Trao đổi với PV Đất Việt, một số khách hàng mua nhà tại dự án The Easter City (đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư cho biết, tháng 2/2015, sau khi có thông tin dự án này được ngân hàng Vietinbank hỗ trợ cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ và chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhiều người đã tìm đến mua căn hộ tại chung cư này với kỳ vọng sẽ có chốn an cư, lạc nghiệp.
“Thời điểm ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư cho biết, dự án đã xây dựng xong phần thô, đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ giao nhà trong quý 4/2015. Tin tưởng vào chủ đầu tư, rằng sắp nhận được nhà trong thời gian ngắn, nên chúng tôi đã vui vẻ ký hợp đồng, dù so với mặt bằng chung, The Easter City có giá cao hơn hẳn các dự án nhà ở xã hội khác”, một cư dân cho hay.
Thế nhưng, trên thực tế, đến nay, công trình vẫn chưa được hoàn thiện, nghiệm thu và bàn giao cho khách hàng.
Anh L.H.A, một khách mua nhà cho biết, cuối tháng 12/2015, anh và một vài hộ dân nằm trong danh sách nhận nhà đợt 1 đã chuyển về chung cư này sinh sống. Tuy nhiên, “mới vào ở được một thời gian, nhưng mình hoàn toàn thất vọng với chất lượng công trình”.
“Tường, trần thì thấm dột liên miên, khắc phục được vài ngày thì lại bị. Gạch ốp nền thì thi công cẩu thả, bị bọng quá nhiều. Công trình vẫn đang trong quá trình thi công nên khói bụi, ồn ào ảnh hướng rất lớn đến đời sống của các hộ dân”, anh L.H.A chia sẻ.
Trần nhà nham nhỏ vì đang trong quá trình thi công, gây ảnh hưởng đến những hộ dân sinh sống.
Kỳ lạ hơn, là dù đã cho dân vào ở, nhưng nhiều khách hàng vẫn chưa được chủ đầu tư ký biên bản bàn giao.
Khách hàng P.C.L cho biết, căn của anh ở tầng 11, đã nghiệm thu xong và chuẩn bị bàn giao nhà. Thế nhưng mới đây, phía ngân hàng thông báo phải có biên bản bàn giao của chủ đầu tư thì mới đồng ý giải ngân đợt cuối. Trong khi bộ phận pháp chế của công ty Quốc Cường Gia Lai lại bắt buộc ngân hàng giải ngân đợt cuối thì mới cho ký biên bản bàn giao nhà. "Mình cứ như một trái banh bị đá qua, đá lại”, anh L bức xúc.
Cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười, khách hàng T.U cho biết, nhân viên sale nói là nếu chị thanh toán 95% giá trị căn hộ thì sẽ được nhận nhà ngay. Nhưng chị T.U thanh toán đến nay đã hơn 2 tuần mà chưa thấy thông báo gì cả. "Liên hệ với sale thì bảo hỏi phòng pháp lý, hỏi phòng pháp lý thì lại bảo hỏi lại sale. Rốt cuộc ai là người chịu trách nhiệm, và khi nào thì em mới được nhận nhà, dù hiện tại em vẫn đang phải ở nhà thuê”, chị T.U nói.
Nhiều căn hộ bị thấm dột nghiêm trọng.
Không chỉ chất lượng công trình, nhiều khách hàng cũng bức xúc khi phải bỏ ra số tiền chênh lệch lớn khi mua căn hộ thông qua sàn giao dịch Nam Tiến (độc quyền phân phối dự án The Easter trước đây).
Chị H.N, khách hàng mua căn hộ tại tầng 16 cho biết, lúc ký hợp đồng đặt cọc, đơn giá mà sàn giao dịch Nam Tiếm đưa ra bằng với mức giá công bố của công ty. Thế nhưng, đến khi ký hợp đồng mua bán vào tháng 9/2015, không hiểu vì sao, mức giá mà chị N. ký lại thấp hơn rất nhiều.
Hỏi thì nhân viên sale nói rằng, vì căn hộ của chị N. mua là nhà ở xã hội, nên phải hạ giá bán trên hợp đồng xuống để đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật (giá 1 căn nhà ở xã hội không được quá 1,05 tỷ đồng – PV). "Sau đó, tôi phải đóng số tiền chênh lệch này cho phía Nam Tiến và chỉ nhận được một cái phiếu thu chứ không thể hiện trong bất cứ hợp đồng nào”, chị N. cho hay.
Ngoài công trường đang xây dựng, phần đất còn lại của dự án được bao phủ bởi những bãi cỏ um tùm.
