KHU LIÊN HỢP XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN ĐA PHƯỚC - BÀI 1

Dự án khủng về rác… của ông Việt kiều Mỹ

Khoảng năm 2005-2006, bãi rác Gò Cát (Bình Tân, TP.HCM) phải đóng cửa vì vượt quá khối lượng tiếp nhận cho phép. Thế là 4.000 tấn rác thải dồn về bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) khiến nơi này trở nên dồn ứ, quá tải. Vào thời điểm này, tìm một lối thoát cho rác thải của TP đông dân nhất trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Và rồi, như một cơ duyên, ông David Dương, Việt kiều Mỹ, xuất hiện với một dự án táo bạo… chuyên trị rác thải, qua đó biến vùng đất sình lầy, bùn non, nhiễm phèn nặng, không canh tác được ở Bình Chánh đã thay da đổi thịt.

Dự án khủng về rác… của ông Việt kiều Mỹ ảnh 1

Dàn máy Comptech sản xuất phân compost chất lượng cao.

Lối ra cho núi rác của TP

Cuối năm 2005, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) chính thức được UBND TP.HCM trao giấy phép đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Kèm theo đó là nhiệm vụ phải hoàn thành xây dựng trong thời gian ngắn để giải quyết nhu cầu rác thải của TP. Tuy nhiên, việc này cũng không mấy dễ dàng bởi vùng đất xây dựng liên hợp rất sình lầy, ngập nước. Do vậy, VWS đã phải đầu tư rất nhiều nguồn lực để thực hiện công tác nghiên cứu, khảo sát địa chất, điều kiện khí hậu… Sau đó, bắt tay xây dựng hệ thống đê bao vững chắc để ngăn nước triều. Công đoạn kế tiếp là gia cố nền móng và dải lớp lót; lắp đặt hệ thống thu nước ngầm để không bị sụt lún. Tất cả công đoạn trên đều đạt yêu cầu trình độ kỹ thuật chuyên môn cao, khoa học, tỉ mỉ, chính xác...

Hai năm sau, giai đoạn một của khu liên hợp hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. VWS đã đầu tư tổng vốn hơn 120 triệu USD bao gồm các hạng mục: bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh có hệ thống thu khí gas metan phát điện, vận hành theo quy định, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, dây chuyền phân loại, tái chế rác; nhà máy xử lý nước thải; trạm trung chuyển; trạm quan trắc địa môi trường; dây chuyền chế biến phân compost từ rác hữu cơ; nhà máy phát điện từ khí metan thu gom từ rác… Theo thiết kế, khu vực này có công suất tiếp nhận 10.000 tấn rác/ngày trong khu vực TP.HCM, 20 tấn/ngày của Long An, có thể tiếp nhận rác liên tục hơn 21 năm.

Khi khu liên hợp đi vào hoạt động đã giải tỏa được nỗi lo âu của chính quyền và nhân dân TP khi núi rác ngày càng cao dần. Trước đó, hầu hết các bãi rác của TP chủ yếu là thu gom và chôn lấp sau khi đầy. Thế nhưng với VWS, khu liên hợp được xây dựng với công nghệ hiện đại. VWS đã nhập công nghệ POSI - SHELL, đây là phát minh tiên tiến được sử dụng tại Hoa Kỳ và mới xuất hiện tại châu Á. Công nghệ này sử dụng chất phụ gia keo được trộn chung với xi măng và bột vôi rồi phun lên bề mặt của rác. Cứ mỗi ngày, rác được tiếp nhận đến đâu sẽ được phun xịt ngay đến đó. Máy POSI - SHELL có thể sử dụng liên tục với hiệu quả cao trong mọi điều kiện thời tiết, thậm chí mưa gió khắc nghiệt. Được biết công nghệ phun xịt này đem lại hiệu quả tối ưu hơn so với phương pháp thông thường là sử dụng đất và bạt. Bởi vì lớp phủ được rải, nén chặt có tác dụng giảm bớt tối đa mùi hôi, ngăn nước rỉ rác thẩm thấu vào tầng nước mặt, diệt côn trùng và phòng ngừa hỏa hoạn xảy ra trong bãi chôn lấp. Mặt khác, mùi phát sinh từ rác còn được khống chế bằng máy phun sương khử mùi xịt hằng ngày. Công nghệ này còn giúp tách rời nước mưa ra khỏi bãi rác, giảm bớt tổng lượng nước phải xử lý. Sau đó, chúng có thể dùng vào các mục đích sinh hoạt, tưới cây, rửa xe, rửa đường, giảm bớt bụi bẩn...

