Đáng chú ý, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, dự thảo luật đã giới hạn đáng kể quyền sở hữu của chủ sở hữu ở nhiều góc độ khác nhau, với các mức độ khác nhau.
Ông Lộc dẫn chứng: Dự thảo bảo vệ quá mức lợi ích tài sản của chủ thể ngay tình trong trường hợp tài sản của chủ sở hữu bị chuyển giao cho người thứ ba ngay tình hoặc người chiếm hữu ngay tình. Về lý thì cả chủ sở hữu lẫn người thứ ba đều không có lỗi và cần được bảo vệ nhưng dự thảo đã lựa chọn bảo vệ người thứ ba ngay tình là chủ yếu với các quy định nếu tài sản thuộc diện không phải đăng ký quyền sở hữu thì thuộc về người thứ ba ngay tình. Nếu tài sản thuộc diện phải đăng ký và đã đăng ký thì tài sản đó cũng thuộc về người thứ ba ngay tình. Chủ sở hữu chỉ được đòi lại tài sản trong một số trường hợp rất hãn hữu.
“Việc bảo vệ quá mức chủ thể ngay tình sẽ làm ảnh hưởng đáng kể tới lợi ích của chủ sở hữu hợp pháp, người mà về lý có quyền cao nhất, trước hết và đầu tiên đối với tài sản. Hơn nữa, người thứ ba ngay tình nếu bị chủ sở hữu hợp pháp đòi lại tài sản thì hoàn toàn có quyền yêu cầu bên có lỗi bồi thường” - ông Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, Điều 199 dự thảo quy định trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền. Người nào tranh chấp với người chiếm hữu buộc phải chứng minh người chiếm hữu không có quyền. Đây là quy định trao quyền năng đặc biệt cho người chiếm hữu hợp pháp tài sản, chỉ cần chiếm hữu hợp pháp là được suy đoán là chủ sở hữu.
“Do những biến động lịch sử, ở nước ta còn tồn tại khá nhiều trường hợp chiếm hữu tài sản, chủ yếu là bất động sản lâu dài nhưng không phải là chủ sở hữu. Liệu ban soạn thảo đã tính đến các hệ lụy nghiêm trọng có thể xảy ra đối với các chủ sở hữu thực sự đang trong quá trình nỗ lực lấy lại tài sản của mình hay không?” - ông Lộc lo lắng.
Chưa rõ quyền riêng tư và bí mật cá nhân Theo đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), dự thảo vẫn chưa đưa ra được khái niệm thống nhất về quyền riêng tư và bí mật cá nhân. Thực tế hiện nay, các văn bản pháp luật hiện hành như BLHS, BLTTHS, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Xuất bản... đều đã quy định về việc bảo vệ bí mật cá nhân, thư tín… nhưng chưa có văn bản nào quy định khái niệm về bí mật cá nhân và quyền riêng tư. Chưa có văn bản nào làm rõ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bao gồm những nội dung gì, phạm vi đến đâu... Nếu không có khái niệm sẽ dẫn tới những cách hiểu khác nhau, dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật. Mặt khác, dự thảo cần phải làm rõ mối tương quan lợi ích giữa cá nhân với cộng đồng xã hội trong việc thực hiện việc bảo vệ quyền riêng tư, bí mật cá nhân. Trong thực tiễn, nhiều hành vi bị coi là xâm phạm bí mật đời tư nhưng đặt trong mối tương quan với lợi ích công cộng thì lại dễ dàng được xã hội chấp nhận… Bà Minh cũng kiến nghị xây dựng điều khoản riêng về quyền riêng tư của trẻ em, theo đó nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ, khai thác hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ em về hoàn cảnh gia đình, tên, tuổi, địa chỉ, trường học, điểm số, tình trạng sức khỏe… mà không được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ… |