Được biết, không chỉ chị N. mà khá nhiều khách hàng mua nhà tại sàn Nam Tiến cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi số tiền chênh lệch phải trả giữa hợp đồng ký kết và thực tế có thể dao động vài chục lên đến vài trăm triệu đồng.
Quá bức xúc với cách làm việc của chủ đầu tư, nhiều khách hàng đã hai lần yêu cầu ban quản lý họp hội nghị cư dân và gửi đơn kiến nghị. Thế nhưng, tất cả nhận lại chỉ là sự im lặng.
Dù được giới thiệu là dự án có quy mô 33.000 m2, gồm 6 block chung cư cao 30 tầng, nhưng thực tế theo ghi nhận của PV báo Đất Việt sáng 11/8, ngoài block đang xây dựng dở, phần đất còn lại được bao phủ bởi những lớp cỏ dại cao quá đầu người.
Trong chung cư, có một tốp thợ khoảng 7-8 người đang tiếp tục làm nốt những hạng mục còn dang dở. Phía trước, một tòa nhà dùng làm căn hộ mẫu dường như đã bị bỏ hoang từ lâu, cửa đóng im ỉm với nhiều vật dụng đã bị rỉ sét cả bên trong lẫn bên ngoài.
Khu nhà mẫu phía trước dự án bị bỏ hoang, nhiều vật dụng đã bị rỉ sét do không có người sử dụng
Trao đổi với phóng viên báo Đất Việt, bà Nguyễn Ngọc Huyền My, Tổng giám đốc Quốc Cường Land thừa nhận những sai sót đang xảy ra tại dự án The Easter City.
Tuy nhiên, bà My cho rằng, sở dĩ cư dân bức xúc nhiều như vậy, là vì trước đây, Quốc Cường Land không trực tiếp quản lý dự án The Easter City mà thuê một đơn vị quản lý bên ngoài.
“Ngày 28/7 vừa qua, chúng tôi mới nhận được đơn phản ánh của cư dân. Khi thấy trong đó đề là đơn kiến nghị lần 2, quả thật là rất bất ngờ, bởi chúng tôi chưa bao giờ nhận được phản ánh nào của khách hàng thì sao lại có lần 2. Đến khi kiểm tra lại thì mới biết,hóa ra những kiến nghị của khách hàng, phía ban quản lý không chuyển lên để chúng tôi xử lý mà giấu đi luôn”, bà My cho hay.
Theo bà My, ngay sau khi phát hiện sự không trung thực từ phía ban quản lý, Quốc Cường Land đã quyết định chấm dứt hợp đồng với đơn vị này và tiếp quản lại từ tháng 8/2016.
Liên quan đến chất lượng công trình, bà My cho rằng, phía công ty không có chủ trương giao nhà sớm khi chưa được nghiệm thu từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, cuối tháng 12/2015, khi biết căn hộ của mình đã hoàn thiện, nhiều khách hàng ngỏ ý muốn được chuyển vào ở luôn vì cũng đã gần tới tết.
"Dù chúng tôi đã giải thích là hạ tầng chưa hoàn chỉnh nhưng họ vẫn chấp nhận sống chung với việc chung cư đang xây dựng. Vì nể quá nên chúng tôi đã đồng ý để những hộ dân này chuyển vào (?)”, bà My nói.
Với những trường hợp phải bỏ ra số tiền chênh lệch lớn khi mua bán căn hộ thông qua sàn giao dịch Nam Tiến, bà My cho rằng, lỗi thuộc về Nam Tiến khi đã tư vấn sai và ký hợp đồng ẩu với khách hàng.
“Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía Quốc Cường Land đã cắt hợp đồng phân phối đối với công ty này. Thậm chí, nhân viên sale của công ty này cũng đã quảng cáo nhiều hạng mục không đúng so với thiết kế của dự án như hồ bơi, sân tập thể thao, khu mua sắm... khiến khách hàng nhầm tưởng rằng công ty Quốc Cường lừa đảo”, bà My nói.
Cũng theo bà My, kể từ khi nhận được đơn kiến nghị của cư dân, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng như tăng cường nhân viên vệ sinh, bảo vệ... Tuy nhiên, bà My cho rằng, nếu muốn giải quyết dứt điểm vấn đề thì cần phải có thời gian.
Thế nhưng, thời gian bao lâu, giải quyết thế nào để đảm bảo quyền lợi khách hàng lại chưa có câu trả lời cụ thể và thỏa đáng từ bà tổng giám đốc của Quốc Cường Land. Cuối cùng, cư dân vẫn là người phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", vì trót bỏ tiền mua phải nhà ở một dự án kém chất lượng!?