Dự án khủng về rác… của ông Việt kiều Mỹ ảnh 2

Nhà máy phân loại, tái chế trị giá 10 triệu USD đang nằm chờ nguyên liệu.

Hiệu quả với hệ thống sản xuất phân compost

Ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty VWS, cho biết theo hợp đồng với TP.HCM, VWS sẽ tiếp nhận rác được phân loại tại nguồn để phục vụ cho dây chuyền của nhà máy. Đó là dây chuyền phân loại rác tái chế và dây chuyền sản xuất phân compost từ rác hữu cơ. Nhằm đón đầu dự án sản xuất phân compost này, TP và các cơ quan chức năng đã có nhiều chương trình nhằm tuyên truyền đến từng người dân về việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa cao nên không đủ lượng rác đã phân loại để vận hành hai dây chuyền sản xuất phân compost của VWS. Trong thế thụ động, VWS vẫn quyết tâm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn này. Theo đó, công ty đã nhập bốn dàn máy hiện đại, tiên tiến của Hoa Kỳ để sản xuất phân compost từ rác hỗn hợp mà không cần phân loại tại nguồn.

Dàn máy này có tên gọi là Comptech trị giá gần 7 triệu USD với thiết bị hoàn toàn tự động, công suất 30 tấn phân compost/giờ. Tính ưu việt của dây chuyền là khả năng tiếp nhận rác hỗn hợp chưa qua phân loại. Sau đó chúng sẽ được đưa vào nghiền, phân loại sơ bộ để tách kim loại, lọc ra các loại rác vô cơ khác như túi nylon, nhựa... Cuối cùng chỉ còn lại hoàn toàn là rác hữu cơ. Công đoạn kế tiếp là tạo luống, ủ, tạo vi sinh, diệt vi khuẩn có hại, kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ... Sau 45 ngày sẽ cho ra sản phẩm phân bón phù hợp với các loài cây trồng, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và đặc biệt thân thiện với môi trường không như phân hóa học.

Ông David Dương chia sẻ thêm: VWS sẽ sản xuất ra phân compost có chất lượng tốt với giá cạnh tranh. Đây là yếu tố chính nhằm giúp người nông dân giảm giá thành các sản phẩm nông sản, giảm thiểu việc nhập siêu phân hóa học từ nước ngoài. Hơn nữa, loại phân bón có chất lượng cao còn giúp cải tạo đất và cho cây trồng được tươi tốt; rất hữu hiệu trong việc chống xói mòn đất, góp phần bảo vệ môi trường. Dây chuyền sản xuất phân compost này còn tạo cơ hội việc làm cho khoảng 280 lao động khi đi vào hoạt động.

Trong thời gian đầu (dự kiến vào đầu quý III-2012), VWS sẽ sản xuất 300 tấn phân/ngày, đến cuối năm sẽ đưa ra thị trường với sản lượng 1.000 tấn/ngày. Dàn máy sản xuất phân compost còn giúp giảm được lượng rác chôn lấp, tái sử dụng chúng để phục vụ có ích cho con người. Bởi vì cứ mỗi tấn rác hỗn hợp đưa vào, VWS sẽ sản xuất được khoảng 600 kg phân compost. Ngoài ra, 10% các loại rác khác như kim loại, nylon sẽ được tái chế; 20% sẽ được tiêu hủy trong quá trình sản xuất sấy khô; 10% rác còn lại vẫn phải chôn lấp với công nghệ hợp vệ sinh, có hệ thống thu gom khí gas metan để sản xuất điện.

(Còn tiếp)

Ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VWS còn là thành viên HĐQT của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF) được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm vào tháng 2-2010. Sinh ra ở Việt Nam nhưng ông lập nghiệp ở Hoa Kỳ. Ban đầu ông David Dương cùng gia đình chỉ thu gom bìa carton, giấy phế liệu. Sau đó là gây dựng cơ nghiệp trị giá hàng triệu USD. Năm 1981, gia đình ông thành lập Công ty Quản lý và Tái chế Codigo, sau đó chuyển đổi thành Công ty California Waste Solution (CWS). Năm 1992, CWS thắng hợp đồng đầu tiên ở Oakland và phát triển thành một doanh nghiệp chủ chốt của khu vực. Chức năng của công ty là xử lý hầu hết vật liệu tái chế cho các TP Oakland, San Jose, Sacramento, Contra Costa… Sau những thành công vượt trội, ông David Dương quyết định về quê nhà đầu tư với dự án Công ty VWS.

PHI NGUYỄN - NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm