Đến khuya 24-3, nhiều hộ dân ở chung cư 727 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5, TP.HCM tiếp tục sống trong bóng tối do Điện lực Chợ Lớn (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM) đã cắt dây, tháo đồng hồ điện cách đó vài ngày.
Chưa thỏa thuận đã cắt điện
Ngày 20-3, một số nhân viên của Điện lực Chợ Lớn đã đến chung cư 727 Trần Hưng Đạo cắt dây, tháo đồng hồ điện. Do cư dân phản ứng mạnh mẽ sự việc mới tạm ngừng. Nhưng lúc này đã có chín hộ dân bị gỡ đồng hồ điện.
Theo ông Lê Hữu Tài, Trưởng phòng Kinh doanh điện lực Chợ Lớn, lẽ ra điện lực thu hồi 17 đồng hồ điện nhưng do gặp phản ứng nên tạm ngưng. Việc cắt dây, thu hồi đồng hồ điện là theo đề nghị của Ban Bồi thường - giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận 5.
“Từ cuối năm 2013 ban đã đề nghị phối hợp nhưng chúng tôi yêu cầu cần trao đổi, thông báo với người dân trước cắt điện. Tới giữa tháng 2-2014, ban cung cấp danh sách rồi cùng đại diện chính quyền địa phương “tháp tùng” nhân viên điện lực đến thu hồi đồng hồ điện có trong danh sách” - ông Tài nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đình Thọ, Phó ban BTGPMB quận 5, cho biết: Chung cư 727 đang xuống cấp, hư hỏng nặng. Việc cắt điện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và cũng là để tránh thiệt hại đến tính mạng, tài sản cho những hộ dân. “Ngoài ra, chúng tôi chỉ chọn những hộ đang cho người khác thuê mướn để cắt điện nhằm trục xuất người thuê nhà. Chứ những hộ còn đang ở, vận động chưa xong mà cắt điện thì rất kẹt” - ông Thọ nói.
Chung cư 727 đang xuống cấp, hư hỏng nặng, hành lang tối tăm ngay cả ban ngày. Ảnh: HTD
Dân không vi phạm hợp đồng
Chung cư 727 Trần Hưng Đạo đã xuống cấp nghiêm trọng nên việc di dời là cần thiết. Vấn đề đáng bàn ở đây là liệu Ban BTGPMB quận 5 có được quyền “ra lệnh” cắt điện, cắt nước trong khi việc BTGPMB còn chưa ngã ngũ?
Theo quy định, nếu hộ dân chậm trả tiền điện trong vòng 15 ngày, ngành điện có thể cô lập điện (bằng các hình thức cắt dây ở đầu trụ, niêm phong hoặc tháo đồng hồ điện…) để thu hồi công nợ. Tuy nhiên, trong số các hộ dân bị tháo đồng hồ chỉ có một trường hợp nợ tiền điện hai tháng. Các hộ còn lại đã đóng tiền điện đầy đủ, tức không vi phạm hợp đồng đã ký với ngành điện.
Ông Võ Văn Di, người sử dụng căn hộ 1033, bức xúc: “Tôi chưa bàn giao nhà vì giá bồi thường quá thấp. Tôi không sống ở đây nhưng hằng ngày vẫn có người thân trông coi đồ đạc. Tôi không nợ tiền điện, trong khi ngành điện tự ý cắt dây, tháo đồng hồ mà không thông báo trước là thiếu tôn trọng khách hàng, vi phạm hợp đồng đã ký”.
Ông Lê Hữu Tài viện dẫn Quyết định 39/2005 của Bộ Công nghiệp (trong khi quyết định này đã được thay thế bằng Thông tư 30/2013 của Bộ Công thương - NV) cho rằng ngành điện được ngừng cấp điện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan để đảm bảo an toàn phục vụ thi công công trình. “Trong trường hợp này, Điện lực Chợ Lớn không nắm được việc thỏa thuận về bồi thường, giải tỏa ra sao nhưng BTGPMB quận 5 thông báo chung cư xuống cấp, mất an toàn và đề nghị hỗ trợ cắt điện. Nếu bây giờ họ đề nghị thì chúng tôi mới gắn đồng hồ trở lại” - ông Tài khẳng định.
Tùy tiện, sai quy trình
Ông Di và nhiều hộ dân đặt vấn đề, nếu lấy lý do an toàn để cắt điện thì tại sao lại có sự phân biệt giữa người đang ở và người cho thuê. Rõ ràng việc cắt điện này là nhằm thúc ép, làm áp lực buộc người dân bàn giao nhà trong khi chưa giải quyết xong vấn đề bồi thường.
Chia sẻ bức xúc này, một cán bộ Hội đồng BTGPMB TP.HCM cho rằng BTGPMB quận 5 không có chức năng quản lý nhà nước nên không có thẩm quyền đề nghị cắt điện, cắt nước. Về nguyên tắc, muốn cắt điện nước là phải thực hiện theo kế hoạch cưỡng chế, có thông báo trước cho người dân. Nếu họ không nhận quyết định cưỡng chế thì niêm yết ở địa phương bảy ngày rồi mới thực hiện.
Đại diện thanh tra Sở Công Thương cũng khẳng định quan hệ giữa ngành điện và khách hàng phải dựa trên hợp đồng điện lực. Trừ các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng thì mọi trường hợp ngừng cấp điện đều phải thông báo. Do vậy, việc nhân viên điện lực đột ngột đến cắt điện là sai quy trình. Mặt khác, căn cứ mà Điện lực Chợ Lớn đưa ra để cắt điện là chưa thỏa đáng.
“Không phải ai cũng có quyền yêu cầu cắt điện. Ngay cả trường hợp công trình có nguy cơ sụp đổ thì cũng cần có quyết định cưỡng chế của đơn vị có thẩm quyền, rồi từ đó mới cắt điện được” - vị này nói.
MINH PHONG
Hơn 10 năm thực hiện chủ trương di dời Chung cư 727 Trần Hưng Đạo vốn là khách sạn Building President 13 tầng nổi tiếng một thời, được khởi công vào năm 1960 và từng là cụm tòa nhà cao nhất Sài Gòn. Sau giải phóng, chung cư do Nhà nước tiếp quản và là nơi cư trú của 530 hộ dân. Do chung cư xuống cấp trầm trọng nên từ năm 2002 đã có chủ trương di dời các hộ dân nhưng mãi đến năm 2008 mới bắt đầu thực hiện. Đến nay, sau nhiều đợt di dời còn gần 60 hộ dân bám trụ, khiếu kiện về chính sách bồi thường và tiến độ đặt ra là thu hồi toàn bộ mặt bằng trong quý I-2014. Một trong những hộ còn ở đây, nghệ sĩ cải lương Nguyệt Hồng (tên thật là Hồ Thị Kim Hồng) cho biết. “Chúng tôi đâu có muốn ở trong chung cư xập xệ, ẩm thấp này. Nhưng với mức giá bồi thường khoảng 150 triệu đồng/hộ thì biết đi đâu bây giờ". |