Sau cái chết đau đớn của anh, gia đình, đồng đội và cả cơ quan chức năng của địa phương đều thấy trường hợp của anh rất xứng đáng để được công nhận là liệt sĩ. Họ nhiều lần có đơn đề nghị Cục Người có công Bộ LĐ-TB&XH công nhận. Thế nhưng suốt một năm nay, sự hy sinh ấy của anh không ít lần bị đưa lên đặt xuống, cân đo đong đếm rồi… khước từ.
Chiếu theo lý, trường hợp hy sinh của anh Hải hoàn toàn đáp ứng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2013 của Chính phủ - quy định các trường hợp hy sinh được xem xét công nhận là liệt sĩ. Theo đó, anh Hải đã “trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong BLHS”. Cụ thể ở đây, anh Hải đã ngăn chặn hành vi vận chuyển gỗ trái phép, dấu hiệu đặc trưng ban đầu của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, theo Điều 175 BLHS.
Nên nhớ, quy định của Nghị định 31/2013 này nói rất rõ là trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong BLHS chứ không bắt buộc phải đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Tức người thi hành công vụ chỉ cần ngăn chặn hành vi nguy hiểm có dấu hiệu của tội phạm mà hy sinh thì người đó sẽ được công nhận là liệt sĩ. Bởi không ai có thể nhìn thấy một hành vi nào đó đang diễn ra mà đã kết luận “hai năm rõ mười” là tội phạm khi chưa qua giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, chưa có bản án có hiệu luật pháp luật của tòa án.
Vì vậy, ngay cả khi căn ke theo câu chữ thì chính xác là anh Hải đang ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Sẽ là rất thiếu thuyết phục nếu Cục Người có công tiếp tục viện dẫn lý do rằng hành vi vận chuyển trái phép của kẻ tông chết anh Hải chỉ bị xử lý hành chính, không phạm tội hình sự nên sự việc thi hành công vụ ngăn chặn của anh Hải không được xem là ngăn chặn hành vi phạm tội, từ đó sự hy sinh của anh không hội đủ điều kiện để công nhận là liệt sĩ.
Chúng ta sẽ phải ăn nói thế nào với người dân và đông đảo lực lượng kiểm lâm chân chính đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng khi anh Hải thực sự đã lăn xả, ngăn chặn hành vi vận chuyển gỗ trái phép, rồi bị kẻ này cố ý tông chết lúc đang mặc trên mình chiếc áo kiểm lâm, đang thực thi công vụ mà không được công nhận là liệt sĩ? Mấy ngày qua, khi các bài báo về trường hợp anh Hải được đăng trên Pháp Luật TP.HCM, nhiều bạn đọc bức xúc: “Làm thế này thì ai còn dám ngăn chặn những kẻ phá rừng nữa?”. Chúng ta phải trả lời sao cho những câu hỏi ấy, những tâm tư ấy, những đòi hỏi chính đáng của dân ấy?
Chị Tô Thị Thoa - vợ của anh Hải kể: Khi đọc những con chữ trên Công văn 1611 ngày 7-9-2015 của Cục Người có công, bác công nhận liệt sĩ cho chồng mình, chị đã khóc. Lẽ nào một người chồng, người cha và người con đã cống hiến tuổi xuân cho nhiệm vụ bảo vệ rừng do Nhà nước giao phó, đến khi hy sinh trong khi làm nhiệm vụ lại không được công nhận là liệt sĩ?!
Chẳng một ai cương quyết đối đầu trực diện với hành vi vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, đối diện với cái chết do kẻ vi phạm pháp luật cố ý tước đoạt để mong mình được công nhận là liệt sĩ. Cũng chẳng có người vợ, người con nào mong chồng, cha mình là liệt sĩ cả. Nhưng khi họ ngã xuống vì công vụ, vì nước, vì dân thì nhân dân luôn ghi nhớ, Tổ quốc sẽ ghi công.
Không chỉ theo quy định của pháp luật như đã phân tích trên đây mà với nghĩa này, anh Hải xứng đáng là một liệt sĩ.