạo đến nhân viên đều mất ăn mất ngủ để tìm cách giải quyết.
Một ban phải giải ngân hơn 1.600 tỉ đồng/tháng
“Đầu bài vẫn là từ nay đến cuối năm đáp ứng giải ngân 95%, tính ra mỗi tháng chúng tôi phải giải ngân hơn cả ngàn tỉ đồng (sáu tháng giải ngân 10.000 tỉ đồng), ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết.
Đây thật sự là một thách thức lớn. Để hoàn thành được mục tiêu đó, Ban giao thông phải liệt kê ra 100 đầu việc liên quan đến 10 quận, huyện và tám sở. Mỗi đầu việc đều phải có mốc hoàn thành, ví dụ tại sở này phải xong đầu việc này trước ngày bao nhiêu, tại ban ngành kia phải hoàn thành công việc nọ trong thời hạn mấy ngày… Nếu không sát sao như vậy thì toàn bộ tiến độ sẽ bị ảnh hưởng.
“Tôi ví dụ như khi làm nút giao An Phú (TP Thủ Đức), ban đầu có kế hoạch đóng nút giao để thi công nhưng Sở GTVT đánh giá như vậy là rất căng thẳng cho giao thông khu vực nên chúng tôi phải vừa tổ chức thi công vừa điều tiết giao thông. Việc này khiến tiến độ thi công giãn ra và tiến độ giải ngân chậm lại. Mỗi dự án như vậy đều có những câu chuyện khó khăn riêng” - ông Phúc chia sẻ.
Hay câu chuyện vướng mặt bằng, đường Lương Định Của có một hộ dân dù vận động mọi cách vẫn chưa đồng ý phương án bồi thường, giải tỏa. Thời gian tới, nếu không thể thuyết phục người dân thì buộc phải tiến hành cưỡng chế bởi vướng mặt bằng dù chỉ một hộ thì quy trình xử lý nền đất yếu cả con đường sẽ bị chậm theo.
Ngoài ra, trên tuyến Lương Định Của gần nút giao An Phú có một dự án 88 ha thuộc một đơn vị đang tiến hành. Tuy nhiên, phần giải phóng mặt bằng họ lại chưa làm và TP buộc phải chỉ đạo cắt phần bồi thường liên quan dự án 88 ha này ghép vào dự án An Phú, dùng ngân sách TP chi trả rồi mới xử lý với đơn vị kia sau.
Ngoài thách thức về tiến độ giải phóng mặt bằng thì sự phối hợp giữa các bên liên quan vẫn là điểm yếu lâu nay. Ví dụ một kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải lấy ý kiến của 10 đơn vị thì phải theo sát cả 10 để tổng hợp ý kiến, báo cáo, tháo gỡ… rồi mới thực hiện.
“Đầu bài vẫn là từ nay đến cuối năm đáp ứng giải ngân 95%, tính ra mỗi tháng chúng tôi phải giải ngân hơn cả ngàn tỉ đồng.”
Tập trung toàn lực “chạy” tiến độ
Cùng với nỗ lực của TP.HCM, tình hình tại các địa phương cũng khẩn trương không kém. “Đến nay, quận 12 đã giải ngân được 45% vốn đầu tư công. Nguồn vốn giải ngân là rất lớn, vô cùng áp lực đối với địa phương” - ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM, thừa nhận.
Tuy nhiên, ông Chánh khẳng định sẽ tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục giải ngân khoảng 1.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm. Quận 12 đặt mục tiêu đến cuối năm phải đạt trên 95% giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.
“Hiện quận 12 đã khởi công đường Thạnh Xuân 25, nạo vét bốn kênh rạch. Chúng tôi tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án để tăng tốc trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới” - ông Chánh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, nói về cách giải ngân vốn đầu tư công của quận: “Đầu tư công là một quy trình trải qua nhiều khâu và từng khâu đều phải kỹ lưỡng, đầy đủ. Từ đầu nhiệm kỳ khi HĐND TP ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn thì chúng tôi ngay lập tức lên kế hoạch cụ thể cho từng năm 2021 làm gì, như thế nào…”.
Theo ông Nhựt, tùy theo tính chất pháp lý của từng dự án mà chia nhóm, sau đó phối hợp với các sở, ngành và lựa chọn dự án cho phù hợp để tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân, thực hiện.
“Khi có kế hoạch từ các dự án, quận bắt đầu triển khai thực hiện. Trước đây giải ngân theo cuối năm thì nay TP giao chỉ tiêu giải ngân theo quý nên công việc có phần khó khăn hơn” - ông Nhựt chia sẻ.
