Dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài bị tắc do đâu?

Được động thổ từ tháng 10-2015, đoạn 2,7 km nối tuyến đường Võ Văn Kiệt với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) dự định sẽ hoàn thành sau 20 tháng thi công. Nhưng đến nay sau gần 30 tháng, công trình vẫn còn ngổn ngang, manh mún vì vướng bồi thường, giải tỏa.

Manh mún, da beo

Từ cuối năm 2016, khu vực dạ cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 được rào chắn để thi công hai nhánh hoa thị lên xuống cầu vượt này. Đây là hạng mục nằm ở điểm đầu của dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài, sẽ được hoàn thành sau 12 tháng thi công nhưng đến nay sau hơn 18 tháng, hai nhánh hoa thị mới chỉ hình thành phần cầu bê tông, mố và đường dẫn bằng đất. “Công trình thi công kéo dài, rào chắn không được chăm sóc nên ngả nghiêng, gây cản trở tầm nhìn và mất mỹ quan ở khu vực cửa ngõ TP” - một cán bộ Đội Thanh tra giao thông số 4 cho biết.

Cầu vượt Tân Kiên vượt lên đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng được thi công từ hơn 18 tháng qua. Đây là hạng mục nằm ở điểm cuối của dự án. Đến nay, ở khu vực này cũng mới chỉ hình thành một số trụ của cầu vượt.

Điểm đầu dự án là nút giao hoa thị dưới cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 đang thi công cầm chừng. Ảnh: LƯU ĐỨC

Điểm cuối dự án là khu vực nút giao Tân Kiên, nơi đường Võ Văn Kiệt nối dài nối vào đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cũng thi công đứt đoạn. Ảnh: LƯU ĐỨC

Tương tự, ở các khu vực cầu, cống Cái Trung, Hưng Nhơn… cũng được thi công theo kiểu đứt đoạn, da beo. “Chúng tôi phải thi công cầm chừng, có mặt bằng đến đâu là thi công tiếp đến đó nên việc huy động nhân lực, máy móc gặp rất nhiều phát sinh, khó khăn” - một cán bộ công trình ở các cầu, cống trên cho biết.

Theo các tài liệu PV có được, Công ty TNHH SX TM DV Yên Khánh, chủ đầu tư dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài, có cổ phần hùn với các nhà đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Đức Bình và Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn (giám đốc là Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”). Cuối năm 2017, sau khi Út “trọc” bị bắt thì rộ lên thông tin dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài cũng sẽ… đứt bóng. Tuy nhiên, theo Sở GTVT TP, Út “trọc” chỉ là một trong những cổ đông đầu tư và chỉ có vai trò mở đường cho dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài. Khi Út “trọc” bị bắt thì dự án đã đi vào ổn định về mặt pháp lý, kỹ thuật và tài chính nên ảnh hưởng của Út “trọc” là không còn, công trình vẫn tiếp tục. 

Vướng năm hộ… phú nông

Toàn bộ dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài nằm trên địa bàn xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với diện tích giải tỏa hơn 29 ha. Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, đến nay việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng chỉ đạt gần 79% với tổng số hộ dân là 178/250 hộ. “Các hộ dân còn lại chưa bàn giao mặt bằng là do còn tranh chấp trong gia đình, chưa khai nhận thừa kế di sản, chưa thống nhất giá được tính… nhưng “xương” nhất là chuyện vướng đất của năm hộ có liên quan đến yếu tố… phú nông” - ông Trần Quốc Thanh, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, nguồn gốc đất của các hộ này là do cha mẹ trước năm 1975 là phú nông trong vùng để lại. Sau đó, đất của các hộ này được đưa vào hợp tác xã, cải tạo nông nghiệp qua nhiều thời kỳ nhưng sau đó con cháu gom mua lại và có giấy tờ chứng minh việc mua bán đầy đủ. “Huyện Bình Chánh đã nhiều lần hỏi Sở TN&MT về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ này như thế nào nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời nên chưa biết áp dụng chính sách bồi thường với các hộ này như thế nào” - ông Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Lạc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương, đơn vị thực hiện dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài, do tình trạng mặt bằng còn manh mún, da beo nên đến nay toàn công trình vẫn chưa có lệnh khởi công. “Sau khi được bàn giao trên 80% mặt bằng sạch và có lệnh khởi công chính thức thì toàn công trình sẽ thi công trong vòng 20 tháng là xong, theo đúng như kế hoạch của dự án” - ông Lạc nói.

Gỡ kẹt xe cửa ngõ phía Tây TP.HCM

Được đưa vào sử dụng từ năm 2009, đường Võ Văn Kiệt (tên cũ là đại lộ Đông-Tây) không chỉ trở thành trục đường xuyên tâm quan trọng của TP.HCM mà còn là cánh tay kết nối miền Tây với miền Đông Nam bộ.

Nhưng từ nhiều năm qua, trục xuyên tâm này bị… “nghẽn” ở ngay cửa ngõ An Lạc, phía Tây TP.HCM vì đoạn cuối của đường Võ Văn Kiệt bị cắt cụt, chưa nối thông được với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài là nhằm phá thế cắt cụt nói trên. Đoạn nối dài 2,7 km bắt đầu từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 đến điểm giao cắt với đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại khu vực Tân Tạo - Chợ Đệm.

Trong giai đoạn 1 sẽ làm hai đường song hành hai bên, mỗi bên rộng hơn 11 m cho một làn xe hỗn hợp và một làn ô tô. Tổng kinh phí cho dự án (giai đoạn 1) là 1.557 tỉ đồng, thời gian xây dựng là 20 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm