Nghị quyết 110/2023 của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31-12-2024. Như vậy, còn 5 tháng cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương "chạy đua" để tiêu được toàn bộ số tiền trong chương trình.
Nhiều dự án khó đẩy nhanh tiến độ do thiếu mặt bằng, cát
Theo Bộ KH&ĐT, hiện cả nước có 257 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có nhiều dự án giao thông trọng điểm được bổ sung số tiền lớn từ chương trình.
Đơn cử như dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025), dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng…
Ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT, cho biết dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 hiện giải ngân 16.765/30.507 tỉ đồng, đạt 55% kế hoạch, đáp ứng với tiến độ yêu cầu.
Tuy nhiên, ông Thìn thừa nhận khối lượng giải ngân dự án cao tốc Bắc - Nam tương đối cao nhưng chủ yếu tập trung vào các công trình cầu và hầm, còn nền đường thi công còn hạn chế. Mùa mưa sắp đến nên đơn vị đã yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công nền đường để kịp hoàn thành dự án.
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ các cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đưa ra yêu cầu “cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải giải ngân 100% vốn được giao”.
Ông Thắng nêu rõ các Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm chính trong việc hoàn thành đồng bộ dự án. Nếu có vướng mắc, các ban phải báo cáo để lãnh đạo bộ có hướng tháo gỡ.
“Các Ban Quản lý dự án phải đảm bảo giải ngân tối đa gắn với khối lượng thi công. Nghĩa là phải làm tốt công tác nội nghiệp. Trên cơ sở vốn được giao thêm sẽ nghiên cứu bổ sung cho các Ban Quản lý dự án để tăng trách nhiệm trong thi công, triển khai dự án…” - ông Thắng nhấn mạnh.
Trái ngược với dự án trên, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang chậm tiến độ, một số hạng mục sau một năm khởi công vẫn chưa thể thi công dù kế hoạch đến năm 2025 hoàn thành dự án.
Chẳng hạn, dự án thành phần 1 dài 16 km do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư có gói thầu mới thi công đạt 5-6%. Hai dự án thành phần còn lại do Bộ GTVT và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư có khối lượng thi công khá hơn nhưng nhìn chung không đáp ứng tiến độ.
Nguyên nhân do địa phương bàn giao mặt bằng quá chậm, đặc biệt mặt bằng qua địa phận tỉnh Đồng Nai mới bàn giao chưa đạt 30% diện tích cần thu hồi.
“Có đoạn người dân đồng ý bàn giao đất nhưng chỉ cho phát quang, chưa cho thi công. Vì vậy, tiến độ chung hoàn thành dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ bị ảnh hưởng lớn" - đại diện Ban Quản lý dự án 85 cho hay.
Tương tự, dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được khởi công từ tháng 6-2023 nhưng đến nay các nhà thầu chưa thể đẩy nhanh thi công cũng vì vướng mặt bằng.
Còn dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do bốn địa phương làm chủ đầu tư là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng vẫn đang triển khai chậm do thiếu cát. Chẳng hạn như dự án thành phần 4 do Sóc Trăng làm chủ đầu tư mới giải ngân được 96 tỉ đồng, đạt hơn 1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% so với kế hoạch.
Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ
Trước tiến độ một số dự án đang chậm, Thủ tướng vừa có chỉ thị các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, trong đó nhấn mạnh năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, Chính phủ phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch được giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm nay và phấn đầu đến hết năm 2025 cả nước hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc.
Để đạt được quyết tâm đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các chủ đầu tư đó là tập trung chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt trong triển khai dự án cần phải được tập trung tháo gỡ.
Đối với các dự án thiếu cát, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất… phục vụ các dự án đầu tư công đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Thêm vào đó, các địa phương phải xử nghiêm tình trạng tạo khan hiếm giả, liên kết giữa các chủ mỏ vật liệu để nâng giá, khai thác, cung cấp không đúng quy định làm ảnh hưởng đến việc thi công dự án.
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT cho biết vừa có công điện nhắc nhở các bộ, ngành và địa phương về công tác giải ngân vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, bộ này giao các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp chậm trễ, không giải ngân hết số vốn thuộc chương trình theo quy định.
Tháng 10-2023, Chính phủ đề xuất Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình đến hết năm 2025. Ước tính giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình đến ngày 31-8 chỉ đạt 33.840 tỉ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao (khoảng 175.217 tỉ đồng).
Chính phủ cho rằng nếu không cho phép kéo dài có thể dẫn đến việc các dự án thiếu vốn, không hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chủ trương đầu tư dự án. Cạnh đó, có thể dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, tạo sức ép bố trí vốn trong các năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.