Dự án ngàn tỉ của Vinashin 8 năm im re

Ngày 2-3, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), cho biết tỉnh đang tiếp tục xúc tiến thủ tục để thu hồi dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Nam Cam Ranh do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) làm chủ đầu tư. Lý do là chủ đầu tư đã “ôm” dự án này tám năm nay nhưng không triển khai gì.

Ôm 200 ha đất rồi… nằm im 

Theo ông Phi, tháng 3-2009, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là SBIC) được tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án KCN Nam Cam Ranh với diện tích 203 ha nằm ở vị trí đắc địa bên vịnh Cam Ranh thuộc xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh. Theo cam kết của Vinashin, dự án sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng KCN hỗn hợp với tổng mức đầu tư 980 tỉ đồng, đưa vào hoạt động từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, từ khi được cấp đến nay, Vinashin không hề triển khai bất cứ hạng mục gì.

Từ tháng 6-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong thu hồi dự án của Vinashin do năng lực chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ. Sau đó Vinashin, Bộ GTVT có nhiều văn bản đề nghị tỉnh Khánh Hòa chưa thu hồi.

Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị tỉnh Khánh Hòa chưa thu hồi để Vinashin có điều kiện tái cơ cấu. Sau khi tái cơ cấu thành SBIC thì đơn vị này cũng ít khi động tĩnh đến dự án này.

Từ năm 2013 đến nay, ông Phi cho hay UBND tỉnh Khánh Hòa đã bốn lần kiến nghị Thủ tướng cho chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án đối với SBIC. Thế nhưng trong các lần này, Bộ GTVT đều xin cho SBIC thêm cơ hội để thực hiện các giải pháp tái cơ cấu Vinashin.

Đầu tháng 1-2017, Bộ KH&ĐT có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị báo cáo Thủ tướng. Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với Bộ KH&ĐT để xử lý.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa ngày 28-2, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết SBIC đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án trên để SBIC đàm phán với một doanh nghiệp ở Hà Nội triển khai dự án tổ hợp nhà máy điện mặt trời trên diện tích của KCN Nam Cam Ranh.

Sống trong vùng dự án “treo” tám năm nay, người dân xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh  không được xây dựng nhà cửa. Ảnh: CTV

Quyết lấy lại dự án

Cũng theo ông Hoàng Đình Phi, đến nay SBIC chưa có văn bản đề nghị tỉnh Khánh Hòa cho làm dự án điện mặt trời trên diện tích KCN Nam Cam Ranh. “Nếu xin làm nhà máy điện mặt trời thì khác mục tiêu của dự án. Tỉnh không chấp nhận việc sửa hay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Diện tích đó rất thuận lợi nên ưu tiên cho các dự án sản xuất công nghiệp, tạo nhiều việc làm chứ không thể làm điện mặt trời” - ông Phi nói. Ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở KH&ĐT, khẳng định: “Nếu SBIC xin làm dự án điện mặt trời, tỉnh dứt khoát không cho vì không nằm trong quy hoạch của tỉnh”.

Ông Phi thì cho rằng: Tám năm nay, mặc dù không triển khai gì nhưng SBIC luôn tìm cách cố níu giữ lại dự án này do lợi thế của khu đất. Trong khi đó, diện tích này có vị trí đắc địa để tỉnh thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp khác nhau, góp phần giải quyết việc làm. “Gần đây, có một số nhà đầu tư có năng lực đăng ký đầu tư hạ tầng KCN này. Do đó tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của SBIC để giao cho nhà đầu tư khác có kinh nghiệm, năng lực tài chính” - ông Phi nói.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng mới đây, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc SBIC không triển khai dự án đã hạn chế sự phát triển của cả khu vực Cam Ranh.

Trước kiến nghị của Khánh Hòa, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng tỉnh đã “dễ dãi” khi để dự án bị “treo” đến nay mà chưa thu hồi: “Kéo dài nhiều năm mà không làm gì, như vậy là quá lãng phí! Dù đã tái cơ cấu nhưng chủ đầu tư đó cũng không có điều kiện thực hiện dự án. Việc thu hồi dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh nên đề nghị tỉnh tiến hành thủ tục thu hồi ngay”. Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cũng đồng tình với quan điểm này.

Dân khốn khổ sống trong dự án “treo”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Văn Thứ, Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông, cho biết đời sống của hàng trăm hộ dân ở địa phương này bị ảnh hưởng do dự án KCN Nam Cam Ranh “treo” trong nhiều năm qua. “Do sống trong vùng dự án, người dân không được xây mới, sửa chữa nhà ở, trồng cây lâu năm… Thấy nhà cửa hư hỏng, chính quyền cũng linh động để bà con sửa chữa chứ theo quy định thì không được. Chính quyền địa phương cũng mong muốn sớm thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác, tạo việc làm, ổn định đời sống người dân” - ông Thứ nói.

Nhiều người dân xã Cam Thịnh Đông tỏ ra bức xúc khi phải sống trong vùng dự án “treo” tám năm nay vì chưa được nhận bồi thường gì. “Trước đây chúng tôi đang nuôi thủy sản thì họ đến đo đạc rồi đưa vào dự án. Bà con muốn đầu tư sản xuất lâu dài cũng không dám vì không biết bị giải tỏa lúc nào. Nhiều chỗ đất đai bị bỏ hoang. Nhà cửa hư hỏng thì phải đi xin mới được sửa chữa nhỏ. Cả vùng sống lơ lửng như vậy nhiều năm nay!” - ông Trần Văn Thành, ngụ xã Cam Thịnh Đông, phản ánh.

Chấm dứt “treo” ngay!

Trong kết luận tại buổi làm việc ngày 28-2 với Khánh Hòa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấm dứt ngay vai trò của SBIC tại dự án đầu tư hạ tầng KCN Nam Cam Ranh do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) làm chủ đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm