Hiện đang cao điểm mùa khô và cây trồng ở hàng trăm hecta đất nông nghiệp huyện Long Thành, Cẩm Mỹ (Đồng Nai) héo rũ, chết khô. Trong đó, một hồ thủy lợi mênh mông nước đã không cấp nước giải hạn cho dân, lại còn phải xả tràn để tránh quá sức chứa khi mùa mưa sắp tới. Nghịch lý xót xa này không biết khi nào mới chấm dứt.
Khát bên… biển nước
Vườn của bà Nguyễn Thị Mười (ấp 8, xã Bàu Cạn) cách hồ chứa nước Cầu Mới khoảng 100 m nhưng vẫn rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Không tiếp cận được nước hồ, bà đào giếng sâu gần 100 m vẫn không đủ nước tưới cho vườn tiêu, cà phê. Bi đát hơn, gia đình bà Lê Thị The cách đó không xa khi diện tích dây tiêu chết khô trong vườn đang lan rộng. Theo bà The, khoảng 1 ha tiêu và cà phê của gia đình đứng trước nguy cơ mất trắng vì thiếu nước. “Đào, khoan giếng cũng không có đủ nước tưới nên cây cối cứ héo úa rồi chết dần hết. Cà phê sức sống tốt hơn nhưng nếu không có nước thì mùa tới không ra hoa, kết trái được. Năm nay chắc mất trắng rồi và có khi đến mùa sau không còn cây nào trong vườn nữa” - bà The xót xa.
Theo người dân, vườn nhà họ nằm gần hồ mênh mông nước được xây dựng cách đây vài năm. Thời điểm tất bật làm hồ thì người dân rất vui mừng vì nghĩ họ sắp được cung ứng lượng nước tưới tiêu thoải mái cho cây trồng vào mùa khô. Người dân khấp khởi mừng thầm vì có nước cây trồng sẽ tốt hơn, năng suất sản xuất nông nghiệp sẽ tăng lên và cuộc sống của họ được cải thiện đáng kể. “Thế nhưng khi hồ đắp xong, chứa đầy nước thì chúng tôi bất ngờ vì có nhiều nơi chỉ cách hồ vài chục bước chân vẫn không thể lấy nước trong hồ dẫn về vườn. Hồ Cầu Mới mênh mông nước, trong khi nhiều vườn cây lại cháy khô vì thiếu kênh mương” - bà Mười bức xúc.
Nhiều người dân tìm đến hồ Cầu Mới đánh bắt, câu cá.
Tiêu, cà phê của bà Lê Thị The chết dần chết mòn vì thiếu nước trong khi vườn cách hồ chỉ khoảng 100 m. Ảnh: TIẾN DŨNG
Kẹt vì dự án sân bay Long Thành
Hồ Cầu Mới được đắp lên để tưới 1.800 ha đất sản xuất nông nghiệp và mỗi ngày cung cấp khoảng 85.000 m3 nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Dự án xây hồ có tổng vốn đầu tư khoảng 337 tỉ đồng, ngoài việc xây hồ chứa dung tích 30 triệu m3 nước thì dự án còn có hệ thống kênh mương dài khoảng 38 km. Nhưng đến nay sau gần tám năm hồ nước đã đầy nhưng vườn tược người dân khát khô.
Theo ông Lê Văn Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai (đơn vị quản lý, khai thác hồ), hiện chỉ khai thác được hơn 10% công suất thiết kế của hồ. Trong đó cung cấp một lượng nước nhỏ cho hai công ty ở Long Thành, Nhơn Trạch và cung cấp nước tưới cho khoảng 700 ha đất nông nghiệp ở huyện Cẩm Mỹ và Long Thành. “Nguyên nhân khiến hồ chưa được khai thác hiệu quả là thiếu kênh mương dẫn nước đến các khu tưới. Trong dự án có những hạng mục xây dựng kênh mương cấp nước nhưng đến giờ chủ đầu tư vẫn chưa triển khai” - ông Tường nói.
Chiều 15-4, trả lời Pháp Luật TP.HCMvề nguyên nhân chậm xây kênh mương, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết sau khi hồ làm xong thì có quy hoạch dự án sân bay quốc tế Long Thành và vùng đô thị dịch vụ xung quanh sân bay. “Quy hoạch này ra đời dẫn đến sự điều chỉnh lớn về quy hoạch sử dụng đất của huyện Long Thành. Từ đó, diện tích dự kiến hồ tưới bị giảm từ 1.800 ha xuống còn 1.200 ha và cũng thu hẹp hệ thống kênh mương theo thiết kế ban đầu để tránh lãng phí. Do sự điều chỉnh này nên hồ làm xong mà kênh mương không có. Hiện dự án kiên cố kênh mương kết hợp giao thông đang trong giai đoạn thiết kế, chưa biết khi nào thi công và thời điểm hoàn thành thì còn phụ thuộc vào việc bố trí vốn” - vị đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nói.
Dự án hồ chứa nước Cầu Mới có tổng vốn đầu tư là 337 tỉ đồng, trong đó có 244 tỉ đồng huy động trái phiếu từ người dân. Mức lãi suất hằng năm 8,8%/năm thì mỗi năm tỉnh phải trả lãi khoảng 20 tỉ đồng. Sở NN&PTNT cho biết đang đốc thúc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ. Ngoài ra, cũng rà soát lại nhu cầu sử dụng nước, thời gian sử dụng nước… để điều chỉnh làm tăng hiệu quả cấp nước của hồ. |