PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI ĐỖ MẠNH HÙNG:

Đủ cơ sở để xét công nhận liệt sĩ cho anh Hải

Báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trường hợp của anh Vũ Xuân Hải, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 2 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng) chưa được Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) công nhận là liệt sĩ dù đã trực tiếp ngăn chặn hành vi vận chuyển gỗ trái phép và bị tông chết khi đang làm nhiệm vụ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (ảnh) cho rằng: “Với trường hợp anh Vũ Xuân Hải, địa phương cũng như cơ quan chức năng cần đối chiếu lại các quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó xem xét một cách có tình, có lý và đúng pháp luật để đánh giá đúng sự hy sinh, đóng góp của lực lượng kiểm lâm nói chung và cá nhân anh Hải nói riêng trong việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng, tài sản của đất nước...”.

Cần giải quyết thấu tình đạt lý

. Phóng viên: Theo ông, anh Vũ Xuân Hải có xứng đáng được công nhận liệt sĩ không và nên vận dụng theo quy định nào?

+ Ông Đỗ Mạnh Hùng: Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rõ liệt sĩ là người hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công”. Đối chiếu, ta có thể đánh giá và ghi nhận hy sinh của anh Hải là sự hy sinh vì lợi ích của Nhà nước, vì nhân dân. Điểm e Điều 11 pháp lệnh trên ghi rõ đối tượng được công nhận liệt sĩ là người: “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”.

Như vậy, theo thông tin của báo Pháp Luật TP.HCM, anh Hải cùng đồng đội đã có quá trình truy đuổi đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép 5 km. Trong quá trình truy đuổi, tài xế có những hành vi như lạng lách, cản trở. Toàn bộ quá trình truy đuổi anh Hải và đồng đội thừa sức nhận thấy rằng hành vi truy đuổi trên là vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, hai anh vẫn cố gắng truy đuổi đến cùng, trên tinh thần dũng cảm của anh và đồng đội. Như vậy hành động của anh Hải đã được thể hiện và chứng minh bằng việc thực thi nhiệm vụ của mình với tinh thần dũng cảm. Như vậy việc xem xét công nhận cho anh Hải là liệt sĩ là phù hợp.

Thiết nghĩ Cục Người có công cần phải rà soát lại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các quy định pháp luật khác có liên quan để xem xét và giải quyết một cách thấu tình đạt lý đối với trường hợp anh Hải.

. Nhưng thưa ông, Cục Người có công cho rằng anh Hải không đủ điều kiện xác nhận là liệt sĩ theo điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2013 của Chính phủ - quy định về các trường hợp người hy sinh được xem xét công nhận là liệt sĩ. Cụ thể, anh Hải không được xem là hy sinh trong trường hợp: “Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS)”, ông thấy điều này phù hợp không?

+ Cục Người có công có thể viện dẫn những quy định theo nghị định trên cũng như các văn bản pháp luật liên quan. Tuy nhiên, phải hiểu trong vụ việc này, anh Vũ Xuân Hải ngăn chặn hành vi vận chuyển gỗ trái phép, hành vi cấu thành tội phạm vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng được quy định tại Điều 175 BLHS. Nếu chiếu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2013 của Chính phủ, anh Hải phải được xem xét là hy sinh trong khi trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội theo quy định của BLHS. Nên theo tôi, trường hợp anh Hải có cơ sở để xem xét và công nhận liệt sĩ.

Các bài viết đăng trên Pháp Luật TP.HCM phản ánh về trường hợp của anh Vũ Xuân Hải chưa được công nhận là liệt sĩ. Ảnh: HTD

Đủ cơ sở để xét công nhận liệt sĩ cho anh Hải ảnh 4

Anh Vũ Xuân Hải trong một lần ngăn chặn vận chuyển gỗ trái phép. Ảnh: Tư liệu

Nên đề xuất thêm các danh hiệu cho anh Hải

. Vậy theo ông, việc viện dẫn nghị định trên của Cục Người có công có quá cứng nhắc đối với trường hợp hy sinh của anh Hải?

+ Rõ ràng trong quá trình truy đuổi của anh Hải không những ngăn chặn hành vi vận chuyển lâm sản trái phép để bảo vệ rừng mà đối tượng này còn có những hành vi vi phạm pháp luật khác rất nghiêm trọng. Theo hồ sơ vụ việc, trong quá trình trốn chạy, để cản trở sự truy đuổi của lực lượng kiểm lâm, tài xế này hoàn toàn có thể gây tai nạn cho người dân khác đang tham gia giao thông trên tuyến đường trên bằng việc lái xe lạng lách và khả năng gây ra chết người không hề nhỏ. Trước tình thế này, anh Hải và đồng đội đã vượt xe lên trước đầu tài xế kia để chặn lại, nếu không có hành động đó thì xe này còn tiếp tục lao đi và khả năng gây tai nạn sẽ rất lớn. May mắn là xe này chưa gây ra tai nạn cho người dân. Tôi nói như vậy để thấy chúng ta hoàn toàn có thể hiểu như trên để xem xét cho anh Hải. Tức là anh Hải hy sinh là để ngăn chặn hành vi vi phạm, vì lợi ích Nhà nước, của nhân dân.

. Theo ông, cần làm gì để anh Hải sớm được công nhận là liệt sĩ?

+ Ngành kiểm lâm nên tiếp tục bổ sung các tình tiết có liên quan đến việc truy đuổi “lâm tặc” của anh Hải với trách nhiệm và tinh thần dũng cảm của anh Hải trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình để anh sớm được công nhận liệt sĩ. Bên cạnh đó, cần có đề xuất các hình thức khen thưởng khác đối với anh Hải, ví dụ như huân chương Dũng cảm.

Đặc biệt, dù chưa được công nhận liệt sĩ nhưng tôi nghĩ địa phương và ngành kiểm lâm nên chăm lo, động viên gia đình anh Hải. Vì việc này theo tôi sẽ giúp góp phần động viên anh em chiến sĩ trong toàn ngành kiểm lâm, nhằm giúp kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ và nguy hiểm do tính đặc thù của công việc này...

Đã từng có trường hợp tương tự được công nhận liệt sĩ

. Theo quan sát của ông, đã từng có những trường hợp cụ thể tương tự nào như anh Hải mà được công nhận là liệt sĩ chưa?

+ Vụ việc này gợi cho tôi nhớ lại một trường hợp tương tự của anh kiểm lâm Lê Văn Phượng (Đại Từ, Thái Nguyên). Anh Phượng cũng ngăn chặn một vụ vận chuyển gỗ lậu nhưng bị xe lâm tặc lao vào đâm trực diện, anh chết trên đường đi cấp cứu. Lúc đó ngành kiểm lâm, tỉnh làm hồ sơ và được Chủ tịch nước truy tặng huân chương Dũng cảm cho anh Phượng. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ công nhận liệt sĩ thì Cục Người có công cũng trả lời không đủ điều kiện xem xét. Cục này cho rằng hành động của anh Phượng chưa thể hiện tính dũng cảm… Thấy vô lý, tôi đã phát biểu trước Quốc hội về trường hợp này với nội dung Chủ tịch nước đã truy tặng huân chương Dũng cảm cho anh Phượng, tức là Chủ tịch nước đã ghi nhận hành động đó là dũng cảm thì không lẽ nào Cục Người có công lại bảo không dũng cảm. Lúc đó ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội (khóa XII), đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH rà soát lại trường hợp này. Sau đó bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo rà soát và một thời gian sau anh Phượng được công nhận liệt sĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm