Sáng 2-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND). Dự thảo luật đề xuất bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của CAND (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan.
Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.
Phù hợp với Bộ luật Lao động?
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng, mức tăng tuổi với từng chức danh, đối tượng như dự luật là phù hợp với Bộ luật Lao động. Tuy vậy, bà Hải đề nghị một phương án trung hòa là chia việc tăng tuổi phục vụ của sỹ quan cấp đại tá, thượng tá trong luật thành hai bước.
Bước một, tăng ngay khi luật có hiệu lực tuổi phục vụ của nam đại tá, thượng tá lên 60 tuổi 9 tháng và nữ thượng tá lên một năm (tương tự như việc tăng ngay hai tuổi đối với cấp trung tá, thiếu tá, cấp úy, hạ sỹ quan….). Như vậy, sẽ đồng bộ hóa với độ tuổi về hưu năm 2023 là nam 60 tuổi 9 tháng và nữ là 56 tuổi.
Bước hai, từ các năm sau trở đi thì tăng theo lộ trình ba tháng với nam và bốn tháng với nữ. “Theo phương án trên sẽ không phải lùi mốc tính tuổi nghỉ hưu nên không vi phạm luật và vẫn đạt được kết quả đồng bộ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và có tính tới tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng đặc thù”, Bà Hải nói.
Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải hy vọng sẽ có nữ thượng tướng làm thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: QH |
Thực tế tại Thái Nguyên hiện nay, lực lượng công an có năm đại tá nhưng không có nữ đại tá. Với quy định như dự thảo luật thì sau thời gian triển khai, số lượng nữ đại tá trên toàn quốc không phải chỉ là 67 người và số lượng cấp tướng không chỉ sáu người như hiện nay mà sẽ tăng lên.
“Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng sẽ có một nữ thượng tướng là thứ trưởng Bộ Công an trong thời gian tới”, bà Hải phát biểu.
Ngược lại, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ việc điều chỉnh tăng hạn tuổi hưu hàm nữ đại tá lên năm tuổi, thượng tá lên ba tuổi.
“Lực lượng công an cũng là lực lượng vũ trang, môi trường làm việc rất vất vả, có thể làm việc đêm ngày liên tục, kể cả những nơi phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cho nên không thể đánh đồng với với các cơ quan hành chính sự nghiệp về tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật Lao động”, ông Hòa nhận định.
Ông Hoà cũng cho rằng, nữ hàm thượng tá, đại tá giữ cương vị đứng đầu các đơn vị nghiệp vụ của ngành hoặc giám đốc, phó giám đốc công an tỉnh, TP là “rất vất vả”. Đề nghị tuổi nghỉ hưu nữ thượng tá là 57 và nữ đại tá là 58, nữ thiếu tướng vẫn là 60 tuổi (thực hiện không theo lộ trình).
Thăng hàm cấp tướng khi có thành tích “đặc biệt xuất sắc”
Dự thảo luật quy định, “sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng CAND, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm thì được xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn”.
Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc.
ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho hay: “Chính sách thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn cho sĩ quan CAND khi có thành tích đặc biệt xuất sắc thực sự cần thiết và có ý nghĩa trong điều kiện hiện tại”.
Dẫn câu chuyện lịch sử khi Bác Hồ phong Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp năm 1948, ông Mạc cho rằng, ý nghĩa câu chuyện lịch sử này đến nay còn nguyên giá trị. Nó không chỉ có ý nghĩa với lực lượng quân đội nhân dân mà còn có ý nghĩa với CAND.
Theo ông, một sĩ quan công an khi đã trải qua quá trình công tác, chiến đấu và lập được chiến công thì sự uy tín, ngưỡng mộ, trân trọng. Nếu đủ điều kiện phong hàm cấp tướng trước thời hạn thì sự nỗ lực, cống hiến đó được ghi nhận một cách xứng đáng. Đồng thời thêm điều kiện để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh.
ĐB Mạc cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí để thăng hàm cấp tướng trước thời hạn có thành tích “đặc biệt xuất sắc” trong chiến đấu và công tác vào dự thảo luật.
ĐB Phạm Văn Hòa nêu ý kiến. Ảnh: QH |
ĐB Phạm Văn Hòa đồng tình, nói: “Cần quy định điều kiện cần và đủ tiêu chuẩn cụ thể của việc lập thành tích đặc biệt xuất sắc là như thế nào để tránh lạm dụng. Cũng như quy định thăng cấp bậc hàm trước hạn không quá 12 tháng vào dự thảo luật”.
Dự luật cũng bổ sung thêm sáu vị trí cấp tướng để ngành công an đủ 205 tướng. Trong đó, có một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng với sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Năm vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng là: Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, một Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; hai vị trí phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, bổ sung thêm sáu vị trí cấp tướng nâng tổng số cấp tướng của ngành công an lên 205 người, đúng với quy định của Bộ Chính trị đã “ấn định”.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) thì đề xuất xem xét lại từ “biệt phái” đối với các chức danh được bầu.
Tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình báo cáo cấp có thẩm quyền
Sau khi giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói:
“Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm và có những ý kiến đóng góp để góp phần hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Chúng tôi nhận thức đây không chỉ là sự chỉ đạo, sự quan tâm mà còn là sự động viên, biểu dương và chăm sóc rất kịp thời của Quốc hội cũng như các vị đại biểu Quốc hội đối với lực lượng CAND.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến ĐB. Ảnh: QH |
Các ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến phát biểu tại 19 tổ đại biểu Quốc hội ngày 27-5-2023 sẽ được cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan chức năng Quốc hội tổng hợp, tiếp thu, giải trình để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội biểu quyết vào ngày 22-6-2023.