Quận Bình Tân chia ba nhóm là các dự án chuyển tiếp, các công trình khởi công mới và các dự án chuẩn bị đầu tư. Dự án chuyển tiếp thì đẩy nhanh tiến độ xây lắp, giải ngân nhanh trong quý I-2024. Công trình chuẩn bị đầu tư thì tập trung làm các thủ tục cho hoàn thiện. Trọng tâm là các dự án khởi công mới vì có nhiều bước từ bồi thường, thẩm định, phê duyệt, khảo sát, duyệt phương án, chính sách…
“Trước đây thường là tập trung xây dựng dự án trước, sau đó mới khảo sát, điều tra, giải phóng mặt bằng. Quận Bình Tân tiến hành song song và đặt thời hạn trong sáu tháng phải xong phê duyệt đơn giá, lập hồ sơ giải phóng mặt bằng… Bước này phân công cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị. Khi có khó khăn thì báo cáo ngay và cho thời hạn để giải quyết” - ông Nhựt nói.
Với cách làm chủ động của mình, trong sáu tháng đầu năm, quận Bình Tân đạt tỉ lệ giải ngân lên đến 70%, hơn gấp đôi so với tỉ lệ TP giao đến quý II-2024 là 30%.
Với rất nhiều khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công nhưng có thể thấy một thuận lợi là chưa bao giờ TP có sự quan tâm sát sao, chỉ đạo chặt chẽ như hiện nay. TP đã lập ban chỉ đạo, tổ công tác, chỗ các chủ đầu tư thì mỗi ngày đều phải cập nhật tiến độ. Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi kiểm tra các đầu việc hằng ngày, thậm chí TP lập các group và lãnh đạo chỉ đạo tháo gỡ ngay nếu có báo cáo khó khăn.
Ông LƯƠNG MINH PHÚC, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM
Tăng cường kỷ luật, quyết liệt gỡ vướng
Trong khi đó tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Chinh đã yêu cầu Sở KH&ĐT cùng các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư khẩn trương phân bổ vốn trong năm 2024. Các dự án phải được phê duyệt nhanh chóng vì nhà thầu đang nằm chờ để được phê duyệt dự án.
Đối với các dự án bắt buộc phải hoàn thành trong năm 2024 thì dứt khoát phải hoàn thành, không được chuyển sang năm 2025. Đồng thời khẩn trương hoàn thành các thủ tục thẩm định dự án, tổ chức khởi công. UBND TP Đà Nẵng đã giao quyền cho quận/huyện tự quyết định mức hỗ trợ đối với các hộ dân bị giải tỏa, tự chịu trách nhiệm trước UBND TP về tính đúng đắn, phù hợp quy định pháp luật.
Mới đây nhất, UBND TP Đà Nẵng đã thành lập Tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải tỏa các dự án trên địa bàn TP. Tổ công tác gồm 32 người do ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, làm tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp với các UBND quận/huyện và Hội đồng Bồi thường thiệt hại các dự án rà soát các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải tỏa để thống nhất hướng xử lý, tham mưu UBND TP chỉ đạo tháo gỡ.
Tại TP Cần Thơ thì UBND TP Cần Thơ yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện nghiêm nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo các nghị quyết, văn bản của Trung ương.
Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ thị của chủ tịch UBND TP, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân làm chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ngay điều chuyển cán bộ, công chức khi cần thiết.
Cùng với đó tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư để giải quyết nhanh các thủ tục dự án; quan tâm thực hiện tốt công tác lựa chọn nhà thầu; không đùn đẩy công việc, tập trung thực hiện, giải quyết hồ sơ, cũng như phối hợp giải quyết các kiến nghị của chủ đầu tư…•
Thay thế cán bộ không đạt yêu cầu
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, một trong những yếu tố thành công trong công tác giải ngân vốn đầu tư công là trách nhiệm của cán bộ, người thực thi nhiệm vụ là phải đặt lương tâm, trách nhiệm của mình vào công việc.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công tốn nhiều thời gian và áp lực, nếu cán bộ không tập trung, ngại khó mà đùn đẩy trách nhiệm sẽ khiến dự án kéo dài. Nếu cán bộ nào không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì phải thay thế người khác. Quận Bình Tân trong thời gian qua thực hiện công tác cán bộ này rất tốt với những cán bộ có tâm, có tầm với công việc. Trong đó, quận cũng đã thay thế một cán bộ đứng đầu trong đơn vị thực hiện không tốt công việc.