Dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành: Rủi ro tài chính với doanh nghiệp là gần như không có

(PLO)- Bộ trưởng Bộ GTVT, khẳng định trong dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, rủi ro tài chính với doanh nghiệp là gần như không có.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) vào chiều 25-5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định đây là dự án này được người dân Đông Nam Bộ, Tây Nguyên chờ đợi. Bộ GTVT rất mừng khi được Chính phủ, Quốc hội quan tâm dành 50% kinh phí tổng mức đầu tư và 50% là kêu gọi doanh nghiệp.

“Nếu dự án trên hoàn thành thực hiện, đây sẽ là tuyến đường đẹp, chắc chắn có hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM” - ông Thắng nói.

Dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng mức đầu tư lớn hơn 25.000 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức BOT; trong đó vốn góp Nhà nước là 12.770 tỉ đồng, nhà đầu tư huy động 12.770 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn nên nhiều đại biểu quan tâm về tính khả thi.

Hướng đi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh: H.TRANG
Hướng đi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh: H.TRANG

Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định có thể yên tâm về việc thu hút đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành vì nhiều yếu tố.

Chẳng hạn, trước đây, khi không có phần vốn Nhà nước tham gia, các dự án BOT có thời gian thu phí dài khoảng 30 năm, dự án nào thật tốt thì trên 25 năm. Còn với dự án này, thời gian thu phí chỉ 18 năm đã bảo đảm lãi suất ngân hàng, tỉ suất đầu tư nên nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên về BOT rất thích.

Một điểm khác, Bộ trưởng cho biết khi Quốc hội thông qua Luật đường bộ sẽ cho phép cả Nhà nước và nhà đầu tư cùng thu phí. “Chúng ta hoàn toàn có thể ưu tiên cho nhà đầu tư thu trước, Nhà nước thu sau nên rủi ro tài chính với doanh nghiệp là gần như không có” – Bộ trưởng khẳng định và tiết lộ trên thực tế đã có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đối với dự án này.

Trả lời thắc mắc của Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh về việc cử tri lo ngại dự án đi qua sẽ chia rẽ khu dân cư dọc tuyến, ngăn cách sinh hoạt của người dân. Bộ trưởng khẳng định: “Khi xây dựng cao tốc, Bộ luôn lấy ý kiến kỹ càng xuống tận phường xã, tổ dân phố”.

Sở dĩ, trước đây có một số tuyến phải bổ sung đường gom, đường dân sinh vì trong thời gian dịch, khi lấy ý kiến cộng đồng về dự án, nhiều khi địa phương không quan tâm, bản thân người dân cũng không để ý mà phụ thuộc vào bên tư vấn, thiết kế, khảo sát.

Khi phê duyệt xong dự án, bắt đầu triển khai thực hiện, người dân mới thấy bất tiện và xảy ra tình trạng một số địa phương muốn bổ sung đường gom, đường dân sinh, cầu vượt, có nơi muốn bổ sung tới 50%” – ông giải thích thêm.

gia-nghia-chon-thanh-.jpeg
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, có thể yên tâm về việc thu hút đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành.Ảnh: QH

Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, ở dự án này, Bộ GTVT đã phối hợp rất chặt với địa phương, bản thân chính quyền địa phương từ cấp xã huyện cũng phải vào cuộc, khu vực nào làm đường gom, dân sinh đều được xử lý.

Về những lo ngại có hai dự án BOT song hành với dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành có thể bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Thắng cho biết trong tờ trình, Chính phủ đã nêu cụ thể.

Thực tế, khi triển khai các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, rất nhiều dự án BOT trước đây bị ảnh hưởng do bị chia sẻ lưu lượng.

Về biện pháp tổng thể, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT tham mưu Chính phủ để trình Bộ Chính trị "Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông". Hiện, Bộ đã hoàn tất các nội dung trong ngày hôm qua để trình Ban cán sự đảng Chính phủ. Sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định ngay trong kỳ họp lần này.

Trả lời ý kiến của đại biểu về trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết trước đây, khi triển khai cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, chúng ta chưa có kinh nghiệm nhiều trong xây dựng cao tốc, đồng thời chưa quyết định xã hội hoá hay nhà nước đầu tư trạm dừng nghỉ. Đến cuối giai đoạn 2022, ngay khi nhìn thấy vấn đề, Bộ GTVT làm rất nhanh, xây dựng khung pháp lý đi theo hướng xã hội hoá”.

Đến nay, Bộ GTVT đã quy hoạch mạng lưới trạm, ban hành quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc trong đó có trạm dừng nghỉ và thông tư quy định đầy đủ trạm gồm những gì, đặc biệt dành diện tích xây dựng trạm sạc ở trạm dừng nghỉ tương đương với thế giới.

“Nước ngoài có gì, châu Âu, Mỹ, Trung Quốc có gì, chúng ta có đầy đủ. Tôi đã chỉ đạo rất kỹ vấn đề này” – ông nhấn mạnh.

Dự kiến, toàn bộ khu vực cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có 36 trạm dừng nghỉ. Từ nay đến cuối 2025, toàn bộ các tuyến cao tốc, khi đi vào khánh thành và cả những trạm dừng nghỉ của tuyến cao tốc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành đầy đủ, đồng bộ trạm dừng nghỉ.

Với các tuyến mới, khi đã có quy chuẩn, pháp lý đầy đủ, việc xây dựng trạm dừng nghỉ sẽ rất đơn giản.

Thông tin thêm, ông Thắng cho biết hay trước mắt, các dự án xây dựng trạm dừng nghỉ nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Khi đấu thầu thử, có trạm thu hút 40 đơn vị tham gia. Có một trạm định giá khởi điểm khoảng 120 tỉ đồng nhưng đấu thầu lên hơn 200 tỉ đồng, đây cũng sẽ là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước”.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành gồm đoạn qua tỉnh Đắk Nông 38 km, tỉnh Bình Phước 102 km. Điểm đầu dự án tại khu vực TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tháng 5-2022, Vingroup - Techcombank có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ GTVT đề xuất được thực hiện dự án theo hình thức PPP.

Hai đơn vị cam kết bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp các báo cáo này không được phê duyệt, Vingroup - Techcombank sẽ chịu mọi chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm